Những cánh rừng trồng xanh tốt có nguy cơ phải nhường cho “siêu” dự án nghĩa trang.
Ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Những ngày gần đây, câu chuyện về dự án “siêu” nghĩa trang đang khiến nhiều người dân quanh xã Đông Hưng (Lục Nam, Bắc Giang) xôn xao.
Khi gặp PV Tiền Phong, chị Nguyên Hoa (Đông Hưng, Lục Nam) nói: “Trước đây chúng tôi từng nghe về dự án khu du lịch sinh thái, chưa hề nghe tới việc xây khu nghĩa trang. Tôi không biết được phê duyệt quy hoạch vì chưa có đại diện chính quyền xuống phổ biến. Nếu xây nghĩa trang, chúng tôi lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Chỉ cho chúng tôi những cánh rừng sản xuất quanh thôn Cai Vàng (xã Đông Hưng), anh Nguyễn Khoái, người dân tại đây cho rằng: “Nếu dự án nghĩa trang hàng trăm ha, những cánh rừng kéo dài mấy cây số coi như mất trắng. Nếu biết có dự án nghĩa trang, khả năng cả xã sẽ không ai đồng ý. Phải làm gì có lợi cho dân, chứ làm nghĩa trang rồi bán mấy chục triệu một lô đất”.
Một số người dân có rừng sản xuất tại xã Đông Hưng còn cho rằng, đất rừng sản xuất được người dân cải tạo, chăm sóc để trồng cây gây rừng theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Nếu lấy diện tích đất trên để làm nghĩa trang người dân không biết làm gì khác; nghề nghiệp, cuộc sống người dân đảo lộn.
“Những cánh rừng sản xuất để ngăn lũ cho cả vùng, một khi rừng trọc sẽ không còn lá chắn bảo vệ. Dưới chân núi là hệ thống sông, suối cung cấp nước cho toàn bộ người dân trong vùng. Việc làm nghĩa trang chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước”, chị Bích Thuận (Đông Hưng, Lục Nam) nói.
Vội vàng?
Được biết, cách đây mấy tháng (ngày 6/7/2022), UBND tỉnh Bắc Giang chính thức phê duyệt Quy hoạch 1/500 chi tiết xây dựng Khu Công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Đây được coi là dự án lớn nhất của tỉnh Bắc Giang từ đầu năm đến giờ.
Điều đáng nói là, 1 dự án lớn nhưng tỉnh lại cho phép 1 doanh nghiệp vừa mới thành lập (2 tháng) tài trợ quy hoạch (với số kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng). Ngoài việc tài trợ kinh phí (không hoàn lại) để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết khu nghĩa trang thì Cty này cũng xin tài trợ 100% kinh phí lập quy hoạch dự án khác tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với quy mô lên tới 706,5ha.
Điểm đáng lưu ý của dự án như chính lời ông Đặng Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam nói với phóng viên rằng, chủ yếu đất rừng sản xuất. Với diện tích rừng lên tới 177,6 ha làm dự án nghĩa trang, đến Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ( Sở NN&PTNT) Bắc Giang cũng phát văn bản gửi Sở Xây dựng kiến nghị: Bổ sung thuyết minh làm rõ sự phù hợp của diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án (với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050).
Đáng chú ý, theo thông tin từ văn bản của Sở NN&PTNT, toàn bộ nước từ dự án này sẽ được thu gom, xử lý vi sinh rồi xả về hồ Suối Nứa.
Sở NN&PTNT nhấn mạnh qua văn bản: “Cần đặc biệt chú ý đến nước thải sau khi được xử lý sẽ đấu nối vào các suối hiện trạng cần đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định và Luật Thủy lợi vì các suối hiện trạng sẽ đưa dẫn về điểm cuối là hồ Suối Nứa (hiện hồ Suối Nứa ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân)”.
Sở NN&PTNT đề nghị chủ đầu tư trong quá trình triển khai trình tự dự án cần thực hiện đúng quy định, đảm bảo thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng 177,6 ha sang mục đích khác.
Khi được hỏi để cho 1 nhà tài trợ quy hoạch vừa mới thành lập, chưa đủ kinh nghiệm lập quy hoạch dự án lớn, tác động phần lớn đất rừng sản xuất; Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho rằng, dự án mới trong giai đoạn duyệt chủ trương đầu tư. “Siêu” dự án nghĩa trang này (diện tích gần 200 ha đất rừng phải báo cáo Thủ tướng), ông Nhàn cho rằng, chưa đến giai đoạn xin Thủ tướng chuyển đổi đất rừng sang dự án. Theo đó, nhiệm vụ của UBND huyện thời điểm này là phối hợp các cơ quan chức năng thẩm định quy hoạch. “Trước mắt, làm quy hoạch, khi nào có nhà đầu tư vào mới chuyển đổi đất rừng”, ông Nhàn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiệu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, cho rằng, với đất rừng sản xuất trên 50 ha phải báo cáo Thủ tướng xin chuyển đổi.
“Khi đã có chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin chuyển đổi đất rừng. Bộ sẽ xem rừng có đủ điều kiện hay không? Nếu được quyết định, chủ đầu tư phải chuyển đổi trồng rừng thay thế bằng đúng diện tích (chuyển đổi); nếu không, phải nộp bằng tiền”, ông Hiệu nói.