Siêu dự án dọc sông Hồng: Dân hay ai hưởng lợi?

Tô Văn Trường |

Đây là dự án “lợi bất cập hại”. Lợi thì trước hết cho chủ đầu tư và các “cổ đông” nhưng cái hại thì toàn dân phải gánh chịu.

Góp bàn về bài toán kinh tế được-mất của dự án tỷ đô dọc sông Hồng đang được dư luận quan tâm, Tuần Việt Nam đăng tải ý kiến của ông Tô Văn Trường.

Dư luận XH đang xôn xao về Dự án giao thông thủy xuyên Á (kết nối với Trung Quốc) trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị TTCP xem xét.

Lợi cho ai?

Theo đó, dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 06 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai; kết hợp xây dựng 06 nhà máy thủy điện nhỏ), xây dựng 07 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai, với tổng mức đầu tư ước tính 24.510 tỷ đồng.

Theo ý tưởng của doanh nghiệp đề xuất, đây là dự án “siêu thủy lộ” là chính, còn “phát điện” chỉ là mục đích phụ. Lợi ích chính của dự án này được xác định từ thu phí giao thông thủy.

Còn về thủy điện chỉ khai thác được tổng công suất 228MW thì không mang lại lợi ích đáng kể.

Khía cạnh tích cực của dự án chính là đoạn sông Thao từ Lào Cai đến Việt Trì khá dốc, tình hình vận tải thủy trên sông Thao hiện nay không ổn định, chỉ các tàu quy mô nhỏ có thể vận hành.

Việc cải tạo sông Thao sẽ tăng cường khả năng vận tải thủy ở đoạn sông này.

Mặt khác, dự án này được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) tức là sẽ không có thời hạn, nhà đầu tư có thể thu phí vĩnh viễn đối với luồng tuyến, đồng nghĩa với việc sở hữu hoàn toàn dòng sông Hồng.

Ẩn khuất lợi ích to lớn cho riêng nhà đầu tư chưa được nêu ra chính là nguồn khai thác cát khổng lồ do nạo vét sông.

Xét về mặt chính trị, có thể nói trục giao thông với mục đích chính là nối liền TQ với các cảng biển của VN dễ bị TQ chi phối.

Bởi nguồn nước và sự giao lưu về thương mại đều phụ thuộc vào TQ. Trong khi hiện nay các đập TQ quy chế vận hành như thế nào, họ không cho phía VN được biết.

Điều gì sẽ xảy ra, khi dòng sông mẹ của cả một quốc gia, nguồn phù sa cho toàn bộ vùng châu thổ màu mỡ nhất miền Bắc trở thành sở hữu riêng của một doanh nghiệp?

Những tác hại dễ thấy

Đồng bằng sông Cửu Long đã mặn chát vì thủy điện ở thượng lưu sông Mekong. Tây Nguyên cũng đã cạn khô do hiện tượng Enino và thủy điện. Đồng bằng châu thổ sông Hồng sẽ ra sao khi bị chia thành 07 khúc cũng vì thủy điện?

Nguồn nước qua các đập dâng không thể điều tiết chủ động như từ các hồ chứa lớn (như trên sông Đà, sông Lô Gâm) nên tác dụng điều tiết nước tích cực là không nhiều.

Trong khi với mục đích khai thác phục vụ giao thông thì có nhiều khả năng nguồn nước xuống hạ du còn bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, đặc biệt trong mùa cạn.

Việc các đập dâng cung cấp nước tưới cho vùng từ Việt Trì trở lên không có nhiều ý nghĩa, vì vùng này diện tích đất nông nghiệp không nhiều, địa thế lại dốc nên lấy nước từ sông Hồng chủ yếu vẫn phải bằng bơm động lực.

Việc xây dựng các đập dọc sông Thao sẽ làm dâng mực nước đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai, do đó cần có tính toán định lượng các khu vực bị ngập úng dọc sông.

Ngoài ra, việc dâng mực nước trên sông sẽ làm giảm khả năng tiêu thoát nước của các khu vực dân cư, khu vực canh tác ven sông.

Việc xây dựng các đập dâng nước kết hợp âu tàu sẽ làm giảm khả năng chuyển lũ và ảnh hưởng đến khả năng phòng chống lũ của hệ thống sông Thao.

Lòng sông Thao đoạn từ Việt Trì đến Lào Cai có độ dốc lớn, việc nạo vét lòng sông sẽ gây sạt lở bờ sông, bãi sông và các công trình đê điều, thủy lợi dọc sông.

Sau khi đồng bằng sông Hồng bị giảm đáng kể lượng phù sa từ hai nhánh sông Đà và sông Lô – Gâm thì nay nhánh còn lại là sông Thao cũng sẽ bị chặn lại.

Hậu quả là độ màu mỡ của vựa lúa lớn thứ 02 của VN sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong khi lòng sông sẽ có nguy cơ tiếp tục bị hạ thấp và xói lở mạnh hơn, càng làm giảm khả năng của các công trình lấy nước dọc sông.

Tác động của dự án đến môi trường, hệ sinh thái, lịch sử, văn hóa vốn tồn tại hàng nghìn năm, và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, không có lợi ích nào bù đắp nổi.

Nếu dự án này được CP cho phép đầu tư dòng sông Hồng sẽ bị… biến thái!

Lợi bất cập hại

Nhiều quốc gia phát triển đang tìm cách khôi phục trạng thái trước kia của các dòng sông lớn. Từ những năm 1990, Thụy Điển đã bắt đầu khởi động chương trình tái tạo các dòng sông.

Liên minh châu Âu vào năm 2000 đã đưa ra chỉ định khung về nguồn nước, yêu cầu tất cả dòng sông chảy qua các quốc gia thành viên cần phải được đưa trở về “tình trạng tốt” trước năm 2015.

Một trong những dòng sông lớn nhất Tây Ban Nha là Duero cũng đang được “dọn dẹp” các đập và công trình chặn dòng. Các con đập trên dòng Loire, con sông dài nhất nước Pháp, cũng được phá bỏ dần.

Cửa sông Skjern của Đan Mạch cũng được bồi đắp sau khi các bờ sông nhân tạo được hạ thấp để dòng lũ chảy tự nhiên. Tại Mỹ đã có hơn 72 đập sông lớn nhỏ được phá bỏ từ năm 2014 đến nay.

Một dự án tỷ đô hay nhiều tỷ đô thì cũng không thể vượt qua hoặc bỏ quên quy hoạch tổng thể hay quy hoạch ngành của Nhà nước.

Dự án càng lớn thì tác động của nó đến các vấn đề kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và cả văn hóa lịch sử càng lớn.

Sông Hồng ở VN, cũng như sông Hằng ở Ấn Độ, sông Volga của Nga vv… là những con sông "mẹ", là cội nguồn sản sinh, nuôi dưỡng phát triển của cả một dân tộc, một quốc gia.

Không thể vì lợi ích của những ai ai đó để làm mất đi hoặc biến thái "nền văn minh sông Hồng", và nền văn minh lúa nước của một dân tộc.

Đây là dự án “lợi bất cập hại”. Lợi thì trước hết cho chủ đầu tư và các “cổ đông” nhưng cái hại thì toàn dân phải gánh chịu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại