Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có sức hút đặc biệt gì khiến hàng loạt "ông lớn" trên thế giới quan tâm?

T.Hà |

Hàng loạt các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu muốn góp phần vào dự án trọng điểm này ở Việt Nam.

Nội dung chính

  • Dự án đường sắt tốc độ cao được Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc quan tâm.
  • Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng thế giới World Bank cũng muốn rót vốn.

Siêu dự án trọng điểm 70 tỷ USD

Ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã phát biểu: "Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035".

Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.545km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của Việt Nam sẽ kéo dài từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố, là đường sắt đôi khổ 1.435 mm.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa tuyến đường sắt tốc độ cao của Việt Nam được quan tâm đầu tư bằng AI ChatGPT

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.

Với dự án đường sắt tốc độ cao kéo dài 1.545 km trên trục Bắc - Nam, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và việc tính toán nhu cầu về nhân sự cho từng vị trí, ước tính cần 8,98 người/km để quản lý và vận hành tuyến đường này tại Việt Nam, tức tổng cộng cần 13.880 người.

Về giá vé đi tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết giá vé sẽ được tính theo tỷ lệ trung bình của giá vé máy bay.

"Để người dân có thể đi tàu đường sắt tốc độ cao, chúng tôi sẽ chia thành 3 hạng vé: Hạng vé thương gia có giá tương đương với vé máy bay thương gia phục vụ người có nhu cầu chất lượng cao; Hạng vé thứ 2 có giá tương đương 0,75% giá trung bình vé máy bay; Hạng vé thứ 3 có giá 0,45% giá vé trung bình của vé máy bay. Chúng tôi định hình ra từng hạng vé để người dân dễ tiếp cận", nguồn trên dẫn lời Thứ trưởng Huy nói.

Thứ trưởng Huy cho biết, bình quân khoảng cách giữa các điểm dừng là 100km. Nếu lượng khách đông, có thể vận hành tới 60 chuyến tàu mỗi giờ. Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao dài hơn 1.500km dự kiến có 24 nhà ga.

Cùng với quyết tâm lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu cũng bày tỏ mong muốn góp phần vào dự án trọng điểm này.

Hàng loạt cường quốc mong muốn đầu tư

Hàn Quốc

Sáng 16/7, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng & Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sang Woo.

Bộ GTVT Việt Nam và MOLIT đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đây là cơ sở để hai bên có những hợp tác cụ thể. Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị tới đây hai Bộ có thể ký các MOU trong từng lĩnh vực như đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải.

"Thông qua việc ký MOU, chúng tôi hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao", Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 2.

Ảnh: Bộ GTVT

Trung Quốc

Chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, trong đường sắt tốc độ cao, hệ thống thông tin tín hiệu là hết sức quan trọng, quyết định sự an toàn hệ thống. Khi Trung Quốc có công nghệ tốt, giá thành hợp lý thì đây là cơ hội tốt, hai bên cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ để phát triển dự án đường sắt ở Việt Nam.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáp lời, lãnh đạo Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.

Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường tại Trung Quốc được tổ chức vào cuối năm 2023, Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đã chia sẻ, doanh nghiệp muốn được tham gia các dự án lớn tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Nhật Bản

Ngày 10/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki về thúc đẩy hợp tác hai bên trong lĩnh vực GTVT.

Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết việc Nhật Bản hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam vô cùng quan trọng. Phía Nhật Bản rất quan tâm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó có các dự án mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn, kĩ thuật. Để có thể hiện thực hóa hợp tác này, Đại sứ Nhật Bản mong muốn được cung cấp thông tin chi tiết, tài liệu dự án.

Trước đó, hôm 11/3, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam, do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn, đã có buổi gặp và làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản. Tại đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Shunichi Suzuki. Ảnh: Bộ Tài chính

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Shunichi Suzuki bày tỏ sẵn sàng tham gia vào dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng như các dự án hạ tầng khác mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai.

Hồi tháng 1 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi khẳng định, các đề nghị của phía Việt Nam đều có ý nghĩa. Phía Nhật sẽ nghiên cứu, phối hợp để sớm đưa ra giải pháp khả thi.

Trong năm 2023, Việt Nam liên tiếp có những cuộc làm việc song phương với lãnh đạo Nhật Bản và đều đạt kết quả tích cực liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá khoảng 70 tỷ USD.

Cộng hòa Liên bang Đức

Chiều 26/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp, Chủ tịch Tập đoàn Siemens Roland Busch cho biết Siemens quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.

Ông cho biết Siemens đang tích cực hợp tác và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực và nội dung mà Thủ tướng đã đề cập như công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, tốc độ cao…, bao gồm hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Tây Ban Nha

Trong buổi tiếp xúc đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và bà Pilar Méndez Jiménez, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Tây Ban Nha tại Việt Nam đã thảo luận về tiềm năng hợp tác lĩnh vực đường sắt.

"Việt Nam cũng có những điểm tương đồng về mặt địa lý để phát triển hệ thống đường sắt như Tây Ban Nha. Vì vậy, Tây Ban Nha mong muốn hợp tác với Bộ GTVT Việt Nam trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt cao tốc nói riêng", bà Đại sứ bày tỏ và đề nghị Bộ GTVT Việt Nam cung cấp thông tin về các dự án đường sắt, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao.

Các Ngân hàng quốc tế bày tỏ cam kết

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)

Chiều 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Kim Lập Quần, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị AIIB tư vấn, tài trợ, hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho Việt Nam trong các dự án hạ tầng quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; 3 tuyến đường sắt phía bắc kết nối với Trung Quốc và qua Trung Quốc kết nối với châu Âu, Trung Á; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Kim Lập Quần, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáp lại, Chủ tịch AIIB cho biết sẽ dành khoảng 5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi để hợp tác với Việt Nam và nhất trí cao với những định hướng hợp tác mà Thủ tướng đã nhấn mạnh, trong đó tập trung vào các dự án lớn, thủ tục nhanh gọn và phải mang lại hiệu quả cao.

Ngân hàng thế giới World Bank

Ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Bàn về định hướng hợp tác giai đoạn tới, Thủ tướng đề nghị World Bank có nhiều phương thức, mô hình cung cấp và quản lý vốn tài trợ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của Việt Nam; ưu tiên thực hiện những dự án lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đồng tình với Thủ tướng Phạm Minh Chính về định hướng triển khai các dự án có trọng tâm, trọng điểm, bà Carolyn Turk đánh giá cao các cam kết của Việt Nam. Bà khẳng định WB sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan phía Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã có ý kiến trao đổi.

Siêu dự án 70 tỷ USD ở Việt Nam có gì mà thu hút một loạt "ông lớn sừng sỏ" muốn đầu tư? - Ảnh 7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk đến chào từ biệt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại