Siêu đập "vô tiền khoáng hậu" của TQ: Vũ khí nguy hiểm bóp nghẹt mọi tiềm năng của Ấn Độ?

Tất Đạt |

Việc kiểm soát dòng chảy của nước thông qua xây dựng đập và điều hướng nước có thể cho Trung Quốc khả năng "bóp nghẹt nguồn lương thực của quốc gia láng giềng lớn nhất".

Ảnh: EPA-EFE

Ảnh: EPA-EFE

Siêu đập mới

Giữa lúc cuộc căng thẳng biên giới kéo dài hơn 7 tháng chưa có dấu hiệu kết thúc và sự chia tách kinh tế bắt đầu hiện hữu, mối quan hệ Trung - Ấn lại tiếp tục xuống dốc vì một mâu thuẫn khác: nguồn nước.

Sông Brahmaputra (hay còn được Trung Quốc gọi là Yarlung Zangbo) là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới. Cuối tháng trước, Trung Quốc thông báo về một dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất của nước này, với tiềm năng sản xuất nhiều điện năng hơn đập Tam Hiệp gấp 3 lần.

Tờ Hoàn Cầu dẫn lời Yan Zhiyong, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện năng Trung Quốc, cho biết dự án này có thể sản xuất 70 triệu kWh và sẽ là "vô tiền khoáng hậu".

Mặc dù Bắc Kinh không thông báo địa điểm cụ thể, nhưng cho biết dự án sẽ được xây dựng gần khu vực được gọi là "The Great Bend" - nơi con sông gấp khúc về phía nam để tiến vào vùng Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ.

Nhiều người Ấn Độ quan ngại rằng một dự án lớn như vậy sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước và an ninh lương thực của nước này. Chưa kể, Trung Quốc còn có thể vũ khí hóa nguồn nước bằng cách chặn dòng chảy hoặc điều khiển nguồn nước để tạo ra lũ lụt hoặc hạn hán.

Siêu đập vô tiền khoáng hậu của TQ: Vũ khí nguy hiểm bóp nghẹt mọi tiềm năng của Ấn Độ? - Ảnh 1.

Ngư dân đánh cá trên sông Brahmaputra. Ảnh: AFP

Hai ngày sau, New Delhi nói họ đang cân nhắc một dự án thủy điện lớn của riêng họ trên sông Brahmaputra để "giảm thiểu tác động tiêu cực từ các dự án đập Trung Quốc".

Các chuyên gia cảnh báo rằng một cuộc đua giữa hai nước lớn ở châu Á có thể sẽ gây ra hậu quả lớn không chỉ cho đối phương - mà còn cho cả Bangladesh, nơi con sông chảy qua trước khi tiến vào Vịnh Bengal.

"Mâu thuẫn biên giới, những bí ẩn và bí mật xoay quanh con đập đã làm trầm trọng hóa thêm tình hình," B. R. Deepak, chuyên gia, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho hay.

Tới nay, New Delhi vẫn phản ứng thận trọng với vấn đề này. Vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ vẫn đang "theo dõi sát sao mọi diễn biến" quanh con sông. "Chính phủ vẫn quan sát và thúc giục phía Trung Quốc đảm bảo rằng lợi ích của các bang Ấn Độ ở hạ lưu sông không bị tổn hại bởi bất kì hoạt động nào trên thượng nguồn".

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng "siêu đập" nói trên có thể là mối quan ngại cực kì to lớn đối với Ấn Độ.

Rủi ro và nguy cơ lớn

Sayanangshu Modak, Nghiên cứu sinh tại Quỹ Nghiên cứu Người Quan sát, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nước xuyên biên giới và quản lý rủi ro lũ lụt, cho hay: "Khu vực này thường xuyên xảy ra sạt lở đất và cũng là khu vực dễ xảy ra thiên tai. Nếu một con đập nhân tạo bị vỡ, cả khu vực sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không chịu tổn hại mà khu vực hạ nguồn Ấn Độ mới là nơi bị ảnh hưởng trầm trọng nhất".

Việc kiểm soát dòng chảy của nước thông qua xây dựng đập và điều hướng nước có thể cho Trung Quốc khả năng "bóp nghẹt nguồn lương thực của quốc gia láng giềng lớn nhất". Sông Brahmaputra vốn là nguồn nước lớn và hỗ trợ duy trì lương thực ở khắp các khu vực ở vùng đông bắc Ấn Độ.

Ngoài ra, hệ sinh thái ở hạ lưu sông cũng sẽ bị thay đổi đáng kể. Nếu con đập được xây dựng, sự thay đổi mực nước sẽ diễn ra hàng ngày chứ không còn theo mùa. "Khi các tua-bin được bật, lượng nước sẽ tăng cao và khi chúng tắt, dòng chạy sẽ ngưng lại," một chuyên gia cho hay.

Thông thường, các dự án lớn như vậy sẽ cần tới việc thảo luận và đàm phán giữa các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ chưa kí kết bất kì thỏa thuận chia sẻ nguồn nước nào với nhau.

Một ngày sau khi tờ Hoàn Cầu cho biết Trung Quốc "dự định xây dự án thủy điện lịch sử", Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã giải thích rằng dự án đang "trong giai đoạn tiền đề" và "không cần phải diễn giải quá nhiều về việc này". Thậm chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn nói rằng việc xây dựng một dự án như vậy là "quyền hợp pháp của Trung Quốc".

Về phần mình, Ấn Độ cho biết Trung Quốc nói rằng "Trung Quốc sẽ chỉ thực hiện các dự án thủy điện trên những dòng sông không liên quan đến Brahmaputra". Hiện tại, vấn đề "siêu đập" đã trở thành một mối quan ngại mới giữa hai cường quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại