Siêu đập trên sông Nile: Khi Trung Quốc kẹt cứng trong mối bất hòa của "đồng minh"

Thi Anh |

Các cuộc đàm phán liên quan tới bất đồng xung quanh đập Đại phục hưng do Mỹ và Liên minh Châu Phi chủ trì đều lần lượt thất bại.

Hy vọng vào tiếng nói của Bắc Kinh

Có thể Bắc Kinh không trực tiếp đầu tư vào dự án Đập Đại Phục hưng Ethiopia (GERD) trị giá 4,6 tỉ USD trên sông Nile Xanh nhưng nước này cung cấp khoản vay cho hạ tầng liên quan và quan tâm tới việc giải quyết tranh cãi ba bên về dự án này.

Mới đây, Thủ tướng Ethiopia Abiya Ahmed xác nhận: Ethiopia đã đạt mục tiêu làm đầy hồ chứa sau đập với 4,9 tỉ mét khối nước - vài ngày sau khi các nước láng giềng Sudan và Ai Cập lên tiếng phản đối.

"Hoàn thành lượt đổ đầy hồ chứa đầu tiên là một khoảnh khắc lịch sử cho thấy sự cam kết của Ethiopia đối với sự phục hưng của đất nước", ông Ahmed nói.

Trung Quốc không đầu tư trực tiếp vào con đập, cũng không giữ vai trò chính trong các cuộc đối thoại hòa giải thông qua Liên minh Châu phi (AU) nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn về mặt ngoại giao và đầu tư đối với cả ba nước.

Các công ty và ngân hàng Trung Quốc đã rót tiền cho đường dây truyền tải chính từ đập nước -cung cấp điện cho các thị trấn, thành phố kế cận. Nhiều công ty Trung Quốc là nhà thầu phụ cho dự án.

Đập Đại Phục hưng được đầu tư bởi chính quyền Ethiopia và thông qua công trái chính phủ, cũng như trái phiếu hạ tầng.

Theo ông Ahmed, việc đổ đầy hồ chứa sẽ tạo điều kiện cho Ethiopia sản xuất điện năng trong năm tới.

Tuy nhiên, về phần mình, Ai Cập và Sudan lo ngại rằng, việc đổ đầy hồ chứa sẽ khiến mực nước sông bị hạ thấp. Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi có những thông tin và hình ảnh vệ tinh cho rằng Ethiopia làm đầy hồ chứa.

Mặc dù Trung Quốc đã tránh liên đới tới cuộc tranh cãi nhưng các nhà phân tích cho rằng tiếng nói của Bắc Kinh sẽ giúp giải quyết vấn đề.

Stephen Chan, giáo sư của Đại học Nghiên cứu châu Phi và phương Đông London, cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng kinh nghiệm xây đập, quản lý tác động từ đập để giúp 3 nước đi đến 1 thỏa thuận.

Mohammed Soliman, học giả của Viện Trung Đông, đánh giá:

"Bắc Kinh có quan hệ chặt chẽ với Cairo lẫn Addis Ababa, có liên quan tới việc xây dựng, đầu tư vào nhiều dự án phát triển kinh tế trọng yếu ở cả hai nước, và có quan tâm tới nỗ lực tránh leo thang căng thẳng giữa Ai Cập với Ethiopia".

"Nếu Trung Quốc hòa giải thì có thể sẽ giúp xây dựng lại lòng tin giữa Cairo và Addis Ababa".

Trung Quốc có vẻ muốn đứng ngoài cuộc

Hồi tháng 3, quá trình thương thảo do Mỹ chủ trì đã thất bại trong việc giải quyết tranh chấp sau khi Ethiopia rút khỏi các cuộc đàm phán, cho rằng Mỹ thiên vị Ai Cập.

Trong các cuộc đàm phán do AU chủ trì (vừa kết thúc hôm 13/7) thì các bên lại thất bại trong việc thỏa thuận những vấn đề như hạn chế hạn hán và luật pháp quốc tế.

Trong các cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập, Ethiopia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ mong muốn đối thoại để tìm ra giải pháp được các bên chấp nhận sớm nhất có thể. Ông Vương nói, Trung Quốc "sẵn sàng duy trì vai trò mang tính xây dựng".

Tuy nhiên, vì mối quan hệ thân thiết với Ai Cập, Ethiopia và Sudan, Bắc Kinh có xu hướng sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để đứng ngoài vấn đề này.

"Trung Quốc không muốn làm tê liệt quan hệ với bất cứ bên nào trong số đó", David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia, đồng thời là giáo sư của Đại học George Washington, nhận định.

Sông Nile Xanh, vốn bắt nguồn từ Ethiopia, là nguồn nước chính của sông Nile ở Ai Cập. Đập Đại Phục hưng kéo dài hơn 1,8 km có thể gây khó dễ cho Ai Cập khi mà nước này phụ thuộc tới 90% nhu cầu nước vào sống Nile, bao gồm cả công tác tưới tiêu.

Chủ yếu là một quốc gia sa mạc với khoảng 100 triệu dân, Ai Cập cho rằng nền kinh tế của mình sẽ bi thiệt hại nếu không có nước sông Nile và khẳng định rằng con đập là một mối đe dọa hiện hữu.

Ai Cập đang thúc đẩy về mặt pháp lý để đảm bảo một lượng nước tối thiểu được xả xuống hạ lưu để ngăn hạn hán nhưng tới nay Ethiopia vẫn từ chối.

Ethiopia, nơi 65% dân chúng vẫn chưa được tiếp cận trực tiếp tới điện, đang đặt hy vọng công nghiệp hóa vào con đập. Khi hoàn thành, đây sẽ là đập thủy điện lớn nhất châu Phi với tiềm năng xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại