Thân đập Đại Phục Hưng đang được xây dựng (ảnh: Al Monitor)
Mới đây, phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Ethiopia, ông Bekele – Bộ trưởng Tài nguyên nước Ethiopia – nói rằng việc trữ nước cho đập Đại Phục Hưng đã bắt đầu.
Chỉ vài giờ sau khi thông tin trữ nước cho GERD được đăng tải, trước phản ứng gay gắt của Ai Cập và Sudan, văn phòng của ông Bekele đã phải lên tiếng phủ nhận tin tức nói trên.
Kênh truyền hình nhà nước Ethiopia cũng đính chính và lên tiếng xin lỗi vì đã “diễn giải sai” câu nói của Bộ trưởng Bekele. Ethiopia khẳng định có nước trong hồ chứa của đập Đại Phục Hưng, nhưng là nước từ những cơn mưa lớn gần đây, chứ không phải nước sông Nile.
Sau những lùm xùm xoay quanh thông tin siêu đập Đại Phục Hưng bắt đầu trữ nước, Ai Cập quay sang đổ lỗi cho Ethiopia về những cuộc đàm phán bất thành. Ai Cập cho rằng, Ethiopia không hề thể hiện bất kỳ mong muốn nào để đạt được thỏa thuận về con đập.
Tuy nhiên, theo Ethiopia, việc các vòng đàm phán thất bại là do Ai Cập và Sudan “không chịu thay đổi quan điểm”.
Cả Ai Cập và Ethiopia đều rất cần nguồn nước sông Nile (ảnh: Reuters)
Ethiopia đề xuất lấp đầy hồ chứa 74 tỷ mét khối của đập Đại Phục Hưng trong thời gian từ 4 – 7 năm, trong khi Ai Cập đề nghị kéo dài thời gian này tới 10 năm.
Hani Raslan – chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al Ahram (Ai Cập) – cho rằng, Ethiopia đã từ chối tất cả những nhượng bộ được đưa ra bởi Ai Cập.
“Ai Cập có lẽ phải nhờ đến sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những cuộc đàm phán bởi các chuyên gia và bộ trưởng đã không mang lại kết quả, giờ là lúc lãnh đạo nhà nước vào cuộc”, ông Hani Raslan nhận xét.
Ethiopia tuyên bố sẽ trữ nước cho GERD trong tháng 7 này nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể, bất chấp việc Ai Cập và Sudan liên tục phản đối.
“Đập Đại Phục Hưng là thách thức lớn đối với Ai Cập. Nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước từ sông Nile. Việc nguồn nước sông Nile bị gián đoạn cũng gây ra vô vàn hệ lụy khác, thậm chí là cả về chính trị”, Ahmet Uysal – chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lực Trung Đông – nhận định.
Ông Ahmet Uysal cho rằng, so với 10 năm trước, ngày nay Ai Cập đang ngày càng đánh mất vị thế của mình ở châu Phi.
“Ai Cập có thể phải đối mặt với thất bại về vấn đề đập đại Phục Hưng. Ai Cập giờ đây trở nên yếu thế và ít có tiếng nói trên trường quốc tế”, ông Uysal nhận xét.
Theo ông Uysal, Ai Cập đang thiếu “một cơ chế về quân sự để gây áp lực với Ethiopia”.
“Ai Cập không có chỗ dựa trên mặt trận ngoại giao. Hiện tại, Ethiopia có Trung Quốc và một số nước vùng Vịnh chống lưng. Trong khí đó, ngay cả Mỹ cũng không đủ để gây áp lực với Ethiopia”, ông Uysal nói.
“Về thông tin Ethiopia chặn nước sông Nile, tôi nghĩ rằng Ethiopia đang muốn thăm dò phản ứng của Ai Cập”, ông Uysal nói thêm.
Ai Cập đang trong thế yếu khi đàm phán với Ethiopia về siêu đập lớn nhất châu Phi, theo chuyên gia (ảnh: Reuters)
Abdi Samatar, giáo sư địa lý tại Đại học Minnesota, cho rằng, việc Ai Cập nghĩ có thể gây áp lực cho Ethiopia về vấn đề đập Đại Phục Hưng là “sai lầm nghiêm trọng”.
“Tôi cho rằng, các nước có thể đạt được một thỏa thuận phù hợp để cân bằng nhu cầu về nguồn nước sông Nile. Tuy nhiên, Ai Cập phải biết rằng, không thể o ép Ethiopia bằng tên lửa”, ông Abdi Samatar nhận xét.
Trước đó, Ai Cập đã đe dọa Ethiopia về một “hậu quả thảm khốc” nếu đập Đại Phục Hưng chặn nước sông Nile khi chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
“Người Ethiopia không thể chờ thêm để được thấy đập Đại Phục Hưng hoạt động và sản xuất điện. Con đập đang cần nước ngay bây giờ”, ông Samatar nói.