Phen này tới Việt Nam, chưa biết chừng huyền thoại Arsenal lại… làm mấy cái nhà mặt phố.
Gái đừng hòng "đào mỏ" Campbell
Sol Campbell giàu cỡ nào? Theo báo chí Anh, sau gần 2 thập kỷ chơi bóng, số tiền tích cóp được từ lương, thưởng cùng các bản hợp đồng tài trợ mang lại cho cựu trung vệ 43 tuổi người Anh lên tới con số 37,6 triệu bảng.
Làm nhiều tiền để làm gì? Đầu tư làm ăn? Có thời báo chí Đức từng hỏi Philipp Lahm như vậy và câu trả lời của Lahm là: "Làm ăn gì, tôi cứ gửi vào ngân hàng cho chắc".
Trước năm 2008, nếu như anh nhà báo nào hỏi Campbell câu ấy thì hẳn cựu trung vệ Arsenal cũng trả lời như Lahm, tức là… gửi ngân hàng cho chắc, vì anh là cầu thủ chứ có phải doanh nhân đâu, mà thương trường là chiến trường, lớ ngớ là phá sản như khối cầu thủ tập làm doanh nhân ngay.
Thế nên từ ngày còn là cầu thủ lắm tiền nhiều bạc, cứ được đồng nào là Campbell… gửi vào ngân hàng cho chắc. Đồng đội của anh, những ngôi sao Premier League chơi toàn đồ hiệu, xe đẹp, nhà sang, vũ trường, bar sớm tối, nhưng Campbell thường ít chơi những thứ ấy, vì… "nó tốn tiền không cần thiết".
Mà sao Ngoại hạng có ông nào không chi tiền tấn để làm vừa lòng WAGs hay các cô nàng nóng bỏng khác. Campbell thì không. Cô bạn gái cũ Janet Tyler từng kể rằng: "Gái không cho Sol tiền thì thôi, chứ đừng hòng đào mỏ được anh ta cái gì. Đến tiền trợ cấp cho Joseph (con chung của Campbell và Janet) anh ta còn căn ke tính từng đồng".
Nước Anh vốn lắm sương mù và nhiều chuyện thị phi. Sểnh ra cái là dính scandal luôn. Chẳng hạn ông Arsene Wenger, ông thầy cũ của Campbell, đạo mạo là thế mà vẫn cứ bị phát hiện gái gú và dại gái như thường. Sol Campbell thì đời nào dại gái trừ khi… gái cho anh tiền.
Campbell "vắt cổ chày ra nước" ư? Anh trả lời phỏng vấn rằng: "Tôi không quên nguồn gốc của mình, một thằng trưởng thành từ nghèo đói. Tôi biết đồng tiền quý như thế nào từ khi còn là thằng nhóc và tôi sẽ không lãng phí nó".
Lọt vào nhà giàu nhất nước Anh
Sol Campbell là trung vệ khét tiếng một thời của bóng đá Anh và thế giới. Vậy bóng đá có phải hơi thở, là đam mê hay cuộc sống của anh? Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Guardian hồi tháng 04/2015, Campbell quả quyết: "Bóng đá không phải tất cả. Nếu không chơi bóng, tôi đã đi làm việc khác. Thi đấu xong, tôi về nhà, chưa chắc có người nhận ra tôi là cầu thủ, trừ khi tôi… què cẳng".
Với Sol Campbell, bóng đá cơ bản cũng chỉ là… tiền, đam mê hay tình yêu xét sau. Nhưng tiền cứ cất mãi trong ngân hàng thì nó sẽ… cũ đi. Campbell chỉ biết tới cách bắt tiền đẻ ra tiền khi anh gặp Fiona Barratt vào năm 2008, khi ấy anh đang đầu quân cho Portsmouth.
Hai năm sau, Campbell cưới Fiona. Nàng WAG này nhan sắc bình thường, làm nghề thiết kế nội thất. Nhưng ít ai biết được rằng, đây là "cô chiêu" đài các và giàu có nhất Vương quốc Anh.
Fiona là cháu gái cưng của ngài Lawrie Barratt, người sáng lập Barratt Homes. Đây là đế chế bất động sản lớn nhất nước Anh trị giá khoảng hơn 4 tỷ bảng. Năm ngoái, đế chế này thu nhập 550 triệu bảng.
Và người đã được xác định là kế thừa tập đoàn Barratt Homes không ai khác chính là Fiona Barratt. Tức là, khối tài sản của vợ anh Campbell có thể "đè chết" cả những Man United (trị giá 3 tỷ euro), Real Madrid (2,8), Barcelona (2,6)… còn Arsenal thì "không tính tiền".
Từ khi lọt vào gia đình đại gia bất động sản của Sir Lawrie Barratt thông qua tình yêu với cô cháu kế thừa Fiona, Sol Campbell bắt đầu được tư vấn về bất động sản. Thế là khoản tiền 37,6 triệu bảng của anh không "nằm chết" trong ngân hàng nữa, anh đầu tư vào bất động sản.
Campbell mua hàng loạt biệt thự lớn trên khắp nước Anh. Đáng kế nhất là căn biệt thự trị giá hơn 6 triệu bảng ở Northumberland và một căn siêu khủng lên tới 25 triệu bảng ở London.
Một góc căn nhà trị giá đến 25 triệu bảng ở London của Sol Campbell.
Món quà đắt giá nhất mà Sol Campbell mua tặng Fiona là chiếc nhẫn kim cương trị giá 100.000 bảng vào tháng 04/2009. Đó là chiếc nhẫn cầu hôn và chàng cựu trung vệ Arsenal quỳ gối cầu hôn ái nữ nhà Barratt.
Fiona yêu Campbell, cô quá hạnh phúc. Và trong giây phút hạnh phúc ấy, Fiona nói muốn tặng cho vị hôn phu tương lai một món quà nhỏ. Món quà nhỏ ấy là… du thuyền Sunseeker để thi thoảng đôi uyên ương ra khơi thư giãn. Nhưng Campbell từ chối, bởi thay vì du thuyền chơi bời, nên… đầu tư bất động sản kiếm lời.
Bất động sản Việt Nam có hấp dẫn Campbell?
Sol Campbell là vậy, cứ cái gì có lợi là anh làm, miễn là không vi phạm pháp luật. Kể cả việc sau khi giải nghệ, anh tham gia chính trị và tranh cử ghế Thị trưởng London.
Campbell đá bóng không phải vì đam mê, mà vì tiền. Chính trị còn kém hấp dẫn hơn bóng đá và dĩ nhiên, anh đến với chính trị cũng chỉ vì tiền. Số là, từ khi lọt vào gia đình Barratt, Campbell ôm rất nhiều biệt thự lớn, có biệt thự lên tới 25 triệu bảng. Công việc đang thuận lợi thì… đến ngày tổng tuyển cử.
Cụ thể là ngày 23/09/2014, thủ lĩnh Công đảng, ông Ed Miliband tuyên bố, nếu đảng của ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 05/2015 thì lập tức đảng này sẽ thực hiện "chính sách mới" bao gồm những điểm như tăng lương cơ bản, giảm thuế kinh doanh nhưng lại tăng thuế những bất động sản trị giá từ 2 triệu bảng trở lên.
Campbell bán gấp căn nhà có tầm nhìn cực đẹp ra thẳng sông Thames sau khi thất bại trong tranh cử.
Chính sách của Công đảng nhận được sự ủng hộ rất lớn của tầng lớp lao động nghèo ở xứ Sương mù nhưng với những ông ôm biệt thự trên 2 triệu bảng như Campbell thì nguy to.
Vậy nên, Campbell mới ủng hộ đảng Bảo thủ, đồng thời tuyên bố tranh cử Thị trưởng London và vận động tranh cử rằng: "Đảng Bảo thủ có thể tạo cơ hội cho người da màu vào nghị viện. Tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra trên đường phố và ở cả tầng lớp thượng lưu của xã hội. Tôi có thể giải quyết cả hai".
Nhưng Sol Campbell thất bại. Anh lập tức rao bán 2 căn biệt thự lớn nhất của mình để tránh khoản thuế lên tới cả triệu bảng mỗi năm.
Nhìn chung, công việc kinh doanh bất động sản của Sol Campbell ở Anh không còn thuận lợi. Tại Việt Nam thì bất động sản vẫn cứ đang nóng hổi, nên biết đâu trong chuyên công cán sang Việt Nam làm truyền thông, cựu trung vệ Arsenal lại chẳng tranh thủ ngắm nghía lấy… vài nghìn mét đất!?