BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu: Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Nhóm này đang có tầm ảnh hưởng quy mô lớn khiến phương Tây phải “dè chừng”. Theo đó, BRICS hiện có kế hoạch kết nạp thêm thành viên vào năm 2024.
Thời gian trước, BRICS đã mời Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Iran, Argentina và Ethiopia gia nhập nhóm bắt đầu từ ngày 1/1 năm nay. Tuy nhiên, gần đây, Argentina đã chính thức xác nhận từ chối lời mời.
Chưa hết, theo thông tin từ hãng tin Reuters, Ả Rập Xê-út cũng đang cân nhắc về lời mời trở thành thành viên của BRICS và chưa đưa ra quyết định có gia nhập hay không. Nguồn tin cũng cho biết thêm rằng ngày 1/1/2024 không phải là thời hạn để đưa ra quyết định.
“Ả Rập Xê-út đang đánh giá lợi ích và sau đó sẽ đưa ra quyết định, hiện tại vẫn có một quá trình diễn ra”, nguồn thạo tin nói với Reuters.
Một nguồn tin khác cũng nhận định rằng việc gia nhập khối sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn vì các thành viên Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác thương mại hàng đầu của vương quốc Ả Rập. Và việc mở rộng sẽ tăng thêm sức mạnh kinh tế cho BRICS và củng cố tham vọng của nhóm này.
Được biết, Bộ trưởng thương mại Ả Rập Xê-út nói rằng Vương quốc này chưa gia nhập BRICS. Sau tuyên bố của Bộ trưởng, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng phát biểu rằng gia nhập BRICS là việc rất quan trọng và nó vẫn đang tiếp tục.
“Bất cứ khi nào được mời tham gia vào một tổ chức nào đó, chúng tôi sẽ xem xét lời mời thông qua một quá trình gồm nhiều bước và cuối cùng sẽ đưa ra quyết định. Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình tương tự và tôi sẽ bình luận khi quá trình đó kết thúc”, ông Faisal Al-Ibrahim, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Ả Rập Xê-Út nói với Reuters.
Việc Ả Rập Xê-Út có gia nhập BRICS hay không có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Bởi nước này là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất với khoảng 7,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tương đương gần 17% lượng dầu xuất khẩu trên toàn cầu, theo ING.