Siêu cảng quốc tế 4,8 tỷ USD được ví như 'mỏ vàng' của Việt Nam đứng trước thời cơ lịch sử

Thái Hà |

Siêu cảng quốc tế Cần Giờ đang đứng trước thời cơ lịch sử để hoàn tất những thủ tục pháp lý quan trọng nhất.

Nội dung chính

  • Phó thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư siêu cảng Cần Giờ
  • Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là 4,8 tỷ USD

Bước tiến dài cho siêu dự án Cảng Cần Giờ

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (Cảng Cần Giờ), dựa trên Báo cáo thẩm định đối với Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp để thảo luận về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án này trong thời gian sớm nhất. 

Nhằm đảm bảo chất lượng nội dung cho cuộc họp, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, và Quốc phòng, dựa trên chức năng và nhiệm vụ của mình, đưa ra ý kiến cụ thể về các kiến nghị và đánh giá trong Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Siêu cảng quốc tế 4,8 tỷ USD được ví như 'mỏ vàng' của Việt Nam đứng trước thời cơ lịch sử - Ảnh 2.

Quá trình xây dựng cảng Cần Giờ trong tương lai. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ này nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, lâm nghiệp… liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư. Các ý kiến của các bộ phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/8 để tổng hợp và hoàn thiện báo cáo cho Phó Thủ tướng trước khi diễn ra cuộc họp.

Nội dung kiến nghị cần làm rõ rằng dự án đã đáp ứng đủ các điều kiện và cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hay chưa. UBND TP.HCM được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện báo cáo này.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đã được liên danh Cảng Sài Gòn - TIL gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư vào đầu tháng 4/2023. Do tính chất và quy mô đặc biệt của Dự án, quá trình thẩm định đã được thực hiện hết sức cẩn trọng với sự tham gia của 10 bộ, ngành và UBND TP.HCM. 

Điểm nổi bật nhất trong Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định rằng đã có đủ cơ sở chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án. Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đưa Dự án vào danh sách các dự án cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Siêu cảng quốc tế 4,8 tỷ USD được ví như 'mỏ vàng' của Việt Nam đứng trước thời cơ lịch sử - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư bàn bạc chiến lược đầu tư cảng Cần Giờ. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nếu được triển khai thành công, dự án Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng cho hệ thống cảng biển hiện tại; hỗ trợ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 để trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế; đồng thời khẳng định vị thế quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò là trung tâm vận tải và logistics lớn của khu vực và thế giới.

“Dự án này còn giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, và kinh tế biển”, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án cảng Cần Giờ "khủng" thế nào?

Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Sài Gòn đề ra mục tiêu xây dựng cảng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực. Qua đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Về vị trí, Cảng quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.

Siêu cảng quốc tế 4,8 tỷ USD được ví như 'mỏ vàng' của Việt Nam đứng trước thời cơ lịch sử - Ảnh 3.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được được xây tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ; Ảnh: Báo NLĐ

Trong Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, liên danh Cảng Sài Gòn - TIL đề xuất thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng) là 113.531,7 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. 

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt nội dung vốn đầu tư là tối thiểu 50.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án.

Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEU (một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.

Siêu cảng Cần Giờ trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.

Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng “mỏ vàng” mang về 40.000 tỷ đồng mỗi năm này sẽ giúp hệ thống Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.

Đồng thời, những tác động và lợi ích lớn mà cảng này mang lại rõ ràng nhất là đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển.

Dự án triển khai sớm sẽ là bước đột phá không chỉ cho TP. HCM mà cả Đông Nam Bộ, bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. Cảng Cần Giờ cũng được cho sẽ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh khu Thị Vải - Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển cho vùng.

Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung cho hệ thống Cảng Cái Mép, nâng tầm toàn bộ cụm cảng số 4 thành cảng biển quốc gia, tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh với thế giới. Cụm cảng này kết hợp mới có thể phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia, không chỉ vì TP.HCM hay vùng Đông Nam bộ. Từ đó, hiện thực hóa khát vọng VN trở thành cửa ngõ mặt tiền của thời đại đại dương.

Ngoài ra, cụm cảng không chỉ có ý nghĩa trở thành cảng trung chuyển quốc tế mà còn hỗ trợ, bổ sung, tạo hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logistics, đặc biệt là khu mậu dịch phi thuế quan với dải đất mênh mông từ khu Soài Rạp đổ về.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại