"Siêu cảng" cách Việt Nam chỉ 130km, nắm đại dự án "thay đổi cuộc chơi": Đoàn Việt Nam đã khảo sát

Nhật Minh |

Hòn đảo được mệnh danh là "Hawaii phương Đông" đang dần chuyển đổi thành một trung tâm thương mại tự do đẳng cấp thế giới, mở ra cơ hội tăng giá trị xuất khẩu cho Đông Nam Á.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi

Đối với những người sở hữu tấm cổ phiếu có cụm từ "Hainan (Hải Nam)" trong tên, ngày 16/4/2018 là một ngày tốt lành. Giá cổ phiếu đã tăng vọt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, đảo Hải Nam sẽ trở thành cảng thương mại tự do.

Thời điểm đó, tuyên bố của ông Tập là tín hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm tự do hóa thị trường ở một số khu vực nhất định.

6 năm trôi qua, hòn đảo được người Trung Quốc gọi là "Hawaii phương Đông" đang dần chuyển đổi thành một trung tâm thương mại tự do đẳng cấp thế giới và được kỳ vọng sẽ là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" đối với nền kinh tế Trung Quốc khi kết hợp với Vùng Vịnh Lớn (GBA) - vùng được hoạch định kết nối hai đặc khu Hong Kong và Ma Cao với 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông nhằm tạo dựng một trung tâm kinh tế khu vực.

Bên cạnh đó, nơi này mở ra cho Trung Quốc cơ hội thương mại với Đông Nam Á. Và ngược lại, đối với các nước Đông Nam Á, cảng thương mại tự do này mở ra nhiều cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.

Quân bài then chốt

Theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC), 3 "quân bài then chốt" trong việc đa dạng hóa thương mại tại Cảng Thương mại Tự do Hải Nam chính là 3 thành phố trên đảo. Từng thành phố đang phát triển các ngành công nghiệp địa phương theo thế mạnh tương ứng.

Hải Khẩu: Trung tâm kinh doanh - thương mại

Với vai trò là thủ phủ tỉnh Hải Nam, Hải Khẩu đồng thời là trung tâm kinh tế của tỉnh này và là thành phố lớn nhất Hải Nam về cả dân số lẫn chất lượng doanh nghiệp.

Với trọng tâm kế hoạch là củng cố vị thế như một trung tâm kinh doanh - thương mại, Hải Khẩu đang đặt mục tiêu phát triển các dịch vụ hiện đại sao cho vào năm 2025, những dịch vụ này sẽ chiếm hơn 40% trong tổng GDP của thành phố.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Hải Khẩu đang thúc đẩy phát triển Khu mới Giang Đông. Đây cũng là nơi mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ tới khảo sát vào tháng 4 năm nay để tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm về xây dựng khu thương mại tự do.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam đã tới làm việc và khảo sát Trung tâm Thương mại Tự do, khu thương mại tự do miễn thuế tại Hải Khẩu.

"Siêu cảng" cách Việt Nam chỉ 130km, nắm đại dự án "thay đổi cuộc chơi": Đoàn Việt Nam đã khảo sát- Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam làm việc và khảo sát Trung tâm Thương mại Tự do, khu thương mại tự do miễn thuế tại Hải Khẩu, Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Được thành lập vào năm 2018, Khu mới Giang Đông nằm ở phía đông Hải Khẩu, bao gồm các khu vực xung quanh sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu. Với diện tích quy hoạch khoảng 298 km2 (bằng 1/8 thành phố Hải Khẩu), Khu mới Giang Đông được xem là "khu đổi mới" trong vùng thí điểm, nhằm đẩy mạnh cải cách và mở cửa toàn diện.

Nơi này tập trung vào việc thúc đẩy các lĩnh vực như du lịch, tài chính, dịch vụ vận tải biển, thương mại hàng hóa, hàng không và thương mại nước ngoài.

Ngoài Khu mới Giang Đông, chính quyền Hải Khẩu đang phát triển các khu vực khác để hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành hội nghị và triển lãm.

Tam Á: Trung tâm du lịch quốc tế

Tam Á là thành phố lớn thứ hai ở Hải Nam và là trung tâm du lịch của tỉnh. Năm 2020, nơi đây đón 10,63 triệu lượt khách qua đêm, chiếm 43,6% tổng lượng khách toàn tỉnh. Dân số ngày càng tăng, kết hợp với du lịch, đã thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ.

Mục tiêu dài hạn đến năm 2035 của Tam Á là phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến như thiết kế du thuyền, để hình thành cốt lõi của một trung tâm du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ hiện đại xoay quanh tài chính và hậu cần.

Để thúc đẩy đa dạng hóa công nghiệp của Tam Á, chính quyền thành phố đã thành lập Khu thương mại trung tâm (CBD), Khu công nghiệp thông tin internet và Khu Khoa học & Công nghệ vịnh Nhai Châu.

Trong đó:

- Khu thương mại trung tâm: Tập trung vào việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ, thương mại tự do, văn hóa và nghệ thuật, tiêu dùng toàn diện, tư vấn thiết kế và các ngành công nghiệp khác.

- Khu công nghiệp thông tin internet: Tập trung vào ngành giải trí dựa trên internet, thương mại điện tử, công nghệ thông tin mới nổi.

- Khu Khoa học & Công nghệ vịnh Nhai Châu: Trung tâm quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp và tiến bộ công nghệ biển sâu.

Khu Khoa học & Công nghệ vịnh Nhai Châu. Nguồn: CMG

Quỳnh Hải: Thị trường triển lãm và hội nghị sôi động

Sự hấp dẫn của Quỳnh Hải đối với các công ty nước ngoài không nằm ở thị trường công nghiệp địa phương mà nằm ở ngành triển lãm và hội nghị sôi động, cũng như các chính sách du lịch y tế đặc biệt.

Thị trấn Bác Ngao ở Quỳnh Hải là địa điểm cố định của Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) hàng năm kể từ năm 2001. Đây là diễn đàn kinh tế quốc tế mang tính phi chính phủ và phi lợi nhuận dành cho các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu của các nước châu Á và các châu lục khác, nhằm chia sẻ tầm nhìn về mọi vấn đề trong khu vực và trên thế giới.

"Siêu cảng" cách Việt Nam chỉ 130km, nắm đại dự án "thay đổi cuộc chơi": Đoàn Việt Nam đã khảo sát- Ảnh 2.

Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024. Ảnh: AFP

Nhờ sự kiện này, Quỳnh Hải đã tổ chức 212 hội nghị và triển lãm trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, khu thí điểm du lịch y tế quốc tế Bác Ngao Lạc Thành nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ trung ương Trung Quốc, cho phép các doanh nghiệp và cá nhân trong Khu thí điểm được hưởng ưu đãi về thuế hải quan, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Cơ hội cho Vùng Vịnh Lớn (GBA)

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Cảng thương mại tự do Hải Nam đang phát triển mạnh mẽ, vừa cạnh tranh, vừa bổ trợ cho Vùng Vịnh Lớn (GBA) - kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm liên kết các thành phố Hong Kong, Ma Cao, Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Trung Sơn, Đông Quản, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh tích hợp.

Việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi ở mức độ nào đó, bởi cả 2 khu vực đều tập trung phát triển các ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc và đẩy mạnh sản xuất tiên tiến.

Bên cạnh đó, Hải Nam có lợi thế là vị trí gần Đông Nam Á với diện tích 35.000 km2, cho phép xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn hơn so với GBA.

Tuy nhiên, phần lớn sự phát triển của Hải Nam sẽ bổ sung cho đặc khu Hong Kong và Quảng Đông, bởi tỉnh này tập trung vào du lịch, khách sạn và các ngành dịch vụ khác, trong khi GBA tập trung nhiều hơn vào dịch vụ tài chính.

"Siêu cảng" cách Việt Nam chỉ 130km, nắm đại dự án "thay đổi cuộc chơi": Đoàn Việt Nam đã khảo sát- Ảnh 3.

Đảo Phượng Hoàng, thuộc khu bờ biển Phượng Hoàng - một trong bốn phân khu tại CBD Tam Á. Ảnh: CMG

Cơ hội thương mại với Đông Nam Á

Nằm ở cực nam của Trung Quốc, Cảng Thương mại tự do Hải Nam có vị trí thuận lợi (cả về đường hàng không và đường biển) để tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Hòn đảo này cũng được quảng bá như một điểm đến du lịch cho người dân Đông Nam Á. Đảo Hải Nam cách Việt Nam khoảng 130km (tính từ điểm gần nhất là mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) tới đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam theo đường chim bay).

Trong bản báo cáo viết cho Viện Hàn Quốc, ông Wei Wenfeng - Giám đốc Hợp tác Quốc tế tại Viện Cải cách và Phát triển tại Trung Quốc - cho biết: "ASEAN - khối các nước trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020 - đã được Hải Nam coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách lưu thông quốc tế của Trung Quốc".

"Siêu cảng" cách Việt Nam chỉ 130km, nắm đại dự án "thay đổi cuộc chơi": Đoàn Việt Nam đã khảo sát- Ảnh 4.

Hình ảnh tại trung tâm thông tin CBD Tam Á. Ảnh: CMG

Hải Nam cũng đang tăng cường quan hệ với các nước thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu.

Ngoài việc mở rộng liên kết thương mại, tỉnh này đang tạo điều kiện dễ dàng hơn đối với công dân của các quốc gia RCEP trong các yêu cầu về thị thực và thu hút đầu tư.

Ví dụ, theo SCMP, trong năm 2022, Việt Nam đã nhận được 698 triệu USD giá trị xuất khẩu từ khu vực thương mại tự do Hải Nam, tăng 171,1% so với năm trước đó.

Campuchia cũng đang tiến hành các bước cần thiết để có thể hưởng lợi phần nào trong kế hoạch biến đổi Hải Nam của Trung Quốc.

Ông Sok Sopheak, Quốc vụ khanh Bộ thương mại Campuchia, cho biết vào năm 2023: "Chúng tôi đã lên kế hoạch cho nhiều dự án mới trong hai năm tới và đang xây dựng một sân bay mới cũng như thiết lập các đường bay đến Hải Nam".

Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng khu thương mại tự do quốc tế

Trong 2 ngày 31/3-1/4/2024, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại tỉnh Hải Nam, nhằm tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do quốc tế...

Tại Hải Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Tổng công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc (thuộc Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc).

Hai phía đã trao đổi một số kinh nghiệm trong việc phát triển Cảng thương mại tự do, điển hình như chính sách miễn thuế, chính sách giảm thuế cho khoản tiêu dùng 100.000 tệ/người dân/năm tại Hải Nam, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ khoảng 15% (mức chung là 25%)....

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác cũng đã có cuộc làm việc với Cục phát triển Kinh tế Quốc tế Hải Nam.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị hai bên trao đồi về những kinh nghiệm cụ thể trong việc xây dựng Cảng Thương mại Tự do Hải Nam với nhiều thông tin đến chính sách, kinh nghiệm và cả những khó khăn đang gặp phải có thế giúp Việt Nam tham khảo, rút kinh nghiệm nếu xây dựng mô hình tương tự ở Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại