Ngày 21/10/2018: Tại phía đông đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana (ở phía Tây Thái Bình Dương) xuất hiện một áp thấp nhiệt đới. Vài giờ sau, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) cho biết áp thấp nhiệt đới nhanh chóng phát triển thành bão nhiệt đới và có tên quốc tế là Yutu.
Ngày 23 - 24/10: Yutu nhanh chóng phát triển thành một cơn bão nhiệt đới dữ dội, rồi trở thành một siêu bão cấp 5 (theo thang đo bão quốc tế Saffir-Simpson) vào ngày 24/10. Lúc này bão đang có hướng di chuyển về hòn đảo Saipan thuộc Quần đảo Bắc Mariana (phần lãnh thổ của nước Mỹ ở Thái Bình Dương).
Ngày 25/10: Siêu bão Yutu đổ bộ hai hòn đảo chính của Quần đảo Bắc Mariana là đảo Tinian và miền nam đảo Saipan. Với sức gió lên đến 285km/h, Yutu trở thành cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Quần đảo Bắc Mariana.
Thời điểm này, NASA nhận định, siêu bão Yutu là cơn bão dữ dội nhất từng tấn công phần lãnh thổ nước Mỹ tính từ năm 1935; đồng thời siêu bão Yutu là cơn bão mạnh nhất năm 2018 tính cho đến thời điểm hiện tại.
Ngày 27/10: Siêu bão Yutu giảm một cấp (là siêu bão cấp 4/Saffir-Simpson) và có hướng tiến về Philippines. Lúc này, Cơ quan khí tượng, địa vật lý và thiên văn Philippines (PAGASA) đặt tên cho siêu bão quốc tế Yutu là Rosita.
Ngày 28/10: Siêu bão Yutu cách phía Đông Manila (Philippines) 928km, với sức gió cực đại lên đến 240km/h.
Ngày 30/10: Bão Yutu đổ bộ đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh 150km/h.
Dự báo tin bão các ngày tiếp theo: Bão Yutu suy yếu, tiến sát Biển Đông rồi đi lên phía Đài Loan. Sau đó, bão giảm cấp và đi lên phía Tây Trung Quốc và đông bắc Nhật Bản vào cuối tuần này.
Trước đó, ngày 26/10, hãng tin CNN Philippines dẫn lời Annalisa Solis - Giám đốc Trung tâm dự báo và giám sát khí hậu thuộc PAGASA, rằng Philippines bắt đầu bước vào mùa lạnh khô với sự xuất hiện sớm của gió mùa Đông Bắc Amihan (trung bình Amihan xuất hiện từ tháng 11 hàng năm).
Bà Annalisa Solis cho biết, việc xuất hiện gió mùa Đông Bắc Amihan với khối không khí lạnh đầu mùa đã phần nào làm suy yếu sức mạnh của siêu bão Yutu. Từ sức gió gần tâm mạnh 170km/h, bão Yutu chỉ còn sức gió mạnh 150km/h khi đổ bộ Luzon.
Thần thoại của người Philippines cho rằng, có ba vị thần nguyên thủy sống trong vũ trụ: Gồm đấng sáng tạo Bathala, nữ thần biển Aman Sinaya và thần gió phương Bắc Amihan. Đó là lý do, người Philippines gọi mùa lạnh khô hàng năm là Amihan.
Vậy tại sao việc đụng độ "thần gió Amihan" lại khiến bão Yutu suy yếu?
Các nhà khí tượng học cho biết, bão (xoáy thuận nhiệt đới) phần lớn hình thành trên đại dương và những vùng biển có nhiệt độ nước khá ấm. Các xoáy thuận nhiệt đới lấy năng lượng từ việc nước biển/đại dương bốc hơi.
Trong trường hợp gặp phải khối không khí lạnh, Canada.Ca/Environment giải thích:
Một cơn bão được ví như một động cơ nhiệt chạy bằng năng lượng là không khí ẩm và ấm. Khi gặp phải khối không khí lạnh và khô đột ngột, thì độ ẩm và độ ấm (năng lượng chính của bão) sẽ suy giảm, khiến cho sức mạnh của bão cũng giảm theo.Hình ảnh một xoáy thuận nhiệt đới chụp từ vệ tinh.
Ngoài yếu tố khối không khí lạnh khô ra, một cơn bão có thể "tắt điện" khi gặp các trường hợp sau: Gặp vùng nước lạnh hoặc đi vào đất liền; Gặp vùng áp suất thấp; Gặp gió đứt chiều dọc (vertical wind shear).
Có thể nói, việc bão Yutu đụng độ vị cứu tinh là "thần gió phương Bắc Amihan" đã phần nào khiến cho người dân Philippines đỡ lo lắng hơn. Bởi chỉ mới tháng trước, khu vực đảo Luzon cũng phải hứng chịu sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Mangkhut.
Bài viết sử dụng các nguồn: CNN Philippines, Canada.Ca/Environment