Siêu bão Hagibis dữ dội nhất thế kỷ: Trải rộng 1.400 km, 'nuốt chửng' cả Nhật Bản

Trang Ly |

Siêu bão Hagibis được nhận định là mạnh nhất, dữ dội nhất thế kỷ 21.

1. Sức mạnh dị thường của siêu bão Hagibis mạnh nhất thế kỷ 21

Ngày 6-7/10: Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) nhận diện: Cơn bão nhiệt đới Hagibis hình thành tại 'ổ bão' Tây Bắc Thái Bình Dương (từ sức gió 160km/giờ) đã tăng tốc dị thường để trở thành siêu bão(1) nhiệt đới cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang bão Saffir-Simpson), với sức gió 270km/giờ. JTWC đặt tên bão Hagibis nghĩa là Tốc độ (trong tiếng Tagalog của Philippines).

Ngày 8/10: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nhận định: Siêu bão Hagibis đang là cơn bão mạnh nhất hành tinh.

Ngày 9/10: CNN dẫn lời chuyên gia khí tượng của mình cho biết: Siêu bão Hagibis ghi thêm kỷ lục là siêu bão có thời gian tồn tại lâu nhất năm 2019, khi nó liên tục duy trì trong trạng thái của một siêu bão nhiệt đới trong vòng 60 giờ đồng hồ.

Ngày 11/10: Forbes cung cấp những số liệu khoa học về Hagibis để đưa ra thông tin: Siêu bão Hagibis là cơn bão mạnh nhất thế kỷ 21(xem chi tiết)

Cùng ngày, hãng AP cung cấp những hình ảnh một Tokyo tĩnh lặng khác thường trước khi trận bão mạnh nhất trong lịch sử 60 năm đổ bộ.

Ngày 12/10: Cơ quan Khí Tượng Nhật Bản (JMA) phát đi cảnh báo khẩn cấp: Chỉ còn vài giờ nữa, Hagibis sẽ tấn công trực tiếp các khu vực đông dân tại miền Trung Nhật Bản. 

Siêu bão Hagibis dữ dội nhất thế kỷ: Trải rộng 1.400 km, nuốt chửng cả Nhật Bản - Ảnh 1.

Đài truyền hình địa phương liên tục cập nhật thông tin bão. Ảnh: AP Photo/Toru Hanai

19 giờ thứ Bảy ngày 12/10 (giờ địa phương) bão Hagibis đổ bộ. Liên tục gây mưa lớn, gió mạnh và lũ lụt cho nhiều khu vực miền Trung Nhật Bản.

7h30 ngày 13/10: Đài NHK (Nhật) thông tin, ít nhất 4 người thiệt mạng tại Chiba, Gunma, Kanagawa và Fukushima; 17 người mất tích; và 80 người bị thương vì bão Hagibis. 

Riêng tại Tokyo, 800.000 hộ gia đình bị mất điện. Lũ lụt xảy ra khắp Tokyo và nhiều vùng miền Trung Nhật Bản. Khoảng 6 triệu người dân Nhật Bản đã được khuyến cáo sơ tán đến các tòa nhà kiên cố, cao hơn để tránh gió mạnh, mưa lớn và lũ lụt.

15h ngày 13/10: Japan Times cho biết, ít nhất 19 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích, khoảng 100 người bị thương vì bão Hagibis.

2. Điều gì khiến siêu bão Hagibis nguy hiểm hơn bất kỳ siêu bão nào?

Thứ nhất - Khả năng bứt tốc kỷ lục:

Chuyên gia bão Philip Klotzbach thuộc Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết: Siêu bão Hagibis là một trong những siêu bão tăng tốc nhanh nhất, mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Không những thế, nó còn là siêu bão nhiệt đới bứt tốc mạnh nhất trong lịch sử khí tượng lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong 2 thập kỷ trở lại đây.

Chỉ trong 18 giờ đồng hồ, Hagibis từ cơn bão cấp 3 đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh để trở thành siêu bão cấp 5. Con số này (18 giờ đồng hồ) nhanh gấp gần 3,5 lần so với trung bình thời gian mà một cơn bão cần phải có để tăng cường sức mạnh vào hệ thống của nó.

Thứ hai - Kích thước khổng lồ:

Mắt bão của Hagibis liên tục mở rộng sau khi nó đạt trạng thái siêu bão. Mắt bão của nó từ đường kính 22km đã tăng lên 89km tại thời điểm đạt đỉnh. 

Vệ tinh của NOAA/NASA đã đo được tại thời điểm đạt đỉnh, siêu bão Hagibis bao phủ một vùng có đường kính lên tới 1.400 km (so với Bão Tip năm 1979, đổ bộ Philippines - Cơn bão nhiệt đới mạnh nhất và có kích thước lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khí tượng - là 2.220 km)

Với kích thước khổng lồ, bao trùm cả Nhật Bản, Forbes nhận định: Cho đến tận giây phút cuối cùng, không ai hay nơi nào tại Nhật Bản được an toàn trước cơn bão mở rộng này.

Bởi bão Hagibis dự báo sẽ gây mưa kỷ lục tại Nhật Bản. Dự báo, lượng mưa có thể ngang bằng trận bão Kanogawa năm 1958 khiến hơn 1.200 người tại Nhật Bản chết hoặc mất tích.

Thứ ba - Nguyên nhân sâu xa:

Chuyên gia phân tích, thông thường, sức mạnh của một cơn bão phụ thuộc vào nguồn năng lượng mà nó 'hút' được trên vùng nước biển ấm (ấm hơn 27 độ C) cùng khối không khí nóng ẩm (di chuyển theo mùa) trên một vùng đại dương.

Nói cách khác, sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó. Những cơn bão hút được nhiều hơi nước ấm hơn sẽ gây mưa nhiều hơn. 

Đại dương ấm do đâu? Phần lớn do chính các hoạt động của con người. Bởi sự nóng lên toàn cầu được thúc đẩy bởi "sự mất cân bằng năng lượng" của Trái Đất do có nhiều khí nhà kính trong không khí, nên có đến hơn 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.

NOAA nhận định trong nghiên cứu năm 2018: Với sự nóng lên toàn cầu liên tục, nhiều cơn bão nhiệt đới sẽ tăng cấp sức mạnh nhanh hơn so với trước đây.

3. Nhật Bản oằn mình chống chọi bão lũ triền miền

"Tôi thực sự, thực sự rất mệt mỏi và chán chường vì bão lũ triền miên rồi" - Isamu Matsuyama, 87 tuổi, người dân Nhật Bản đang trú ẩn tại Trường Tiểu học Kyonan (tỉnh Chiba) sau lệnh sơ tán khẩn cấp của chính quyền nói trên New York Times.

Siêu bão Hagibis dữ dội nhất thế kỷ: Trải rộng 1.400 km, nuốt chửng cả Nhật Bản - Ảnh 3.

Bão có thể gây sóng cao hơn 10m. Ảnh: AP Photo/Toru Hanai

Chỉ mới cách đây 1 tháng, Nhật Bản vừa phải hứng chịu bão Faxia, khiến 3 người thiệt mạng, làm thiệt hại về kinh tế lên đến 7 tỷ USD.

Theo thông tin dự báo thời tiết cập nhật sáng 12/10, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết bão Hagibis cách đảo Hachiojima 322km về phía tây nam. Với sức gió 161km/giờ tại vùng tâm bão, Hagibis sẽ đổ bộ vào đất liền Nhật Bản chiều và tối nay (12/10).

Các khu vực Tokai, Kanto, gồm cả Tokyo... đang trong tình trạng khẩn cấp. Mưa kỷ lục, gió giật mạnh, sạt lở đất, lũ lụt ven biển đều có khả năng tác động mạnh mẽ lên các vùng đông dân.

Hiện chính quyền Nhật Bản đã tiến hành sơ tán người dân vùng dễ bị tổn thương đến các tòa nhà kiên cố hơn như trường học, nhà thờ... để tránh bão. 2.400 người đã sơ tán đến nơi an toàn.

Sở điện lực Tokyo thông báo ngày 12/10 rằng khoảng 5.200 hộ gia đình đã bị mất điện. Hàng trăm siêu thị, công viên, sân bay, nhà ga... tại Tokyo cũng buộc phải đóng cửa để tránh bão, New York Times đưa tin.

Cả Tokyo dường như tĩnh lặng khác thường trước bão!

Khung cảnh hàng nghìn người tránh bão tại các tòa nhà kiên cố ở Nhật khi họ chỉ được mang theo tấm chăn, chút ít đồ đạc trong ba lô và đồ ăn qua ngày mới thật thấm thía những tác động khủng khiếp của bão lũ, thảm họa tự nhiên...

Siêu bão Hagibis dữ dội nhất thế kỷ: Trải rộng 1.400 km, nuốt chửng cả Nhật Bản - Ảnh 5.

Sân bay Haneda tại Tokyo sáng thứ Bảy - Tĩnh lặng lạ thường. Ảnh: Masanori Takei/Kyodo News via AP

Siêu bão Hagibis dữ dội nhất thế kỷ: Trải rộng 1.400 km, nuốt chửng cả Nhật Bản - Ảnh 6.

Siêu thị vắng bóng người tấp nập tại Tateyama, tỉnh Chiba, gần Tokyo. Ảnh: Naoya Osato/Kyodo News via AP

Chú thích:

Trạng thái 'siêu bão' là một thuật ngữ được sử dụng bởi Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hiệp Mỹ (JTWC) để mô tả các cơn bão có sức gió tối đa trong 1 phút duy trì tối thiểu là 242 km/giờ, tương đương cấp 4 hoặc cao hơn chiếu theo thang bão Saffir-Simpson ở lưu vực Đại Tây Dương.

Bài viết sử dụng các nguồn: New York Times, NOAA

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại