Theo bản tin mới nhất cập nhật lúc 11h ngày 15/9 của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, bão Mangkhut đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 6 năm 2018 của nước ta.
Trên website của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cung cấp hình ảnh mới nhất về đường đi của bão Mangkhut.
Theo đó, siêu bão Mangkhut đã đi qua bán đảo Luzon của Philippines.
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Đến 10 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 480km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.
Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 360km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 160km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 10 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) 80km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3, riêng ven bờ tỉnh Quảng Ninh: cấp 4.
Hình ảnh đường đi của bão Mangkhut. Nguồn: Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA):
Hiểu về các cấp độ rủi ro thiên tai do bão (từ cấp 3 đến cấp 5)
1. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:
a) Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ (bao gồm vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ;
b) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;
c) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
2. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:
a) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;
b) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;
c) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
3. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau:
a) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;
b) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh;
b) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng hợp với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.
(Theo Điều 3, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai)
Bài viết sử dụng nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, NOAA