01. Siêu bão Kammuri tàn phá miền Trung Philippines, hàng chục nghìn người sơ tán
Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất trên tờ Washington Post (Mỹ), bão Kammuri đã tăng cấp 'quái vật' để trở thành siêu bão Cấp 4 (theo thang đo bão Saffir-Simpson lưu vực Đại Tây Dương), với sức gió vùng gần tâm bão lên đến 210 km/giờ.
Chuyên gia khí tượng của Washington Post nhận định: Siêu bão Kammuri là một trận bão cuồng phong có sức tàn phá khủng khiếp và có lượng mưa lớn như trút mạnh vào hàng bậc nhất mùa bão 2019 tại lưu vực Tây Thái Bình Dương.
Tính đến 1 giờ sáng thứ Ba ngày 3/12 giờ địa phương, mắt của siêu bão Kammuri ở ngay trung tâm vùng Bicol thuộc đảo Luzon, ngay phía tây eo biển San Bernardino (Philippines).
Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đặt tên cho Kammuri là bão Tisoy. Lấy theo dữ liệu của NASA, PAGASA nhận định, siêu bão Kammuri nhanh chóng tăng tốc sức mạnh từ một trận bão Cấp 1 hôm thứ Hai ngày 1/12 lên cấp siêu bão (Cấp 4) chỉ trong vòng 24 giờ.
Sau khi tàn phá miền Trung Philippines, khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán khỏi những khu vực thấp và dễ bị sạt lở, siêu bão Kammuri dự báo sẽ tiếp tục càn quét Manila, thủ đô của nước chủ nhà SEA Games 30, vào ngày 3/12, hãng thông tấn Philippines (PNA) thông báo.
Ảnh mây vệ tinh của siêu bão Kammuri do vệ tinh Suomi NPP của NOAA-NASA thực hiện ngày 2/12. Nguồn: NASA
CNN Philippines cho hay, siêu bão Kammuri đã buộc các trường học, khu thương mại, và các hãng hàng không phải đóng cửa/hủy chuyến.
Có nhiều lo ngại cho rằng, siêu bão Kammuri có thể gây ảnh hưởng đến Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019 tại nước chủ nhà Philippines, nơi có gần 10.000 vận động viên từ 11 quốc gia tham dự.
PAGASA, cảnh báo về khả năng lũ lụt và lở đất ở một số khu vực ven biển trong vài ngày tới. Lượng mưa hơn 150 mm dự kiến diễn ra trên toàn khu vực cho đến ngày 4/12, đặc biệt ảnh hưởng đến vùng Bicol, Calabarzon, Mimaropa và Trung Luzon, bao gồm Manila. PAGASA dự báo sóng bão cao tới 3 m xảy ra ở nhiều khu vực ven biển. Gió mạnh cũng có thể quật ngã nhiều cây cối và thổi bay mái nhà.
Cũng trong thời gian nửa đêm ngày 3/12, vùng mắt bão phía bắc càn quét thành phố Legazpi, nơi sinh sống của hơn 180.000 người. Chuyên gia đánh giá, vùng phía bắc mắt bão chứa sức tàn phá nguy hiểm nhất.
Washington Post tiếp tục thông tin, với sức gió giật mạnh lên đến 258 km/giờ ở vùng địa hình núi cao, siêu bão Kammuri đang tàn phá nặng nề thành phố Legazpi với những trận gió hủy diệt, sóng cao và mưa xối xả. Legazpi là khu vực nghèo của Philippines, nơi cứ trung bình 3 hộ gia đình thì có 1 hộ thuộc diện nghèo đói.
02. Siêu bão Kammuri tiến vào Biển Đông khi nào?
Trung tâm Dịch vụ thời tiết Quốc gia Mỹ (AccuWeather) cho biết, tính đến 1 giờ sáng ngày 3/12, siêu bão Kammuri đang di chuyển khá nhanh về hướng Tây. Mỗi giờ đi được 24 km.
NASA dự báo, đến ngày 4/12, 1 ngày sau khi tấn công thủ đô Manila, siêu bão Kammuri sẽ tiến vào vùng Biển Đông.
Hồi 1 giờ ngày 3/12, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát bản tin: Tin bão gần Biển Đông (bão Kammuri) với nội dung:
Ảnh đường đi dự kiến của bão Kammuri. Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
Hồi 1 giờ ngày 3/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và đi vào Biển Đông.
Đến 1 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 119,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 630 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão: từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km.
Đến 1 giờ ngày 5/12, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 470 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115 km/giờ), giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10 km.
Đến 1 giờ ngày 6/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Nam Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới sau đó thành vùng áp thấp.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động. Riêng vùng biển phía Đông của Bắc và giữa Biển Đông từ chiều tối nay (03/12) gió mạnh dần lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Bài viết sử dụng nguồn: Washington Post, NASA/Earthobservatory, Accuweather, TT Dự báo KTTV QG
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.