Đúng như dự báo của các chuyên gia khí tượng châu Âu, bão Hạ Long đã tăng cấp dữ dội để trở thành siêu bão cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang bão Saffir-Simpson lưu vực Đại Tây Dương).
Tờ Washington Post (Mỹ) nhận định, siêu bão Hạ Long là một trong những trận bão mạnh nhất trong lịch sử quan sát của vệ tinh thời tiết.
Thông tin dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm dịch vụ thời tiết Mỹ AccuWeather cập nhật lúc 1 giờ sáng ngày 6/11 cho hay, siêu bão Hạ Long có sức gió mạnh nhất đạt 287 km/giờ, gió giật mạnh 352 km/giờ, tương đương cấp 5 trên thang Saffir-Simpson.
Siêu bão Hạ Long di chuyển chậm theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được 7 km.
Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Hạ Long. Nguồn: Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe)
Hành trình phát triển của siêu bão 'quái vật' này là bắt đầu từ một vùng áp thấp ngày 2/11, vài giờ sau nó phát triển thành vùng áp thấp nhiệt đới (lúc đó nó cách quần đảo Bắc Mariana vài trăm km về phía đông) và đến nay, sau 4 ngày liên tục tăng cấp, siêu bão Hạ Long (tên quốc tế Halong) sở hữu sức mạnh tương đương siêu bão 'quái vật' Dorian tấn công Quần đảo Bahamas và Mỹ hồi đầu tháng 9/2019.
Điều may mắn duy nhất của siêu bão Hạ Long 2019 là nó có khả năng không di chuyển về phía đất liền. Tuy nhiên, sức mạnh khủng khiếp của nó cộng với vẻ đẹp đáng sợ của nó nhìn từ vệ tinh đang thu hút sự chú ý của các nhà khí tượng trên toàn thế giới, Washington Post thông tin.
Ngày 5/11, Trung tâm cảnh báo bão liên hợp Mỹ (JTWC) dự báo bão Hạ Long có sức gió mạnh 257 km/giờ và có khả năng mạnh hơn nữa.
Không nằm ngoài dự đoán, Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe) cảnh báo, siêu bão Hạ Long có khả năng mạnh hơn nữa và sẽ đạt sức mạnh cực đại vào ngày 6/11.
"Nhờ nguồn nhiên liệu tự nhiên mà siêu bão Hạ Long tiếp tục mạnh hơn nữa. 'Quái vật' này có thể đạt sức mạnh với sức gió lên đến 306 km/giờ" - Chuyên gia bão Philip Klotzbach thuộc Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết.
Dự báo đường đi của siêu bão Hạ Long. Nguồn: Trung tâm dự báo Thời tiết nguy hiểm châu Âu (Severe Weather Europe)
Tiến sĩ Philip Klotzbach cho biết thêm, nhờ sử dụng Phương pháp Dvorak cải tiến (ADT) - phương pháp đo sức mạnh của bão nhiệt đới từ xa bằng vệ tinh chuyên dụng - giới khí tượng nhận định: Siêu bão Hạ Long 2019 là một trong những trận bão mạnh nhất trong lịch sử quan sát của vệ tinh.
Kỷ nguyên sử dụng vệ tinh thời tiết của thế giới bắt đầu từ năm 1979.
Không chỉ sử dụng vệ tinh, các nhà khí tượng còn sử dụng phương pháp phân tích Bản đồ Nhiệt Đại dương (OHC), và nhận thấy, hệ thống siêu bão Hạ Long đang di chuyển qua vùng nước biển ấm lên đến 29 độ C. Sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó.
Thiết bị đo quang phổ hình ảnh MODIS của vệ tinh Terra (thuộc NASA) cũng cung cấp hình ảnh vùng trung tâm siêu bão không chỉ xuất hiện nhiều trận sét lớn, mà nhiệt độ đỉnh mây của Hạ Long xuống đến âm 62,2 độ C.
Hiện tại, các chuyên gia khí tượng thế giới đang theo dõi sát sao đường đi và sức mạnh của bão Hạ Long 2019 nhằm đưa ra những dự báo sớm nhất bởi cách đây khoảng 5 năm, vùng Tây Bắc Thái Bình Dương cũng xuất hiện một cơn bão tên quốc tế là Hạ Long. Vào thời điểm đạt đỉnh, Hạ Long đã đạt trạng thái siêu bão .
Cụ thể, năm 2014, tại 'ổ bão' Tây Thái Bình Dương cũng xuất hiện một siêu bão cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang bão Saffir-Simpson) có tên quốc tế là Hạ Long, được biết đến ở Philippines với tên gọi Bão Jose. Siêu bão cấp 5 này khiến 12 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế gần 80 triệu USD.
Năm 2019 là năm 'bận rộn' tại lưu vực Tây Thái Bình Dương - 'ổ bão' có bão hoạt động dữ dội nhất Trái Đất. Gần một tháng trước, Hagibis (tấn công Nhật Bản) từ một cơn bão nhiệt đới lên siêu bão cấp 5 chỉ trong 18 giờ, trở thành một trong những siêu bão tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử.
Cũng theo tình hình thời tiết đầu tháng 11, theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (NCHMF), bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) có khả năng đổ bộ đất liền nước ta trong 3 đến 5 ngày tới.
Thông tin cập nhật lúc 9 giờ sáng ngày 7/11 của NCHMF cho biết, tính đến 7 giờ sáng ngày 9/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 190km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu của NCHMF nhận định bão số 6 có hướng đi dị thường. Bão số 6 sẽ liên tục mạnh lên và thay đổi hướng đi, xu hướng di chuyển khó đoán. Đến ngày 9/11, bão số 6 có khả năng đi vào vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ.
Chuyên gia khuyên độc giả chú ý cập nhật các thông tin dự báo thời tiết mới nhất để nắm bắt tình hình cơn bão số 6 rõ hơn.
Bài viết sử dụng nguồn: Washington Post, AccuWeather
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.