Sĩ quan Triều Tiên đào tẩu vì chuyện mua đồ lót cho con gái

Bình Giang |

Chuyện ông Han, một trung tá của quân đội Triều Tiên, đào tẩu bắt đầu theo một cách khác thường: việc trao đổi nhân sâm lấy đồ lót trái phép từ Hàn Quốc.

Năm 2008, đồ lót là một trong những mặt hàng thiết yếu không sẵn có ở Triều Tiên, trong khi ông Han phải mua đồ này cho con gái Han Ock đang ở độ tuổi 20.

Vào thời điểm đó, ông Han (từ chối cung cấp tên đầy đủ), được giao nhiệm vụ đến một công ty của quân đội ở khu công nghiệp chung Kaesong, nơi các doanh nghiệp Hàn Quốc thuê công nhân Triều Tiên sản xuất hàng hóa. Việc thực hiện quy định ở đó thường lỏng lẻo.

“Lúc đầu, chúng tôi tuân thủ quy định và tránh xa người miền nam. Nhung chúng tôi đều là con người nên tự nhiên xích lại gần nhau khi thời gian trôi qua”, ông Han, năm nay 63 tuổi, kể lại trong cuộc trả lời phỏng vấn This Week in Asia.

Bố mẹ của một số binh lính dưới quyền ông Han làm việc ở những vùng trồng nhân sâm nổi tiếng của Kaesong, nên ông bảo họ mang sâm đến cho ông sau kỳ nghỉ phép để ông trao đổi với người Hàn Quốc lấy những đồ dùng thiết yếu, trong đó có đồ lót.

Ban đầu, ông Han chỉ đổi vài bộ để gửi về cho cô con gái Han Ock ở Bình Nhưỡng, nhưng sau đó quyết định đổi cả lô.

“Con gái tôi thích những đồ lót thiết kế đẹp của miền nam nên đã khoe với bạn bè. Sau đó, nó bắt đầu bán cho bạn để kiếm lời”, ông Han kể.

Nhưng chỉ một thời gian sau, Han Ock (khi đó đang làm y tá tại một bệnh viện quân đội) nhận ra rằng cô đang bị chính quyền để ý.

Cô nhờ bạn trai, người đang là tài xế riêng cho một tư lệnh sư đoàn, chở cô cùng mẹ và anh trai đến biên giới để vượt qua sông Áp Lục sang Trung Quốc. Lính biên phòng cho họ qua vì tin rằng họ là gia đình của vị tư lệnh, sau đó bạn trai cô trở về Bình Nhưỡng một mình.

Gia đình ông Han đến tỉnh Vân Nam ở miền nam Trung Quốc, vượt biên sang Lào rồi sang Thái Lan để vào Đại sứ quán Hàn Quốc. Nhưng ông Han không biết điều này cho đến khi trở về nhà vào tháng 4/2008.

Vài tháng sau, ông nhận được điện thoại từ cô Han Ock nhờ sự hỗ trợ của lực lượng tình báo và nguồn tin của Hàn Quốc, để thông báo rằng gia đình ông đang sống tốt ở Seoul.

“Cuộc gọi của con gái tôi khiến tôi quyết định từ bỏ 38 năm quân ngũ ở miền Bắc để xuống miền Nam”, ông Han kể.

Khi ông Han đang giám sát các công nhân làm việc tại một dự án khai thác gỗ ở Nga thì nghe tin từ con gái, rồi ông sớm được những người mà ông tin là do một linh mục ở Hàn Quốc thuê để đưa ông sang Thái Lan qua ngả Trung Quốc.

Ông Han xin tị nạn ở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bangkok. Từ đây, ông bay sang Hàn Quốc năm 2009 trên một chuyến bay thuê bao cùng 29 người đào tẩu Triều Tiên khác.

Sau khi đến sân bay Incheon, ông được đoàn tụ với gia đình trong một thời gian ngắn, rồi bị lực lượng tình báo đưa đi thẩm vấn trong suốt 7 tháng. Sau đó, ông được họ thưởng 300 triệu won vì đã tiết lộ các bí mật quân sự.

Ông Han báo cho Hàn Quốc biết rằng Triều Tiên đã xây 6 đường hầm qua biên giới với Hàn Quốc trước năm 1998 để có thể xâm nhập trong trường hợp hai miền xảy ra chiến tranh. 3 đường hầm trong số đó đã bị Hàn Quốc phát hiện trước đó, nhưng 3 cái khác chỉ bị phát hiện sau khi ông Han cung cấp thông tin.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này không phát hiện thêm đường hầm nào khác nữa.

Với số tiền được thưởng, ông Han mua 9.000 m2 đất ở thành phố Seonan ở phía nam để ở cùng gia đình. Con gái ông đã kết hôn với bạn trai vào năm 2012 sau khi bạn trai cô chạy khỏi Triều Tiên cùng mẹ.

Ông Han hiện đang làm việc tại một nhà máy cửa sổ ở Seonan.

Có thời gian ông nuôi đến 30 con chó trong vườn để lấy thịt, vì thịt chó rất phố biến ở Triều Tiên, nhưng những người hàng xóm Hàn Quốc của ông không vui vì điều này.

“Tôi không biết ở đây không cho phép giết chó để ăn thịt. Tôi làm thịt một con để ăn với bạn bè thì bị hàng xóm báo chính quyền. Cuối cùng tôi bị phạt 500.000 won vì tội lạm dụng động vật”, ông Han kể.

Từ đó, ông giữ khoảng cách với những người dân trong vùng.

Trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời năm 2011, hàng ngàn người Triều Tiên vượt biên sang Trung Quốc. Nhưng tình hình thay đổi sau khi ông Kim Jong Un lên thay cha và thắt chặt kiểm soát biên giới.

Đại dịch COVID-19 khiến tình hình càng khó khăn hơn. Chỉ có 135 người Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc trong quý 1 năm nay, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại