Trong 10 năm qua, Li Xaoliang (31 tuổi), một người đàn ông rám nắng và gầy gò, đã rong ruổi khắp các con đường ở Thượng Hải trên chiếc xe đạp điện của mình để làm công việc ship hàng cho các công ty logistics.
Điều đó khiến Li trở thành một "lão làng" trong ngành công nghiệp còn non trẻ với số lượng nhân sự lớn này. Có thể nói, chỉ cần một chiếc xe và điện thoại thông minh, hầu như ai cũng có thể trở thành shipper. Li và đồng nghiệp của anh, được gọi thân mật là "kuaidi xiaoge", đã trở thành một nét đặc trưng trong nhiều năm qua ở nhiều địa phương của Trung Quốc.
Đối với những người như Li, shipper là một cách để thoát khỏi đói nghèo ở nông thôn. Li sinh ra ở thành phố Vu Hồ thuộc tỉnh An Huy, cách Thượng Hải khoảng 280 km. Anh là một trong số hàng triệu người lao động di cư từ các vùng nông thôn đã và đang đóng góp tích cực cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Li và đồng nghiệp hầu như không có ngày nghỉ, trừ Tết Nguyên đán. Động lực lớn nhất của họ là thu nhập. Li nhận được 5 nhân dân tệ (0,8 USD) cho mỗi bưu kiện. Trung bình, một shipper có kinh nghiệm như anh có thể giao tới 120 kiện hàng mỗi ngày.
Shipper là một nghề giúp thoát nghèo ở Trung Quốc.
"Kuaidi" có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là sau khi các công ty thương mại điện tử và giao đồ ăn phát triển mạnh. Tuy nhiên, đây lại là một công việc ngày càng trở nên "tàn bạo" và cạnh tranh. Trong một cuộc phỏng vấn tháng 12/2020, Li lộ rõ vẻ mệt mỏi dù anh thường bắt đầu ngày mới không quá sớm, lúc 7:30. Một ngày điển hình của anh kéo dài đến 9 giờ tối.
Áp lực đối với shipper ở Trung Quốc đã trở nên rất lớn từ khi đại dịch bùng phát. Dù thu nhập tăng nhưng giờ làm việc của họ cũng vậy. Ngoài ra, nhiều người còn phàn nàn rằng họ kiếm được ít tiền hơn cho mỗi chuyến giao hàng.
Aidan Chau đến từ China Labour Bulletin, một tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong, cho biết: "Khối lượng công việc của nhân viên giao hàng đang tăng lên, trong khi lương của họ lại giảm. Năm 2020, lĩnh vực giao hàng đã chuyển phát 83,36 tỷ bưu kiện, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước".
Một shipper đã nghỉ việc cho biết: "Trong những giờ đặt đồ ăn cao điểm, chúng tôi điều khiển xe bằng một tay, tay còn lại cầm điện thoại để nhận đơn hàng. Luôn có những lúc chúng tôi suýt va chạm với phương tiện khác. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang đặt cược mạng sống của mình khi giao hàng".
Việc các shipper phải làm việc quá sức chịu đựng đã dẫn đến một số bi kịch tại Trung Quốc. Trên thực tế, họ ký hợp đồng trực tiếp với bên thứ ba chứ không có mối liên hệ với những công ty giàu có hưởng lợi từ sức lao động của họ.
Cái chết của một shipper họ Han ở Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái đã gây ra phản ứng dữ dội sau khi công ty giao đồ ăn nổi tiếng Ele.me chỉ bồi thường cho gia đình nạn nhân 308 USD.
Tuy nhiên, do áp lực dư luận quá lớn, công ty này đã gửi lời xin lỗi tới gia đình Han, tăng khoản bồi thường đồng thời "chân thành làm việc để giải quyết các vấn đề còn lại".
Tháng này, một đoạn video khủng khiếp đã lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc với hình ảnh một tài xế Ele.me đang tự thiêu và được người qua đường cứu. Người này tên là Liu Jin, 40 tuổi, đến từ một vùng nông thôn nghèo ở Vân Nam. Được biết, trước khi tự thiêu, Liu có tranh chấp về tiền lương với công ty và chưa được giải quyết.
Cư dân mạng Trung Quốc cũng được một dịp xôn xao khi một shipper khác tố cáo rằng ông chỉ nhận được 0,8 nhân dân tệ cho 17 ngày làm việc. Lý do công ty đưa ra là đã có 22 khiếu nại của khách hàng nên lương của ông bị cắt giảm.