Shark Thái Vân Linh, Giám đốc chiến lược và vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital từng có quan điểm khá ấn tượng về vấn đề phát triển công việc của giới trẻ.
Theo đó, tại một sự kiện ở TPHCM tháng 8 vừa qua, vị Shark nữ duy nhất của Shark Tank Việt Nam nhận định muốn có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi đón nhận cơ hội, người trẻ cần làm việc nghiêm túc và chăm chỉ.
Cụ thể, thay vì chỉ đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều, Shark Linh cho rằng những người trẻ không nên về trước 7h tối vì như vậy là quá sớm. Shark khuyên các bạn trẻ nên ở lại văn phòng làm thêm các công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, thậm chí tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa.
Tuy nhiên quan điểm này của Shark Linh gặp khá nhiều ý kiến tranh cãi. Một trong số đó đến từ cựu cố vấn và đại diện cho Facebook tại Việt Nam, ông Huỳnh Kim Tước, người đã từng có 8 năm gắn bó với mạng xã hội lớn nhất thế giới này trước khi rời đi vào tháng 7 vừa qua.
Trên trang cá nhân của mình, ông Tước bày tỏ: "Chắc chị Linh có ý tốt nhưng rất tiếc là lời khuyên ở lại chỗ làm tìm việc làm thêm là chưa phù hợp với xu hướng trong cuộc sống thực tế, cũng như chưa có cơ sở khoa học".
Theo ông Tước, những công ty có mức độ tăng trưởng nhanh trên thế giới hiện nay đang đối đầu với vấn nạn là làm sao khuyến khích nhân viên của họ có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giảm stress, tăng cường sự sáng tạo, cảm thấy hạnh phúc hơn, và qua đó hiệu suất làm việc tăng lên.
Trong những cuộc khảo sát nội bộ gần đây của các công ty công nghệ như Amazon, Google, Facebook, v.v… kết quả khiến phần lớn nhân viên chưa hài lòng với công ty bắt nguồn từ vấn đề làm làm việc quá nhiều dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống.
Ông Huỳnh Kim Tước, cựu nhân sự cấp cao Facebook Việt Nam.
Mặc dù vậy, tin vui là các nhà nghiên cứu đã tìm ra "bí quyết" cho vấn đề này dù nghe qua có vẻ rất khó tin: Giảm thời gian làm việc thì năng suất lao động sẽ tăng lên, đặc biệt khi nhân viên có nhiều thời gian cho gia đình, hoặc những hoạt động giải trí ngay trong chỗ làm.
Theo một bài báo đăng trên tạp chí New York Times tháng 7 vừa qua, công ty Perpetual Guardian, đơn vị chuyên quản lý các loại tài sản tín thác, di chúc và bất động sản ở New Zealand đã làm một cuộc thử nghiệm, cho phép 240 nhân viên của mình chỉ đi làm 4 ngày/tuần nhưng vẫn được trả mức lương tương đương như khi họ đi làm 5 ngày.
Kết quả thật bất ngờ: Khi nhân viên có nhiều thời gian cho gia đình hay các hoạt động như tập thể dục, nấu ăn, làm vườn,… mối quan hệ cân bằng giữa công việc và cuộc sống được cải thiện tới 24%.
Quan trọng hơn, năng suất lao động của những nhân viên này tăng lên và thái độ làm việc cũng thay đổi tích cực: Họ sáng tạo hơn, đi làm đầy đủ và đúng giờ hơn, không rời văn phòng sớm hay nghỉ giải lao quá lâu.
Các quốc gia khác trên thế giới cũng đã thực hiện những thử nghiệm liên quan đến việc giảm giờ làm để cải thiện năng suất lao động cá nhân.
Tại Thụy Điển, thành phố Gothenburg quy định các công chức nhà nước chỉ làm 6h/ngày thay vì 8h như trước đây nhưng họ nhận thấy những nhân viên này vẫn hoàn thành lượng công việc như cũ, thậm chí là nhiều hơn.
Với những khám phá khoa học cũng như thống kê từ hàng chục ngàn cuộc khảo sát nội bộ, ông Huỳnh Kim Tước cho biết lãnh đạo của nhiều công ty hàng đầu thế giới đã bắt đầu xem xét hiệu quả công việc, chứ không xem xét nhân viên đi làm nhiều hay ít.
Hơn thế nữa, họ còn cỗ súy rất tích cực cho việc nhân viên của họ hợp nhất công việc và cuộc sống (work life integration) để mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Tức là dù nhân viên đang làm việc nhưng cũng có thể dành thời gian cho việc chăm sóc cho gia đình con cái, học đàn,... Thậm chí các công ty không tính giờ mà nhân viên đến văn phòng hay giờ nhân viên đi về vì họ chỉ quan tâm vấn đề nhân viên có làm hiệu quả hay không.
"Vậy các bạn trẻ hãy nên làm việc thông minh chứ không nên làm nhiều việc như trước kia - work smart instead of more work", ông Tước kết luận.