Shark Tank Việt Nam mùa 5 vừa trở lại và sau 4 tập đã xuất hiện những startup nổi bật, chốt thương vụ triệu đô với các “cá mập”. Tuy nhiên, câu chuyện hậu Shark Tank không phải lúc nào cũng suôn sẻ và “kết thúc” có hậu. Trong tập 3, Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Nguyễn Xuân Phú vừa chốt thành công thương vụ 1 triệu USD với Nerman - startup bán mỹ phẩm nam online. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tập đoàn NextTech, thương vụ này đã sớm đổ vỡ. Nguyên nhân được NextTech đưa ra là vì “startup đào mỏ, bùng kèo, không giữ chữ tín”.
Phóng viên đã liên hệ với phía Nerman và startup này xác nhận rằng thương vụ gọi vốn với Shark Bình đã không thành.
Shark Nguyễn Hòa Bình cũng đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với chúng tôi để nói rõ những vướng mắc trong thương vụ ông đầu tư vào Nerman.
Startup "bùng kèo" để "đào mỏ" hiệu ứng truyền thông từ chương trình?
* Chào Shark Bình, ông có thể chia sẻ về quá trình ông và quỹ Next100 làm việc với Nerman sau khi thương vụ được ghi hình xong?
Ngày 14/5, ngay sau khi ghi hình xong, đội ngũ thẩm định của quỹ đầu tư Next100 đã liên hệ làm việc với Nerman. Thông thường, sau khi quay xong, nhà đầu tư sẽ yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu để thẩm định. Tuy nhiên, khi đó startup này viện lý do bận để kéo dài thời gian cung cấp thông tin. Họ hứa là cuối tháng 6 mới làm xong.
Trong khi đó, thông tin ở ngay trong sổ sách doanh nghiệp, làm gì mà không có, tại sao phải hứa một tháng rưỡi sau mới cung cấp? Khi đó tôi đã cảm nhận thấy dấu hiệu lạ. Họ kéo dài thời gian để chờ chương trình được phát sóng và được hưởng trọn vẹn hiệu ứng truyền thông. Nếu startup từ chối luôn thì sẽ bị chương trình phát hiện ra và cắt sóng.
Ngày 26/6, hơn một tuần sau khi thương vụ được phát sóng, họ từ chối nhận thẩm định từ Next100 với lý do “thay đổi định hướng gọi vốn nên tạm thời không nhận vốn đầu tư tại thời điểm này”.
Tôi cho rằng đây là quy trình chuẩn của việc bùng kèo để “đào mỏ” (thuật ngữ từ Shark Tank Mỹ) từ hiệu ứng truyền thông lớn của chương trình Shark Tank Việt Nam.
* Đội ngũ thẩm định tài chính của NextTech đã triển khai thẩm định rất nhanh ngay sau khi ghi hình. Phải chăng ông đánh giá đây là một thương vụ rất có triển vọng nên muốn thúc đẩy nhanh quá trình thẩm định?
Không phải do tôi kỳ vọng mà đó là cách làm việc của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời cũng thể hiện tinh thần hỗ trợ startup.
Một doanh nghiệp nghiêm túc và tử tế bao giờ cũng có thông tin báo cáo số liệu hàng tháng, hệ thống theo dõi chứng từ, sổ sách luôn sẵn sàng. Bởi vì ít nhất họ còn phải nộp lên cơ quan thuế. Không một doanh nghiệp nào lại bảo phải chờ em một thời gian để em chuẩn bị báo cáo. Điều quan trọng là có thiện chí chia sẻ hay không?.
Một quy trình đầu tư bao giờ cũng phải công khai, minh bạch thông tin. Vì thế mà nói “cần thời gian để chuẩn bị” là phi thực tế.
* Để đi đến quyết định đầu tư cuối cùng, hai bên cần trải qua nhiều giai đoạn thẩm định, đàm phán. Việc đàm phán không thành, không có tiếng nói chung để đi đến ký kết là chuyện khá bình thường. Vậy theo ông, như thế nào là “bùng kèo”?
Tất nhiên nếu có thiện chí thẩm định, đi đến đàm phán các điều khoản chi tiết mà không đến được với nhau thì là chuyện bình thường.
Còn “bùng kèo” là từ chối thẩm định ngay, hoặc chưa thẩm định đã muốn đàm phán lại. Ví dụ, trên chương trình, startup chốt 1 triệu USD cho 15-20% cổ phần nhưng sau đó lại chỉ muốn 1 triệu USD cho 10% thôi. Trên sóng truyền hình cứ cố sống cố chết để chốt thương vụ, rồi lại không giữ uy tín. Đó là tâm thế rất xấu.
Vì thế mà tôi rất tôn trọng những startup công khai minh bạch, mặc cả từng xu cũng được, không chịu giảm giá và sẵn sàng trắng tay ra về. Ít nhất, họ sòng phẳng và "xanh chín". Những startup như vậy mới xứng đáng được hưởng lợi từ hiệu ứng truyền thông.
* Ông nói rằng startup đã không có thiện chí ngay từ đầu và từ chối thẩm định luôn?
Đúng, đầu tiên phải bắt đầu từ thiện chí. Tôi có thể chấp nhận nếu các bạn muốn đàm phán để thay đổi một chút tỷ lệ hay số vốn. Dù là lý do nào, việc từ chối thẩm định ngay thì chắc chắn 100% rằng startup có tâm thế trục lợi từ lúc tham gia chương trình. Đây là điển hình của startup “đào mỏ”, lợi dụng chương trình chỉ để PR, quảng cáo chứ không thực sự có nhu cầu gọi vốn.
Tôi đã trải qua 21 năm startup nên bản năng và kinh nghiệm nhìn nhận bản chất vấn đề khá rõ ràng. Rất nhiều bạn startup bị ảo tưởng, thấy bước đầu thuận lợi một chút mà nghĩ tương lai thênh thang, rộng mở nhưng không biết rằng sau đỉnh là vực thẳm, đó là lúc cần người đồng hành nhất.
Đạo đức của một người doanh nhân là phải tôn trọng lời hứa, giữ chữ tín. Tinh thần và văn hóa ấy mới đem lại sức sống cho doanh nghiệp. Việc mất chữ tín rồi sẽ vận vào bạn ở đâu đó và sau này rất khó làm ăn với nhân viên, các đối tác và các nhà đầu tư khác, bởi “cách bạn làm một việc chính là cách bạn làm mọi việc”. Bản thân nhân viên và khách hàng cũng đặt câu hỏi, liệu có thể tin tưởng vào sản phẩm của một doanh nghiệp không giữ chữ tín không?
* Ông dường như rất bức xúc với startup này. Đây có phải trường hợp đầu tiên ông gặp ở chương trình Shark Tank Việt Nam?
Không phải thương vụ này tôi bức xúc, mà đây là ví dụ nóng. Sự bức xúc chủ yếu do trước chương trình có nhiều công chúng bình luận theo hướng ác ý, cho rằng các Shark tham gia chỉ để PR, không đầu tư thật.
Ngoài ra cũng còn nhiều trường hợp khác trong quá khứ rất bức xúc nhưng tôi chưa nói ra. Startup viện ra rất nhiều lý do để thay đổi hoặc bùng kèo. Có bên từ chối thẩm định luôn như trường hợp của Nerman. Có startup lại đưa ra một đề nghị khác hoàn toàn với trên sóng. Trong Shark Tank Việt Nam mùa 4, tôi chốt deal đầu tư cho một startup kinh doanh thiết bị theo dõi, chăm sóc thú cưng từ xa. Tuy nhiên, họ lại quay ra đòi Shark mua 100% doanh nghiệp.
Một “cá mập” còn tâm sự với tôi rằng không thể liên hệ với startup để thẩm định, họ không nghe máy. Cực kỳ thiếu chuyên nghiệp. Dư luận không biết đến những câu chuyện đó nên cuối cùng, các Shark chịu tai tiếng, “quýt làm, cam chịu”.
"Các Shark mất nhiều hơn được"
* Ông nói dư luận chưa biết đến những câu chuyện, lý do đằng sau việc các Shark không rót vốn. Vậy với những thương vụ mà ông chốt trên Shark Tank nhưng sau đó không thành, nguyên nhân đến từ đâu?
Với các thương vụ của Shark Bình, đa số trường hợp giải ngân không thành công đều có nguyên nhân khách quan. Trong đó có 2 nguyên nhân chính:
Nguyên nhân lớn nhất là startup đưa ra những thông tin không chính xác so với khi thuyết trình trên sóng, “chém gió” quá liều về tình hình kinh doanh. Khi chúng tôi tiến hành thẩm định thì, hoặc startup không chứng minh được những gì mình nói, hoặc giấy tờ, sổ sách, dữ liệu không minh bạch, không thể xác minh được. Đại đa số thất bại ở vòng thẩm định.
Nguyên nhân thứ hai đến từ việc startup có động cơ lợi dụng chương trình để PR bản thân, thực tâm không có nhu cầu gọi vốn. Khi tiến vào vòng thẩm định bắt đầu đưa ra nhiều lý do, thậm chí không liên lạc được. Tôi gọi đó là "qua cầu rút ván", khiến “cá mập mắc cạn”. Tóm lại là có động cơ không trong sáng và thiếu uy tín.
Tổng kết lại các thương vụ của tôi, 100% trường hợp không giải ngân đều rơi vào hai lý do trên. Trong đó, 70% do thông tin không chính xác, 30% do startup "đào mỏ". Với những startup nào làm đúng như những gì họ đã cam kết, việc tiến hành giải ngân diễn ra rất nhanh, điển hình như Coolmate. Những công ty minh bạch, đàng hoàng, sòng phẳng thì đem lại những kết quả rất tốt.
* Vậy ông muốn bênh vực hay thanh minh gì cho mình và các Shark?
Đầu tiên, việc dư luận nói rằng Shark lên chỉ để quảng cáo cho bản thân mà không đầu tư thực sự là không chính xác.
Khi các Shark tham gia chương trình, bản chất đầu tiên là muốn giúp đỡ cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi tài trợ sản xuất chương trình, tức phải mất tiền. Bên cạnh đó, 100% Shark khi đã chốt thương vụ nào, đồng nghĩa với việc đã có sẵn tiền. Đầu tư vào một startup cùng lắm bằng một căn nhà. Chúng tôi luôn luôn muốn tìm cơ hội tốt để đầu tư, luôn tiến hành việc thẩm định rất nhanh chóng và thiện chí.
Thứ hai, chúng tôi còn phải đối mặt với rủi ro về uy tín thương hiệu, bởi sau khi tham gia sẽ bị nhiều người để ý, soi mói các khía cạnh trong doanh nghiệp. Vừa mất tiền lại mua thêm rắc rối, nhìn đi nhìn lại, tôi thấy các Shark đa phần thiệt nhiều hơn được.
Bên hưởng lợi nhiều nhất là startup. Ngoài việc gọi vốn, một giá trị quan trọng khác mà tôi đã từng chia sẻ, chính là giá trị quảng bá tương đương một chiến dịch truyền thông quảng cáo có giá trị ước tính 20 tỷ đồng, mà cứ lên Shark Tank là nghiễm nhiên được hưởng. Tôi cho rằng chương trình này là một trong những công cụ hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nhất hiện nay tại Việt Nam cho giới khởi nghiệp.
Tuy nhiên dư luận chưa có cái nhìn công tâm, khách quan, cho những con người đang hỗ trợ startup và chấp nhận rủi ro có thể xảy đến. Đây coi như là lần đầu tiên tôi công khai rất nhiều góc khuất để “giải độc” dư luận.
* Sau những trường hợp mà theo ông là “bùng kèo”, ông có khuyến nghị gì cho phía ban tổ chức chương trình?
Thứ nhất, tôi sẽ kiến nghị với ban tổ chức phải có những biện pháp quyết liệt với startup mà được Shark báo cáo là có hiện tượng "đào mỏ, bùng kèo". Có thể là gỡ hết thông tin ra khỏi chương trình và những người sáng lập startup sẽ bị đưa vào “danh sách đen” của chương trình.
Thứ hai, trong trường hợp startup không uy tín thì chương trình phải nêu tên, công khai luôn để răn đe các startup có ý định trục lợi truyền thông trong tương lai.
* Ông có lời nhắn nhủ nào tới các startup?
Người làm kinh doanh phải "xanh chín" và uy tín, đó mới là cái gốc của thành công. Sau khi thấy hiệu ứng truyền thông lớn, rất nhiều startup bị ảo tưởng và nổi lòng tham. Nhưng tôi tin những người khôn lỏi, thiếu uy tín thì không bao giờ thành công lớn được.
* Cảm ơn ông!
Chúng tôi đang tiếp tục trao đổi với Nerman về thương vụ với shark Bình và sẽ có thông tin chi tiết trong bài viết kế tiếp. Mời quý vị theo dõi.