Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore (SLD-2024) vào đầu tháng 6 vừa qua không chỉ là một Diễn đàn đối thoại chiến lược thường niên lớn nhất châu Á có ảnh hưởng đến chương trình nghị sự về an ninh và phát triển của cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở rộng sang Đại Tây Dương cho cả nửa cuối năm 2024, mà còn là xu hướng đối thoại kênh 1 hiếm hoi giữa các bên đối trọng lẫn nhau trong khu vực (điển hình là giữa quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh với trục Nga – Trung Quốc).
Đây cũng là dịp để các nước thăm dò lập trường quản lý xung đột, phát triển mục tiêu giữa các cường quốc có ảnh hưởng lẫn các quốc gia tầm trung, các nước nhỏ có khả năng tập hợp lực lượng dựa trên những sáng kiến phục vụ lợi ích chung ở phạm vi các tiểu khu vực, khu vực và liên khu vực.
Sự lồng ghép khéo léo của chủ nhà Shangri-La 2024
Phát huy truyền thống của SLD là một diễn đàn đối thoại tôn trọng sự tự do biểu đạt, chương trình nghị sự của SLD lần này được chia thành các phiên tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: (A) công khai xu hướng tập hợp lực lượng riêng biệt của nhóm các cường quốc có ảnh hưởng đối trọng là Mỹ và Trung Quốc; (B) thảo luận về các vấn đề an ninh phi truyền thống thiết yếu từ phạm vi khu vực đến liên khu vực (như an ninh hàng hải, an ninh mạng, an ninh con người..); và (C) đề xuất các phương thức đảm bảo an ninh khu vực cũng như sự ổn định chung trên toàn thế giới.
Trong đó, nhóm nội dung (A) với trọng tâm thể hiện sự đối trọng "nước lớn - nước lớn/ quan hệ Bắc – Bắc" được thiết kế thành 3 "phiên riêng" cho các đại diện của Mỹ (phiên về Đối tác Chiến lược trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương), Trung Quốc (phiên về Cách tiếp cận của Trung Quốc với An ninh toàn cầu) được trình bày đơn lẻ, lẫn một phiên tranh biện lẫn nhau ở cường độ thấp (khi Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cùng tranh biện với Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Samuel Paparo của Mỹ ở phiên về Răn đe và Bảo đảm ở châu Á - Thái Bình Dương).
Nhóm nội dung (B) với trọng tâm là ảnh hưởng của quan hệ "nước lớn – nước nhỏ/ quan hệ Bắc - Nam" trong khu vực đã chiếm đa số các phiên với sự "cài cắm" đầy đủ các đại diện đến từ nhóm quốc gia Nam Bán cầu vào mỗi phiên nhằm phục vụ cho chủ ý từ chủ nhà Singapore. Sự lồng ghép quan điểm của các nước nhỏ vào diễn trình nghị sự chung của các nước lớn ở các lĩnh vực quản lý xung đột và hợp tác an ninh phi truyền thống được thể hiện rất đồng bộ, khéo léo và tinh tế.
Cụ thể là các phiên về Trí tuệ nhân tạo với Phòng ngừa An ninh mạng (có sự tham gia của Chỉ huy Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Liên hợp Pakistan), phiên về Quản lý khủng hoảng trong xu hướng cạnh tranh tăng cường (có Tổng thống Timor-Leste tham gia), phiên về Xây dựng hợp tác an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương (có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia tham gia), phiên về Kết nối An ninh Biển sang Ấn Độ Dương (có Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan tham gia), phiên về Các hoạt động nhân đạo toàn cầu (có Tham mưu Trưởng Lực lượng vũ trang Philippines và Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Nhập cư Fiji tham gia), phiên về Xây dựng nền tảng niềm tin trong thực thi pháp luật trên biển (có Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines và Giám đốc Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia tham gia), phiên về Thách thức an ninh liên khu vực (có Phó thủ tướng – Bộ trưởng Quốc phòng Qatar tham gia), và phiên Hợp tác Quốc phòng và an ninh các nước nhỏ (có Bộ trưởng Quốc phòng Maldives tham gia).
Và cuối cùng là nhóm nội dung (C) nhằm định hình quan điểm xây dựng cấu trúc an ninh khu vực có ảnh hưởng điều phối của các nước nhỏ được đại diện bởi: hai bài phát biểu chính (keynote address) đến từ Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto và phiên thảo luận cuối về Các giải pháp ổn định An ninh khu vực (có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore) – đều là các đại diện đến từ khối ASEAN.
"Hòa giải, hòa giải và hòa giải" - Thông điệp chung từ các nước lớn
Khác với Đối thoại SLD các năm trước thường tập trung vào các nội dung "phân tách" về an ninh truyền thống (quân sự - chính trị) rõ rệt giữa Mỹ và Trung Quốc, SLD năm nay lại ghi nhận các diễn ngôn đi kèm với chuỗi động thái mang tính "hòa giải" về chất giữa các nước lớn.
Đại diện cho xu hướng này là nhóm các nội dung tương đồng trong các diễn ngôn ngoại giao trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân lần này như: (i) nhấn mạnh các yếu tố gắn kết địa – chiến lược của khu vực đã củng cố lập trường "hướng tâm" của cả Mỹ với đặc điểm "quốc gia Thái Bình Dương" được ông Austin đề cao.
Trong khi đó, ông Đổng Quân lại thúc đẩy sự gắn kết này vượt lên quy mô toàn cầu để định hình "một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại"; (ii) khẳng định xu hướng tập hợp lực lượng của cả Mỹ (với việc định hình "sự hội tụ mới") và Trung Quốc (với việc vận dụng "trí tuệ châu Á") đều hướng đến lợi ích chung và chấp thuận sự khác biệt; (iii) cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn giảm thang căng thẳng với các bên đối trọng với họ khi Mỹ đề xuất tăng cường đối thoại với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tránh nhắc trực tiếp đến Mỹ như một thế lực có tham vọng bá quyền hoặc đang thúc đẩy tình hình eo biển Đài Loan thêm phức tạp và (iv) cả Mỹ và Trung Quốc đều chủ trương giảm thang căng thẳng ở các "điểm nóng" chiến sự hiện nay như vấn đề Ukraine và Dải Gaza.
Xu hướng "hòa giải" giữa các nước lớn không chỉ được thể hiện qua các diễn ngôn ở các phiên nghị sự thuộc nhóm (A), mà còn bộc lộ cụ thể thành chuỗi động thái quan trọng bên lề SLD như: (i) cuộc gặp trực tiếp kéo dài 75 phút giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc; (ii) sự hiện diện của quan chức tình báo Trung Quốc trong Hội nghị cấp cao không công bố của hơn 20 cơ quan tình báo quốc tế do Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia (DNI) Mỹ Avril Hanes chủ trì ngay sau khi Hội nghị SLD-24 kết thúc; (iii) quá trình hòa giải mở rộng giữa Nhật – Hàn thông qua cuộc gặp cấp Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước này với sự nhất trí quan trọng về Bộ quy trình liên lạc nhằm điều chỉnh các cuộc va chạm ngoài ý muốn trên biển nhằm tránh tái diễn các sự cố tàu tuần duyên Hàn Quốc khóa radar máy bay tuần duyên của Nhật Bản như năm 2018; và (iv) xu hướng "tương tác tăng cường" với các quốc gia đồng minh/ đối tác chủ chốt của phe đối trọng: khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với những người đồng cấp ở Đông Nam Á (đặc biệt là cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng thống đắc cử Indonesia và chuyến thăm chính thức Campuchia ngay sau Hội nghị SLD) trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lại chủ trương gặp người đồng cấp ở nhóm các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Pháp, Canada, New Zealand.
Đối thoại từ khu vực ra toàn cầu
Vấn đề Biển Đông thường không xuất hiện như chủ đề chính trong bất kỳ phiên nghị sự nào trong khuôn khổ SLD nhằm tránh xu hướng cổ xúy đối thoại có tính "đứt gãy" về lập trường trong bối cảnh các bên liên quan có quan điểm vừa đa dạng, vừa tồn tại khác biệt rất lớn.
Ở SLD lần này, vấn đề Biển Đông được tích hợp khéo léo ở các phiên bàn về việc thực thi pháp luật trên biển và kết nối an ninh biển giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, cũng như được nhắc đến một cách sơ nét trong bài phát biểu chính của các bên trực tiếp liên quan.
Tuy nhiên, ngay cả trong bài phát biểu được cho là nhắc nhiều nhất đến Biển Đông của Tổng thống Philippines F. Marcos Jr. vẫn né tránh chỉ trích công khai các hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời tập trung nhiều hơn vào các biện pháp kiến tạo an ninh Biển Đông như đề cao vai trò Phán quyết Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 cùng các sáng kiến của riêng Philippines như "Khái niệm Phòng thủ Quần đảo Toàn diện" và "Luật Khu vực Hàng hải Philippines".
Sự xuất hiện của 3 đại diện lãnh đạo lực lượng cảnh sát biển đến từ Việt Nam, Philippines và Indonesia cùng đối thoại với Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Linda Fagan trong phiên về Xây dựng nền tảng niềm tin trong thực thi pháp luật trên biển đang cho thấy một chỉ dấu của xu hướng "ASEAN hóa" các định hướng hợp tác tuần duyên mà Mỹ muốn xây dựng trên Biển Đông nói riêng và các vùng biển ở Đông Nam Á nói chung.
Không chỉ dừng lại ở việc đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm giữ ổn định và đảm bảo an ninh Biển Đông, sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở SLD lần này (thay vì chỉ xuất hiện trực tuyến ở SLD năm ngoái) cũng cho thấy vị thế ngày càng tăng cao cũng như tính hiệu quả của các cơ chế đối thoại ở Shangri-La đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực.
Trong đó, sự kiện phái đoàn Ukraine do ông Zelensky dẫn đầu xuất hiện bất ngờ được cho là nhằm vận động các quốc gia Nam Bán cầu lẫn nhóm cường quốc có ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra từ ngày 15 - 16/6 tại Thụy Sĩ sắp tới.
ASEAN - "Thần giữ cửa" Đối thoại Shangri-La
Mặc dù không có các diễn giả đại diện đến từ nước bạn Lào, Brunei và Myanmar, nhưng sự tham gia đầy đủ của tất cả các đại diện quốc phòng cấp cao còn lại của ASEAN đã "phủ sóng" gần như toàn bộ các phiên nghị sự chủ chốt thuộc nhóm (B), đồng thời đóng vai trò điều hướng dư luận chủ đạo của nhóm (C). Kết hợp cùng các đại diện đến từ các khu vực đang phát triển khác như Pakistan, Maldives (đại diện Tổ chức Hợp tác Nam Á – SAARC), Fiji (đại diện Diễn đàn Hợp tác các Quốc đảo Nam Thái Bình Dương – PIF), Qatar (đại diện Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh – GCC) nằm trong tổng thể "vành đai Nam Bán cầu" kết nối GCC – SAARC – ASEAN – PIF (trong đó khối ASEAN đã kịp triển khai các định hướng nghị sự chung với GCC lẫn cả hai khối PIF, SAARC vào cuối năm 2023) đã khiến ASEAN trở thành "sợi chỉ đỏ" trong gắn kết với cả 3 tiểu khu vực Tây Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, và vươn lên trở thành "thần giữ cửa" đối với nghị sự SLD năm nay.
Do đó, mặc dù chưa có tiếng nói chủ chốt và gây ảnh hưởng truyền thông mạnh mẽ như Mỹ, Trung Quốc hoặc các cường quốc phương Tây tham gia vào SLD lần này, nhưng sự "xen lẫn" quan điểm của ASEAN nói riêng và khối các quốc gia đại diện cho "vành đai Nam Bán cầu" nói chung không chỉ đã giúp các phiên thảo luận không chỉ cân bằng hơn giữa quan điểm "nước lớn – nước nhỏ", mà còn cho thấy vai trò điều phối giảm thiểu xung đột, tránh chỉ trích vô nghĩa, đề cao phương án hợp tác hiệu quả nhằm hướng đến một cục diện an ninh mới cho cả khu vực, mở rộng liên khu vực đến toàn cầu.
Thông qua SLD năm nay, xu thế gia tăng vai trò điều phối theo nguyên tắc "ASEAN Centrality – ASEAN là trung tâm" vì vậy đang ngày càng nhận được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi không chỉ từ nhóm các quốc gia Nam Bán cầu cùng trình độ phát triển, mà còn đến từ các cường quốc có ảnh hưởng trong và ngoài khu vực, đánh dấu một bước khẳng định hơn nữa vị thế "trái tim" của các quốc gia Đông Nam Á cũng như xu hướng "nước lớn hòa giải, nước nhỏ điều phối" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại