Đến nay, sau hơn 1 tháng chính thức bắt đầu chương trình năm học mới, điều đang gây tranh cãi không ngừng trên phương tiện truyền thông đó chính là việc đưa vào sử dụng chương trình sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1. Năm nay Bộ GD&ĐT cho phép lưu hành 5 bộ SGK để các trường tự chọn giảng dạy. Trong đó bộ Cánh Diều là được nhiều trường sử dụng nhất.
Tuy nhiên, thời gian qua nội dung được biên soạn trong sách khiến không ít phụ huynh hoang mang vì cách tác giả khai thác các câu chuyện đưa vào sách hay sử dụng từ ngữ.
Mới đây, cộng đồng mạng lại đặt một dấu hỏi lớn cho bài Tập đọc "Hai con ngựa" phỏng theo truyện ngụ ngôn của Lép-Tôn-Xtôi. Theo đó, bài đọc nói về cuộc trò chuyện giữa hai con ngựa làm việc vất vả, trong cuộc trò chuyện, một chú ngựa nghĩ ra "kế" khi bị bắt làm việc: Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn!
Nhiều người cho rằng, điều này không phù hợp khi dạy trẻ mới vào lớp 1. Trong khi các bé cần được trau dồi kỹ năng sống cũng như các đức tính tốt trong đó siêng năng và tính tự chịu trách nhiệm là cần thiết thì bài học đưa ra cách giải quyết là trốn làm việc vốn là nhiệm vụ của bản thân.
Một phụ huynh bình luận: "Trẻ con học rất nhanh, chúng có thể bắt chước hay làm theo những điều được dạy, được nghe xung qunah mà đâu biết đúng sai, bài học lại đi theo lối tư duy thế này có thể sẽ nguy hiểm!".
Ở nội dung (1) tiếp nối của bài "Hai con ngựa (1)", khi bác nông dân đưa hàng ra chợ, bác chất đồ đạc lên lưng ngựa ô nhưng chú ngựa không nghe, hí ầm ĩ, bác nghĩ ngựa ô mệt nên chất hết đồ lên lưng ngựa tía. Dù ngựa tía vùng vằng nhưng vẫn bị bắt làm và ấm ức.
Tuy đã giải thích nghĩa cho câu chuyện đầu nhưng việc tách lẻ 2 bài học trong cùng 1 truyện khiến nội dung liên kết với nhau rời rạc, trong khi trẻ vốn không thể tự biết là ở bài học tiếp theo mới dạy chúng rằng lười biếng là điều không nên. Nguyên bản câu chuyện ngụ ngôn, tác giả cũng không cần đến quá nhiều dòng chữ để kể hết nội dung nhưng trong SGK lại được tách nhỏ.
Trong một bài Tập đọc khác có tên "Cua, cò và đàn cá (1)" , nội dung nói về chuyện một con cò đi kiếm ăn đã nói với đàn cá dưới hồ rằng nước hồ sắp cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết, đàn cá nhờ cò giúp đỡ nhưng lợi dụng điều này mà cò "chén" được hết đàn cá.
Với nội dung trên, thắc mắc được đưa ra là ý nghĩa sau bài đọc là gì, phải chăng là sự tinh vi, lươn lẹo để trục lợi cho bản thân. Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm, không nên đưa các bài học như thế vào sách giáo khoa, các bài học đều phải mang ý nghĩa nhân văn và dạy trẻ cách xử sự theo quy chuẩn vì trẻ con rất dễ bị tác động.
Một bài học khác kể về câu chuyện của quạ và chó, khi chó thấy quạ có khổ mỡ to, chó đã nghĩ kế sao cho khổ mỡ thuộc về mình. Chó dụ quạ hát và quạ há to mỏ, thế là khổ mỡ nằm kề mõm chó, chó "tợp" mỡ tha đi.
Bài học trên lại một lần nữa khiến người lớn e ngại về tính giáo dục của bộ sách. Đây cũng là bài học nói về sự lươn lẹo và không ngay thẳng, thủ đoạn trong cuộc sống. Chưa biết, khi đưa vào giảng dạy, giáo viên sẽ dạy cho con theo kiểu gì nhưng các ông bố bà mẹ đều lo lắng nếu con chỉ đọc và hiểu theo nghĩa mà bài đọc nói đến.
Chưa kể, đoạn văn này còn sử dụng từ mà không phải địa phương nào cũng hiểu như "khổ mỡ" hay "tợp".
Ngoài 2 bài học trên, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 còn xuất hiện thêm loạt bài học có từ ngữ địa phương, những từ không phổ thông gây khó hiểu.
Phương ngữ "nhá" thay thế cho "nhai, gặm"
"Chả làm", "chả nhớ" thay cho "không làm", "không nhớ"
Ảnh: Internet