Cậu thiếu niên 17 tuổi Daniel Perry đã nghĩ người mình đang trò chuyện là một cô gái xinh đẹp tới từ Illinois (Mỹ). Họ thậm chí còn gửi ảnh cho nhau xem, nhìn chung thì chẳng có vấn đề gì cả, một mối quan hệ bình thường của 2 thanh thiếu niên tìm đến nhau trên mạng.
Ngoại trừ việc cô gái đó vốn chẳng tồn tại.
Cậu thanh niên Scotland đã rơi vào bẫy của một băng đảng hoạt động từ tận Philippines. Sau khi lén ghi lại hình ảnh webcam nhạy cảm của cậu, băng đảng yêu cầu Perry hoặc trả tiền cho chúng, hoặc gia đình và bạn bè cậu sẽ được xem video đó. Bế tắc, Perry nhảy cầu, kết thúc cuộc đời mình vào tháng 7/2013.
Chưa đầy 1 năm sau, Interpol tại Philippines tổ chức đột kích và bắt giữ hàng chục nghi phạm. Rất nhiều lời tán dương được đưa ra, và dường như gia đình của Perry có được sự nhẹ nhõm phần nào. Nhưng 8 năm trôi qua, chẳng công lý nào được thực hiện cả. Gia đình Perry vẫn mỏi mòn mong chờ nó, giống như hàng ngàn người khác là nạn nhân của "tống tiền tình dục" (sextortion).
"Sextortion" là một kiểu phạm tội, khi kẻ xấu cố gắng tiếp cận nạn nhân là nam giới bằng những tấm hình gợi cảm của phụ nữ. Loại hình này chủ yếu đặt trụ sở ở Philippines, Morocco và Bờ Biển Ngà. Các chuyên gia cho biết đây là một kiểu phạm tội mới nổi trên thị trường quốc tế, hình thành nhờ sự phát triển của công nghệ, tiền ảo, các công ty chuyển tiền và khả năng công nghệ còn hạn chế của nhà chức trách các nước.
Cuối năm 2013, chính phủ các nước nhận ra rằng sextortion là vấn đề không thể giải quyết trong phạm vi biên giới của một nước. Họ quyết định lập ra một chiến dịch hợp tác quốc tế, có tên Operation Strikeback.
Theo hồ sơ Interpol công bố, nguồn gốc của chiến dịch này bắt đầu tại Singapore từ tháng 11/2013, khi các sĩ quan từ Trung tâm Tội phạm Công nghệ Interpol gặp đại diện từ Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, và Philippines. Họ tiến hành điều tra và phát hiện có ít nhất 3 băng nhóm tại Philippines đang tấn công các nạn nhân nước ngoài. Và rồi, mọi chuyện diễn biến rất nhanh chóng.
Ngày 30/4 và 1/5/2014, các cuộc đột kích được sắp xếp tại Philippines, bắt giữ 58 kẻ tình nghi và thu giữ 250 vật chứng - bao gồm cả các thiết bị điện tử. Trong số các nghi phạm có Archie Tolin, người sử dụng cái tên Gian - được cho là kẻ đã nhắm đến Perry và các nạn nhân khác người Anh.
Nhưng việc điều tra cái chết của Perry vẫn tiếp diễn. Dù lệnh truy nã Tolin đã được ban hành liên quan đến cái chết của Perry, nhưng không có bất kỳ thông tin nào được công bố. Chuyện gì đã xảy ra với chiến dịch này? Tại sao Tolin vẫn chưa bị đưa ra vành móng ngựa? Lý do được cho là vì những trở ngại trong chính bản chất của chiến dịch - nơi các quốc gia hợp tác làm việc cùng nhau.
Theo Robert T. Rodriguez, giám đốc nhóm Anti-Cybercrime của Sở Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), nhà chức trách có biết về trường hợp của Tolin. Ở thời điểm đó, chính phủ Philippines sẵn sàng đưa Tolin ra tòa vì liên quan đến vụ tự sát của Perry. Tuy nhiên sau đó, phía Anh Quốc đòi hỏi phải truy tố Tolin ở Scotland, và không cung cấp những tài liệu cần thiết. Họ còn đòi hỏi phải điều tra lại các nhân chứng, và yêu cầu đó đến quá muộn. Vụ việc của Tolin đã bị tòa án bác bỏ, và y từ đó đã lặn mất tăm.
Tướng Bernard Yang từ PNP cũng có nhận định tương tự. Ông cho rằng việc điều tra diễn ra rất nhanh, hợp tác rất tốt, đầy đủ thông tin, nhưng quá trình tố tụng lại rất chậm, khiến kẻ phạm tội bỏ trốn nhờ chế độ bảo lãnh tại ngoại.
Richard (tên nạn nhân đã được thay đổi), sinh viên 20 tuổi đến từ Anh Quốc. Cậu sinh viên trẻ tuổi chẳng ngờ rằng một câu chuyện phiếm với người lạ trên mạng lại trở thành một bi kịch.
Tháng 2/2021, thời điểm Anh Quốc bước vào đợt phong tỏa lần 2, người dân phải phải ở trong nhà, hạn chế giao tiếp xã hội trong khi quán bar và nhà hàng đóng cửa. Richard cũng như mọi sinh viên khác phải trở về quê nhà, học các lớp trực tuyến.
Richard làm quen với một cô gái trẻ "có vẻ là từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc" theo lời anh nói, dựa trên 2 tấm ảnh đăng trên Instagram. Sau khi trò chuyện, cậu đồng ý gọi video call để trò chuyện một cách thân mật hơn, trên nền tảng Google Hangouts.
"Tôi đã không biết đó chỉ là một video giả, về cảnh phụ nữ đang lột đồ. Mà trông có vẻ hơi lỗi, hình ảnh cứ liên tục nhảy, rồi màn hình đột nhiên tối đen" - Richard hồi tưởng.
Đoạn video ngừng lại, cũng là lúc tai họa xảy ra. "Đột nhiên, có một video ghi lại cảnh tôi đang thủ dâm hiện lên trên điện thoại. Hoảng loạn thực sự".
Lúc này, Richard hiểu rằng cậu đã bị lừa. Kẻ nào đó đã gọi điện, bảo rằng sẽ gửi video này đến cho bạn bè và người thân của cậu nếu không trả cho hắn 400 bảng (khoảng 13 triệu đồng) tới một tài khoản tại Philippines.
Richard đồng ý vì nghĩ chẳng còn sự lựa chọn nào. Nhưng ngay cả khi đã trả tiền, mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Kẻ đó tiếp tục yêu cầu cậu gửi cho hắn 200 bảng nữa mỗi tháng, trong vòng 1 năm tiếp theo.
"Phải mất 2 ngày sau tôi mới quyết định kể lại cho mẹ. Tôi thấy rất xấu hổ, vì mình đã ngây thơ và rơi vào cạm bẫy" - Richard cho biết. "Nhưng đó là cách chúng ra tay. Chúng sẽ khiến bạn thấy nhục nhã và tội lỗi, để buộc bạn phải trả tiền".
May mắn, mẹ của Richard đã phản ứng đầy cảm thông. "Mẹ giúp tôi lấy lại tự tin để báo cảnh sát" - cậu chia sẻ. Chỉ là, cảnh sát cho biết họ không thể làm được gì vì băng nhóm phạm tội hoạt động ở Philippines.
Sau khi tạm khóa Instagram, Richard cũng bỏ học suốt một tuần sau đó vì sự việc xảy ra khiến tâm lý cậu bị thương tổn nặng. "Tôi không thể tập trung được nữa, luôn phải nghĩ về nó. Khi chuyện xảy ra, bạn sẽ cảm thấy bị cô lập. Bạn không biết có ai từng trải qua chuyện này chưa, cũng không biết phải tin ai để nhờ giúp đỡ".
Richard tìm được một nhóm trên mạng xã hội, trong đó có các nạn nhân chia sẻ câu chuyện bị sextortion. Cậu cũng cảm thấy thật may mắn khi bạn bè và gia đình tỏ ra thông cảm với tai nạn đã xảy ra. Dẫu vậy, dư chấn của sự việc khiến cậu cảm thấy lo sợ, với bất kỳ mối quan hệ nào bắt nguồn từ Internet.
"Điều tôi nhận ra là không nên làm bất kỳ điều gì quá '18 ' trên mạng, vì bạn sẽ chẳng bao giờ biết ý định thực sự của người ta" - Richard nói thêm.
Waghmare - nhân viên ngân hàng 25 tuổi tại Ấn Độ cũng trải qua bài học tương tự như vậy. Sau khi trò chuyện cùng một tài khoản có tên Seema Saini trên ứng dụng hẹn hò, câu chuyện dần trở nên dung tục hơn. "Chúng tôi gọi video, và rồi tôi bắt đầu cởi đồ trong vòng 3 phút". Chẳng bao lâu sau, Waghmare nhận được đoạn video ghi lại cảnh tượng đó, kèm theo tin nhắn phải trả 1500 rupee (khoảng hơn 440 ngàn đồng) nếu không muốn nó được đăng lên mạng xã hội.
"Tôi đã rất sợ. Tôi cầu xin hắn 2 lần, làm ơn đừng đăng nó lên. Nhưng tên đó rất kiên quyết" - Waghmare nhớ lại. Sau đó, anh nhận được một cuộc gọi từ một người được cho là cảnh sát, nhưng rồi lại dẫn đến việc bị yêu cầu phải trả nhiều tiền hơn nữa.
Ritesh Bhatia - nhà điều tra tội phạm công nghệ tại Mumbai cho biết có hàng trăm nạn nhân giống như Waghmare, bị một băng đảng tại thành phố Bharatpur phía tây Ấn Độ nhắm đến.
"Đàn ông dễ dàng trở thành con mồi. Thường thì phụ nữ ít khi chấp nhận kết bạn trên các trang mạng xã hội".
Tại Anh, Cơ quan Tội phạm Quốc gia ghi nhận 2604 trường hợp bị tống tiền vào năm 2020, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là bước tăng lớn nhất trong vòng 5 năm qua.
"Đáng buồn là những tổ chức này làm việc rất nghiêm túc. Chúng nhắm vào cảm xúc của nạn nhân. Dù đàn ông hay phụ nữ đều có thể trở thành con mồi, nhưng số liệu cho thấy đa số là nam giới khoảng 19 - 35 tuổi" - người phát ngôn của cơ quan cho biết.
Đa số các băng đảng thực hiện sextortion có nguồn gốc từ nước ngoài. "Nghĩa là rủi ro thấp, lợi nhuận cao, kiếm tiền quá dễ. Nhưng với các nạn nhân, ảnh hưởng sẽ kéo dài rất lâu. Chúng tôi biết ít nhất 4 trường hợp tại Anh, khi các nạn nhân không tìm ra giải pháp gì ngoài việc tự sát".
Wayne May có một diễn đàn dành cho các nạn nhân bị lừa đảo, được lập ra từ năm 2012. Suốt 12 tháng kể từ tháng 2/2020, May nhận thấy số vụ sextortion gia tăng tới 13%, lên tổng cộng 1790 vụ. Mỗi ngày, diễn đàn nhận được 6 tin nhắn liên quan đến câu chuyện này.
"Đa phần các nạn nhân của sextortion là nam giới từ 20 - 40 tuổi, nhưng cũng có những nạn nhân chỉ là thiếu niên, và trên 60 tuổi cũng có. Họ đến từ mọi nơi trên thế giới".
May cho biết các nạn nhân bị tiếp cận từ mạng xã hội - chủ yếu là Facebook - và các website hẹn hò. Họ bị lừa bởi các video giả, kèm theo những phần mềm tạo cảm giác cuộc trò chuyện là thật. Theo các chuyên gia, một số video còn là video quay lén, được bán trên các diễn đàn của thế giới ngầm.
Rodriguez - giám đốc nhóm chống tội phạm công nghệ của PNP thừa nhận rằng sextortion đang là vấn đề gây ra quá nhiều thách thức. Họ không có đủ trang bị và ngân quỹ, nhưng quan trọng hơn là tội phạm công nghệ đang tiến hóa quá nhanh.
Ông cho biết dù các vụ sextortion với người Philippines đang tăng, nhưng các vụ nạn nhân là người nước ngoài thì rất khó giải quyết, do thiếu đơn tố cáo và bằng chứng. Hơn nữa, các nền tảng mạng xã hội không cung cấp đủ sự hỗ trợ cần thiết để điều tra.
"Một vấn đề nghiêm trọng là sự chậm trễ của các nền tảng mạng xã hội" - ông nhận định, đồng thời cho biết đa phần các vụ án có liên quan đến Facebook.
Tháng 2/2020, John - thanh niên 20 tuổi tại Ireland được một tài khoản Facebook tiếp cận. John nghĩ rằng đó là một phụ nữ tới từ thành phố Dublin.
"Tài khoản của cô gái đó hoạt động từ 10 năm trước. Cô ta có ảnh trong thời gian gần đây nữa. Không thể nào nó là giả" - anh chia sẻ.
Cả hai rốt cục đã tiến hành gọi video, nhưng John không chịu lộ mặt bất chấp việc cô gái liên tục yêu cầu. Được một lúc, đoạn video bị ngưng lại, và ngay sau đó là một tin nhắn với nội dung: "Tao không phải con gái. Tao có video mày 'chat chit' với gái khỏa thân, giờ thì trả tiền cho tao".
John bị yêu cầu phải trả 1000 euro (khoảng 28 triệu đồng) cho một tài khoản tại Philippines, nếu không muốn video bị phát tán. Tên lừa đảo kia bằng cách nào đó đã tìm được thông tin bạn bè và người thân của John nữa, qua một nhóm chat trên mạng.
"Có lúc, hắn còn gọi video cho tôi chỉ để giục chuyển tiền" - John nói. "Tên đó không kịp tắt camera, và tôi thấy hắn đang ở chỗ nào đó giống như văn phòng vậy. Hắn còn có cả một chiếc ghế gaming, nên tôi nghĩ đây hẳn là một ngành nghề luôn".
John được cái đã rất tỉnh táo. Khi bị đe dọa quá nhiều, anh khóa tài khoản, và chẳng gửi đi một cắc.
"Một người bạn trong nhóm nói rằng video đó đã được đăng tải, một số người đã nhìn thấy. Nhưng có vẻ như họ đã xóa nó đi".
John may mắn đã thoát khỏi một vụ sextortion, nhưng thứ khiến anh khó chịu là cách Facebook xử lý vụ việc. Chính sách của Facebook theo John thì trông có vẻ rất hỗ trợ cho các hành vi như vậy.
"Ví dụ, những tên đó có thể kết bạn với bạn bè của tôi mà tôi không hề hay biết. Nó không nên xảy ra. Và đến giờ họ vẫn không thể khóa tài khoản tên này dùng trên Facebook, dù có tới hàng trăm người báo cáo vi phạm". Suốt 1 tháng sau đó, John cho biết tài khoản này vẫn đang hoạt động.
Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn của Facebook cho biết việc chia sẻ các hình ảnh và video nhạy cảm là không được phép trên 2 nền tảng mạng xã hội của họ. "Đa số các trường hợp chúng tôi sẽ hủy tài khoản đó. Những người đã vi phạm cũng sẽ không được phép lập tài khoản mới".
Nhưng trên thực tế, quy định này bị lách qua khá dễ dàng. Những kẻ lừa đảo rất nhanh chóng có thể lập một tài khoản mới mà chẳng gặp chút khó khăn gì.
Một trong những khó khăn nữa của các nhà chức trách có liên quan đến sự xuất hiện của "Deepfake" - công nghệ sử dụng AI khiến các video khiêu dâm giả mạo trở nên chân thật hơn. Honza Červenka từ công ty luật McAllister Olivarius cho biết, deepfake đang trở thành một vấn nạn thực sự, khiến các nạn nhân dễ dàng bị lôi kéo hơn rất nhiều.
Tại Hàn Quốc, đã có một bản kiến nghị được vận động vào tháng 1/2021, đòi hỏi phải có hình phạt nặng hơn với các website khiêu dâm đăng tải video deepfake về người nổi tiếng, và cho cả những người tải chúng xuống nữa.
"Trừ phi giải quyết được nguồn cung và vật liệu để tội phạm sử dụng, sẽ còn nhiều nạn nhân khác nữa. Deepfake đang là vấn đề nghiêm trọng. Nó có thể là tương lai của tội phạm tình dục công nghệ".