1. Nhắc đến cụm từ "người hùng", nhiều người sẽ có những cách hình dung khác nhau. Trong phim ảnh, người hùng được tô vẽ với hình ảnh áo choàng đỏ kiêu hãnh của Siêu nhân hay tấm màn nhung thoắt ẩn thoắt hiện của Người dơi.
Trong cách mạng, người hùng có sức thuyết phục và có thể "hô biến" để trăm nghìn con người nhất tề đi theo. Trong bóng đá, người hùng ghi bàn thắng quyết định hoặc có những pha bóng trực tiếp mang về chiến thắng cho đội nhà.
Hình tượng người hùng muôn màu như chính cuộc sống, nhưng tựu chung lại, luôn có những "chuẩn" để quyết định xem ai được gọi là người hùng. Đó là những nhân vật chính diện biết vượt qua những khoảnh khắc cân não để chiến đấu vì lý tưởng.
Nếu chiếu theo quy chuẩn ấy, Sergio Ramos có xứng đáng được tôn vinh là người hùng ở đêm trường Kiev trong chiến tích vô địch Champions League lần thứ ba liên tiếp của Real Madrid?
2. Ramos sẽ không bao giờ là người hùng của bóng đá. Lịch sử túc cầu đã chỉ ra những cái tên "không thể ghét" như Andres Iniesta, Ronaldinho, Paolo Maldini, Ronaldo béo hay Ricardo Kaka - những người khiến ngay cả cổ động viên đối thủ cũng phải bật dậy để vỗ tay tán thưởng.
Ngày Iniesta chia tay Barcelona, các cầu thủ Real Sociedad xếp thành hai hàng để tạm biệt tiền vệ huyền thoại người Tây Ban Nha. Đó là những cầu thủ theo chuẩn người hùng, khiến người đời say mê và ngưỡng vọng.
Vài năm nữa, khi Ramos nói lời chia tay Real, trung vệ này có nhận được sự tôn vinh từ đối thủ như Iniesta, hay Ronaldinho, Ronaldo đã từng? Ramos có bao giờ khiến khán giả đội bạn phải bật dậy để vỗ tay ủng hộ hay không?
Có lẽ là không. Ramos chưa bị cổ động viên tràn xuống sân đánh vẫn còn... may chán.
Chỉ sau một đêm, Ramos lại trở thành hình tượng phản diện của bóng đá. Một cái kéo tay sẽ còn khiến người dân Ai Cập và cổ động viên Liverpool phải đau đớn dài dài, buộc Mohamed Salah phải rời sân với hai hàng nước mắt.
Một cái cùi trỏ thô bạo khiến Loris Karius ngã xuống đau đớn và suy giảm thị lực. Sadio Mane bực bội, muốn trả đũa Ramos, nhưng tiền đạo này lại rơi vào bẫy và phải nhận thẻ vàng.
5 năm, Real vô địch 4 Champions League. 2 trận chung kết đầu tiên, Ramos là người hùng với những bàn thắng vào lưới Atletico Madrid. Trận đấu năm ngoái, Ramos "tiễn" Juan Cuadrado rời sân sau tình huống đóng kịch khiến đối thủ lãnh thẻ đỏ. Hôm nay, Ramos khiến Salah phải đi tắm sớm và Karius phải choáng váng.
Nếu Cristiano Ronaldo có thể ghi 600 bàn thắng cho Real, Ramos cũng đủ sức... sưu tập 100 tấm thẻ đỏ cùng hàng nghìn pha bóng thô bạo, tiểu xảo và rất nguy hiểm trong cả sự nghiệp đầy rẫy những chỉ trích và tranh cãi của mình ở Santiago Bernabeu.
Chỉ có điều, trong trái tim người Madrid, Ramos đích thực là người hùng không thể chối cãi. Ronaldo thắp sáng cầu trường Santiago Bernabeu bằng những bàn thắng.
Luka Modric, Isco hay Toni Kroos khiến khán giả siêu lòng với những pha xử lý đậm chất nghệ sĩ. Marcelo đưa vị trí hậu vệ cánh lên tầm nghệ thuật. Còn Ramos, anh xoạc bóng, vật ngã, vào bóng bằng cả hai chân và chỉ rình rập để... tung cùi trỏ vào mặt đối thủ. Thứ bóng đá của Ramos đơn giản là... không cho người khác đá bóng.
Nhưng đó là việc một trung vệ như Ramos phải làm: Ngăn cản đối thủ tiếp cận khung thành đội nhà bằng mọi giá. Cũng như Ronaldo không cần phải đi bóng, sút xa hay lập siêu phẩm để tìm thấy mành lưới đối thủ, Ramos cũng không có những pha tắc bóng tinh tế bằng gót giầy như Maldini hay Nesta để truy cản tiền đạo.
Trung vệ sinh ra ở Andalucia không cần biết thế nào là nghệ thuật phòng ngự. Với Ramos, phòng ngự đỉnh cao là không để đối phương ghi bàn. Trên phương diện này, còn trung vệ nào giỏi hơn Ramos ở thời điểm này được nữa?
3. Ramos và Real tuy hai mà một. Tinh thần chiến thắng và khát vọng chinh phục tàn nhẫn của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha rất phù hợp với phong cách chơi bóng của Ramos. Và chính Ramos, cứ như thể được sinh ra để dành cho Real.
Muốn trụ vững ở Real, cầu thủ phải quen với sự cô đơn và bạc bẽo. Một cầu thủ hôm nay là người hùng, ngày mai sẽ bị la ó không thương tiếc nếu không còn giữ được phong độ đỉnh cao.
Thực tế ấy được cây bút Sid Lowe mô tả kỹ lưỡng trong một bài viết trên ESPN năm ngoái, khi Ronaldo bị cổ động viên chỉ trích, phản đối vì "lỡ" không ghi bàn vài trận liên tiếp. Mà Ronaldo là chân sút đương đại xuất sắc nhất của Real chứ chẳng phải ai khác.
Với Real, chỉ có chiến thắng mới là chân lý, còn mọi kẻ thất bại không xứng đáng được dung tha. Real vô cùng tàn nhẫn và chỉ chấp nhận "công lý chiến thắng". Sự lãnh đạm tàn độc ấy là bản lề trong thành công của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha 5 mùa giải gần nhất với 4 chức vô địch Champions League - điều cứ ngỡ chỉ xảy ra ở thời đại hồng hoang của bóng đá.
Ở Santiago Bernabeu, người ta sẽ không chơi thứ bóng đá chân phương và hồn nhiên như Liverpool. Jurgen Klopp từng chỉ trích Salah vì ăn vạ trước Chelsea.
Với Klopp, Liverpool phải tập trung vào chuyên môn và thắng theo cách sạch sẽ, trung thực nhất. Liverpool đã vào chung kết theo cách đó, và sẽ không thể vô địch theo cách đó. Bởi muốn vô địch, họ phải có Ramos và chơi với tinh thần Ramos.
Chiến thắng là kim chỉ nam, còn thắng bằng cách nào, tàn nhẫn đến bao nhiêu, không quan trọng. Bóng đá chỉ ghi danh người chiến thắng.
Đã đến lúc nhìn nhận công bằng, rằng thủ đoạn hay tiểu xảo là một phần của bóng đá. Diego Maradona được cả dân tộc Argentina tôn thờ với bàn thắng được thực hiện bằng... tay vào lưới Anh, mà dư luận đặt cho cái tên mỹ miều là "bàn tay của Chúa".
Người Argentina yêu Maradona bởi thứ bóng đá rất đời, rất người. Bóng đá của Ramos, hay chính Maradona, là tấm gương chân thực của cuộc sống.
Thế giới ấy không bao giờ có chỗ cho những kẻ mộng mơ.
Cú khóa tay đầy tranh cãi của Ramos có khiến truyền nhân của bóng đá đẹp như ông thầy Zinedine Zidane phải buồn lòng không? Chắc chắn là không. Zidane cũng từng có cú khóa tay tương tự với Fabio Cannavaro trong trận chung kết World Cup 2006, từng húc đầu trong một giây mất kiểm soát trước pha khiêu khích của Marco Materazzi.
Nhưng Zidane vẫn là huyền thoại. Những vết xước ấy chỉ khiến huyền thoại thêm gần gũi hơn. Bởi vốn dĩ, cuộc đời đâu thể tự tô hồng chính nó như những tráng phim dã sử oai hùng?
Real sẽ nhớ tới Ramos như một người hùng, hay đại gian hùng. Trung vệ người Tây Ban Nha là sản phẩm của lịch sử, xuất hiện trong thời buổi loạn lạc của Real và mang trong mình dòng máu vương giả, nhưng cũng rất đỗi trần tục của hoàng gia.
Real không cần người hùng chân thiện được cả thế giới yêu mến. Họ chỉ cần một cận vệ trung thành và biết đánh đổi mồ hôi, máu, nước mắt và cả danh dự để đánh đổi chiến thắng sau cùng.
Người cận vệ ấy mang áo số 4, và sở hữu vẻ đẹp khinh bạc đẹp tựa chiến thần.