Sergey Gorshkov - Kiến trúc sư trưởng của Hải quân Liên Xô

Hoàng Phạm |

Nhờ Sergey Gorshkov, Hải quân Liên Xô, từng là một lực lượng tương đối khiêm tốn, trở thành một trong số các lực lượng trên biển hàng đầu thế giới.

“Đô đốc Sergey Gorshkov đã hiện đại hóa Hải quân Liên Xô bằng việc phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển lạc hậu thành một lực lượng hải quân trên biển lớn, có khả năng thách thức Hải quân Mỹ”, nhà phân tích quân sự James Homes viết.

Trước thời Gorshkov, người ta tin rằng vị thế trên biển của Mỹ là “không thể đánh chìm”.

Vươn ra các đại dương của thế giới

Năm 1956, khi Sergey Gorshkov đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Hải quân Liên Xô, lực lượng này vẫn đang “bị khóa” trong các vùng biển gần bờ. Hơn 80% tàu thuyền được chỉ định cho các nhiệm vụ ven biển.

Vị Tư lệnh mới ngay lập tức đặt ra cho mình nhiệm vụ phải đưa Hải quân Liên Xô vươn ra các đại dương của thế giới. Gorshkov không đồng tình với quan điểm truyền thống vốn thịnh hành trong nước rằng Liên Xô là một cường quốc trên đất liền, và Hải quân chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Ông đã ra sức thuyết phục các nhà lãnh đạo Liên Xô cần quan tâm nhiều hơn đến lực lượng Hải quân. Ông đã xây dựng mối quan hệ tốt với Leonid Brezhnev (Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ), người mà ông quen biết từ Thế chiến 2.

Chính Brezhnev là người đã trao cho ông quyền tự do hành động trong các vấn đề liên quan tới an ninh hàng hải của đất nước và cuối cùng đó là một quyết định sáng suốt.

“Đất nước và chính phủ, những người hiểu được tầm quan trọng của Hải quân, đã nhận được lợi ích và lợi thế lớn. Các lực lượng hải quân sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn khi thế giới bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên khám phá các nguồn lực đại dương”, vị Đô đốc nói.

Kiến trúc sư trưởng của Hải quân Liên Xô

Gorshkov quan tâm tới mọi chi tiết liên quan đến việc phát triển các lực lượng hải quân của Liên Xô. Dưới sự giám sát của ông, việc nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, những con tàu mới, máy bay hải quân và hàng loạt vũ khí hải quân được thiết kế.

Hệ thống đào tạo hải quân ở Liên Xô nhận được sự ủng hộ lớn, mức độ đào tạo cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân được cải thiện đáng kể.

Vị Đô đốc cũng không ngồi yên trong các văn phòng tiện nghi. Ông liên tục thị sát các cơ quan thiết kế, các xưởng đóng tàu, các căn cứ hải quân. Cá nhân Gorshkov cũng thường tham gia vào các cuộc thử nghiệm tàu ngầm cho dù nó có thể nguy hiểm tới sự an toàn của ông.

Các loại vũ khí hiện đại, từ tuần dương hạm tên lửa dẫn đường cho tới tiêm kích-ném bom, được phát triển và đưa vào phục vụ nhằm đối phó với các loại vũ khí hiệu quả nhất của Mỹ - nhóm tác chiến tàu sân bay.

Để tận dụng những chiếc tiêm kích-ném bom của Liên Xô, việc xây dựng tuần dương hạm hạng nặng có khả năng triển khai máy bay - một loại tàu chiến hoàn toàn mới cho hải quân Liên Xô, được bắt đầu cuối những năm 1960.

Tàu ngầm hạt nhân bắt đầu trở thành công cụ chủ chốt để răn đe lực lượng hải quân của kẻ thù. Hàng chục tàu ngầm Liên xô bí mật tiếp cận bờ biển Mỹ, cũng như “săn tìm” tàu ngầm tiềm tàng của kẻ thù trên khắp các vùng biển.

Sergey Gorshkov - Kiến trúc sư trưởng của Hải quân Liên Xô - Ảnh 1.

Đô đốc Sergey Gorshkov (giữa). Ảnh: Sputnik

Công lao đặc biệt của Gorshkov là hồi sinh lực lượng lính thủy đánh bộ năm 1963, lực lượng đã giải tán 7 năm trước đó. Tất cả các Hạm đội (Baltic, Biển Đen, Thái Bình Dương, Phương Bắc) đều được phân phối đầy đủ số lượng tàu tấn công và tàu đổ bộ.

Một ví dụ sống động về những thành tựu của vị Đô đốc này là cuộc tập trận “Đại dương-70”. Các lực lượng từ 4 Hạm đội của Liên Xô cùng tham gia vào cuộc tập trận này, một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Hàng trăm chiến hạm, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân, 2.500 lính thủy đánh bộ, hơn 400 xe tăng, xe chở quân thiết giáp và vũ khí pháo binh tham gia vào các chiến dịch đổ bộ trong khuôn khổ cuộc tập trận này.

Đối thủ đáng gờm của Hải quân Mỹ

Trong “kỷ nguyên Gorshkov”, hạm đội tên lửa hạt nhân của Liên Xô trở thành “vị khách” thường xuyên trên tất cả các đại dương của thế giới. Đến năm 1985, với hơn 1.500 con tàu, lực lượng này xếp thứ 2 trên thế giới về các các chỉ số sức mạnh và khả năng chiến đấu, chỉ sau Hải quân Mỹ.

Như Phó Đô đốc Ashot Sarkisov từng nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử, tiềm năng chiến đấu của Hải quân [Liên Xô] đã đạt được tới mức độ có thể chống lại các lực lượng hải quân phối hợp của khối Bắc Đại Tây Dương trên các đại dương của thế giới”.

Sergey Gorshkov - Kiến trúc sư trưởng của Hải quân Liên Xô - Ảnh 2.

Tên lửa trển khai trên tàu của Hạm đội phương Bắc trong cuộc tập trận Đại dương-70. Ảnh: Sputnik

“Ông ấy không chỉ triển khai các nhóm tàu tới các khu vực cụ thể của các đại dương trên thế giới, mà ông còn xây dựng một chiến lược. Dưới sự lãnh đạo của ông, hải quân trở thành công cụ chủ chốt và tổng lực để bảo vệ các lợi ích quốc gia”, Konstantin Strelbitsky, Chủ tịch Câu lạc Bộ lịch sử Hải quân Moscow nói.

Dưới thời Sergey Gorshkov, Hải quân Liên Xô có thể sử dụng một loạt căn cứ trên thế giới, từ Syria, Yemen tới Cuba và Việt Nam. Điều này cho phép Hải quân Liên Xô có thể bao quát toàn bộ các đại dương giống như một mạng nhện, không bỏ sót một “điểm mù” nào.

Sự mở rộng này khiến lực lượng hải quân hàng đầu thế giới không thể thờ ơ, và ở Mỹ luôn có sự quan tâm lớn tới nhân vật Đô đốc Gorshkov. Gorshkov thậm chí còn là nhân vật duy nhất của Hải quân Liên Xô xuất hiện trên trang bìa của Time Magazine vào tháng 2/1968.

Sergey Gorshkov đã để lại hơn 200 văn bản nghiên cứu, bản viết tay về các học thuyết cũng như thực tiễn hải quân. Một trong những công trình nổi tiếng nhất của ông là “Sức mạnh trên biển của Nhà nước”. Công trình kinh điển về địa chính trị thế giới này không chỉ phát hành nhiều bản ở Liên Xô, mà còn được dịch sang nhiều thứ tiếng, xuất bản ở hơn 30 nước./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại