Người có tố chất thế nào sẽ thành công trong nghề sale?
Gần đây, một công ty kinh doanh hàng tiêu dùng của Trung Quốc mở đợt tuyển dụng nhân sự cho vị trí bán hàng. Tại vòng 3, các ứng viên phải thực hiện một buổi phỏng vấn cùng lãnh đạo công ty. Trong buổi phỏng vấn, một sếp nữ đã đưa ra câu hỏi tình huống cho các ứng viên:
“Bụng chị đau quá, em có thể rót cho chị ly nước ấm được không?”.
Tại đó, 3 ứng viên sau khi suy nghĩ đã đưa ra những câu trả lời khác nhau:
Ứng viên đầu tiên là một anh trai đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc. Anh ta trả lời như sau:
“Tôi rất hiểu cảm giác đau bụng khi đến kỳ vì bạn gái tôi cũng vô cùng khổ sở mỗi lần như vậy. Có lẽ hiện tại chị cần giữ ấm hơn là uống nước nóng, hay là để tôi gửi chị vài miếng cao dán giữ nhiệt nhé”.
Câu trả lời tiếp theo đến từ một chàng trai trẻ đang yêu, cậu bối rối trả lời:
“Thật ngại quá, em có người yêu rồi, mang nước ấm cho người khác giới sẽ dễ gây hiểu lầm. Hay là để em nhờ một đồng nghiệp nữ tới giúp chị nhé, như vậy sẽ dễ hơn cho cả hai chúng ta”.
Ứng viên thứ ba là một cậu bạn mới đi làm chưa lâu, cậu suy nghĩ giây lát rồi từ tốn trả lời:
“Em thấy vẫn nên theo dõi thêm xem tình hình ra sao. Nếu như chỉ đau nhẹ, em sẽ pha cho chị một tách trà gừng nóng. Còn nếu bụng đau nhiều sẽ ảnh hưởng tới công việc, em nghĩ chị nên đi khám chứ đừng cố chịu, em sẽ giúp chị xin nghỉ phép và đưa chị tới gặp bác sĩ. Tùy vào tình hình khác nhau chúng ta sẽ có những cách khác nhau để giải quyết”.
Vị sếp nữ nhận thấy cậu bạn này không những suy nghĩ thấu đáo mà còn đưa ra được những phương án khác nhau cho từng trường hợp. Đây đúng là người tinh tế, chu đáo và biết quan tâm đến người khác. Hơn nữa, vị trí bán hàng rất cần những nhân tài như vậy. Vừa có thể thấu hiểu tâm lý khách hàng, đáp ứng nhu cầu của nhiều loại khách hàng khác nhau, vừa có thể đưa ra phương án hợp lý nhất cho từng trường hợp. Vì vậy, cậu bạn cuối cùng phù hợp với vị trí này hơn cả.
Tại sao nhà tuyển dụng lại đưa ra những câu hỏi lạ để "thử" ứng viên
Một số người đặt ra câu hỏi: “Tại sao các nhà tuyển dụng lại đưa ra những câu hỏi có vẻ chẳng mấy liên quan đến công việc? Dụng ý đằng sau chúng là gì?”.
Thực tế, khi nhà tuyển dụng đưa ra các câu hỏi mang tính đời thường, đa phần họ không có ý muốn “làm màu”, mà là muốn xem phản ứng của ứng viên ngay khi được hỏi, từ đó có thể kiểm tra được EQ cũng như khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên.
Chính vì vậy, khi nhà tuyển dụng đưa ra bất cứ câu hỏi gì, chúng ta không nên coi đó chỉ là một trắc nghiệm nhỏ mà hãy tìm hiểu xem dụng ý phía sau câu hỏi đó là gì, từ đó đưa ra câu trả lời hợp lý nhất.
Quay trở lại câu chuyện nhờ rót nước ấm của vị sếp nữ nói trên, chúng ta có thể thấy 2 điểm mấu chốt ở đây:
Thứ nhất, sếp nữ bị đau bụng, liệu ứng viên có thể nghĩ tới chuyện “đến kỳ” của phụ nữ hay không? Thứ hai, mang nước ấm tới liệu có thể giải quyết vấn đề không? Ngoài ra, liệu sếp còn cần gì nữa không? Các ứng viên còn có thể làm gì khác để giải quyết tình huống không?
Có thể thấy, câu hỏi tình huống này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được kiến thức thực tế cũng như khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề của ứng viên. Một ứng viên vừa có kiến thức thực tế về đời sống lại vừa có khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện sẽ được đánh giá cao.
Sau này, khi đối mặt trực tiếp với các khách hàng, sự tinh tế, chu đáo là điểm cộng lớn đối với những nhân viên bán hàng. Ngoài ra, khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện sẽ giúp họ nắm bắt được tâm lý của khách hàng, từ đó có hướng tiếp cận khách hàng chuẩn xác nhất.
Trong trường hợp kể trên, chúng ta thấy ứng viên thứ nhất đã phán đoán theo ý mình rồi đưa ra phương án thay thế. Mặc dù điều này thể hiện sự quan tâm đến người khác nhưng một phần nó cũng cho thấy anh đang không quan tâm đến mong muốn của người khác, không thể nắm bắt chính xác tâm lý của khách hàng. Như vậy, anh cũng khó có thể bán hàng thành công.
Còn ứng viên thứ hai lại quá quan tâm đến vấn đề giới hạn giữa nam và nữ, điều này đôi khi sẽ khiến các khách hàng nữ cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc với anh. Do đó, anh ta có thể sẽ để tuột mất nhóm khách hàng này.
Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nhận ra sự hạn chế của hai ứng viên đầu tiên từ câu trả lời của họ. Do vậy, họ bị loại cũng là điều dễ hiểu.
Cho dù là trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng hay trong công việc thực tế, chúng ta đều phải hiểu rõ nhu cầu thực sự của đối phương, xem xét vấn đề một cách toàn diện. Trên cơ sở đó, tăng thêm tính khả thi, giúp đối phương đạt được mục đích của mình.