Có những tình huống tưởng như rất đỗi thông thường trong đời sống công sở song nó lại phần nào thể hiện khả năng xử lý tình huống cũng như EQ (trí tuệ cảm xúc) của bạn. Tình huống sau đây được nhắc tới trong một bài viết trên trang Aboluowang là một ví dụ. Cụ thể, tình huống được đề cập tới là: "Khi sếp ngỏ lời mời bạn đi chung xe, hoặc bạn có việc muốn nhờ sếp đi chung xe, bạn nên ngồi ghế trước hay ghế sau?".
Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết trả lời như thế nào cho hợp lý. Trên thực tế, có 2 trường hợp của tình huống này, tùy vào từng tình huống mà chúng ta sẽ có câu trả lời cho các xử lý riêng biệt.
Tình huống đầu tiên đó là sếp là người lái xe. Lúc này, nhân viên không nên lựa chọn ngồi ghế sau. Bởi theo cách sắp xếp thông thường, khi xe chỉ có 2 người, thì người lái xe sẽ là người có địa vị thấp hơn. Ví dụ như xe của các lãnh đạo, người lái xe thường là tài xế riêng còn lãnh đạo sẽ ngồi ở hàng ghế sau. Hoặc khi đi taxi, khách hàng - là người trả tiền cũng sẽ thường ngồi sau.
Bởi vậy, trong tình huống này, tốt hơn hết bạn hãy ngồi ở hàng ghế trước cùng sếp. Việc ngồi ở hàng ghế sau có thể dẫn tới sự hiểu nhầm không đáng có. Việc ngồi ghế cạnh sếp cũng giúp tạo cơ hội để 2 người dễ dàng trao đổi thêm về công việc trong suốt quãng đường di chuyển.
Còn tình huống thứ 2 là sếp không phải người lái xe, người lái xe là một người hoàn toàn khác. Sếp sẽ ngồi ở hàng ghế sau. Trong tình huống này, nhân viên có thể tùy chọn vị trí, có thể ngồi ở ghế trước cạnh ghế lái, hoặc ngồi cùng ở băng ghế sau, tuy nhiên cần duy trì khoảng cách phù hợp với lãnh đạo của mình.
Những điều tốt nhất nên hạn chế ở nơi công sở
Bên cạnh vấn đề đi chung xe với sếp, cũng có nhiều điều khác được đưa ra bởi trang Aboluowang, khuyên rằng tốt nhất nên hạn chế ở nơi công sở.
1. Làm việc quá nhanh
Trong môi trường làm việc, nhiều người nghĩ rằng cứ làm việc càng nhanh thì sẽ càng tốt, bởi có thể tiết kiệm được thời gian cho những công việc khác. Tuy nhiên, việc làm việc quá nhanh cần đi kèm với chất lượng công việc đạt hiệu quả. Nhiều người có tốc độ làm việc nhanh, nhưng kết quả công việc lại gặp phải nhiều lỗi do không dành thời gian để kiểm tra lại.
Việc sửa lại các lỗi này đôi khi còn mất thời gian hơn rất nhiều. Bởi vậy, khi làm việc, hãy duy trì tốc độ vừa phải và tập trung cao độ đến chất lượng và các chi tiết trong công việc.
2. Hạn chế thường xuyên đi nhờ xe đồng nghiệp
Nhiều người thường đi xe chung với đồng nghiệp vì lý do tiện đường hay để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên trên thực tế việc này không nên thực hiện quá thường xuyên, đặc biệt với những đồng nghiệp khác giới, đã có gia đình. Nó có thể gây ra một số bất tiện hoặc một số hiểu lầm không đáng có, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các đồng nghiệp.
Bởi vậy, tốt hơn hết, chỉ nên đi nhờ xe đồng nghiệp trong trường hợp bất khả kháng, thật sự cẩn thiết. Ví dụ như xe bị hỏng, bị lỡ chuyến xe buýt...
3. Sau khi nghỉ việc đừng quay lại công ty cũ quá nhiều
Nhiều người do vẫn có sự thân thiết nhất định với một số nhân sự ở công ty cũ, vì vậy nghĩ việc thường xuyên qua lại công ty dù đã nghỉ việc là không vấn đề gì. Tuy nhiên trên thực tế, việc này lại vô tình ảnh hưởng đến những nhân sự khác và có phần bất tiện.
Nếu vẫn muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ với các nhân sự cũ, tốt hơn hết hãy hẹn gặp ở những địa điểm ngoài văn phòng. Có thể là nhà hàng ăn uống, quán cà phê, những địa điểm phù hợp cho việc tụ tập bạn bè.
4. Chia sẻ quá mức về cuộc sống cá nhân
Điều thứ 4 tốt nhất nên tránh, hạn chế ở nơi công sở đó là chia sẻ quá mức, quá nhiều về cuộc sống cá nhân. Điều này được Valerie Rodriguez, 1 giám đốc nhân sự có 10 năm kinh nghiệm ở New Jersey - Mỹ, nhận định. Việc trò chuyện, giao lưu với các đồng nghiệp ở công ty là không thể thiếu, tuy nhiên hãy lựa chọn thông tin để chia sẻ.
Việc chia sẻ quá mức có thể gây nhiều bất lợi cho chính người đó, đặc biệt là với những người đồng nghiệp mới quen, mới tiếp xúc. Qua những chia sẻ của bản thân, người đối diện có thể đưa ra những giả định, đánh giá, đôi khi không đúng về bạn.
5. Quá nhút nhát, rụt rè
Giám đốc nhân sự Valerie Rodriguez nói thêm, sự nhút nhát, rụt rè, không được khuyến khích tại nơi công sở. "Không nên kiêu ngạo và nghĩ rằng mình giỏi hơn mọi người. Nhưng đồng thời cũng không thể quá nhút nhát, rụt rè".
Chuyên gia giải thích, trong suốt quá trình làm việc của mình, cô nhận thấy rằng những người thành công thường có xu hướng thẳng thắn về thành tích của họ, đôi khi nói nhiều hơn về nó. Trong khi những người siêu nhút nhát, rụt rè, có xu hướng không nói nhiều về thành tích của họ hay khen ngợi bản thân thì lại ngược lại. Họ có thể dễ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và bị lép vế so với những người tự tin hơn.
Bởi vậy, tốt nhất không nên quá kiêu ngạo, tự cao, hay cũng không nên quá nhút nhát và rụt rè ở môi trường công sở. Hãy tự nhìn nhận và công nhận đúng khả năng và những thành tựu mà bản thân mình tạo ra, sẵn sàng chia sẻ chúng với các đồng nghiệp của mình với thái độ cởi mở, chân thành.
Theo Aboluowang