Hàng loạt tên tuổi các nhà tài phiệt sừng sỏ hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm cả lãnh đạo tập đoàn Samsung Lee Jae Yong, đã phải lắp bắp và lúng túng trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc hội, trong khuôn khổ cuộc điều tra scandal tham nhũng gây chấn động cả Hàn Quốc.
Hàng triệu khán giả theo dõi trong kinh ngạc, khi những tên tuổi đứng đầu tám tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc phải hứng chịu chỉ trích công khai trong phiên điều trần phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Các tập đoàn này đều có những khoản đóng góp khổng lồ cho những tổ chức bù nhìn thuộc sở hữu của Choi Soon Sil, bạn thân của tổng thống Park Geun Hye.
"Ông có biết điều gì không?" một nhà lập pháp khiển trách ông Lee sau khi nhà lãnh đạo Samsung liên tục khẳng định không biết ai trong công ty đã phê duyệt các khoản tiền chuyển cho một tổ chức ở Đức - vốn cung cấp chi phí cho việc... đào tạo cưỡi ngựa của con gái bà Choi.
"Ông có cho rằng mình đang thực hiện tốt vai trò lãnh đạo một tập đoàn quy mô toàn cầu như Samsung không nếu cứ liên tiếp nói không biết?" nhà lập pháp lớn tiếng.
Vị phó chủ tịch Samsung Electronics kiêm quyền chủ tịch toàn bộ tập đoàn Samsung tỏ ra rất căng thẳng khi phải cố gắng né các câu hỏi bằng giọng nói như thể đã luyện tập từ trước.
"Tôi có rất nhiều điểm yếu và Samsung cũng cần khắc phục nhiều vấn đề," ông Lee đáp lại câu hỏi rằng liệu ông có đồng tình với quan điểm của công chúng về việc các 'chaebol' (tên gọi những tập đoàn gia đình tồn tại từ thập niên 1960 đến nay, và chi phối phần lớn kinh tế Hàn Quốc - ND) đã thông đồng với bà Choi có chủ đích.
Một thành viên Ủy ban ngán ngẩm đã phải kêu lên: "Đừng trả lời và lấy cớ kiểu nực cười nữa!" khi ông Lee phớt lờ loạt yêu cầu trả lời một cách nghiêm túc.
Người đứng đầu tập đoàn Samsung Lee Jae Yong (trái) bên Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin (phải) trong phiên điều trần. Ảnh: AFP
Theo AFP, Choi Soon Sil đang chờ ngày ra tòa về loạt cáo buộc lạm dụng quyền lực. Hôm 2/12, tổng thống Park Geun Hye đối mặt với việc quốc hội bỏ phiếu yêu cầu bà từ chức. Điều này gần như chắc chắn đã thành sự thật khi có tới hơn 30 thành viên đảng Saenuri cầm quyền bỏ phiếu thuận.
Samsung chính là công ty có khoản đóng góp lớn nhất, lên tới 20 tỷ won (khoảng 17 triệu USD), theo sau là Hyundai, SK, LG và Lotte. Chủ tịch các tập đoàn này cũng phải hứng chịu thẩm vấn căng thẳng tại phiên điều trần, được tổ chức lần đầu tiên trong vòng 30 năm.
Tất cả các tập đoàn trên đều chối bỏ cáo buộc chu cấp tiền nhằm hưởng lợi từ mối quan hệ với Choi Soon Sil, nhưng cũng thừa nhận rằng họ phải chịu nhiều áp lực đến từ các vòng tròn lãnh đạo chính trị cấp cao.
Huh Chang Soo, chủ tịch GS Group và Hiệp hội Công nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Các tập đoàn rất khó lòng từ chối mệnh lệnh của Nhà Xanh".
Trả lời AFP, CEO của Chaebol.com Chung Sun Sup cho hay: "Rất hiếm khi những người này bị phơi bày trước công chúng theo cách này."
"Quần chúng ghét họ vì cách họ cư xử, nhưng lại ghen tỵ với tài sản của họ. Đối với nhiều người dân, cảnh họ bị triệu tập để thẩm vấn trước chính phủ khiến họ cảm thấy mãn nguyện."