Trước đó, Trung Quốc không đưa thông tin nào về việc ông Phạm công du Djibouti.
Theo Lầu Bát Nhất, tướng Phạm Trường Long đã "đến thăm các quân nhân Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cơ sở hạ tầng ở Djibouti" và thị sát tàu chỉ huy của biên đội tàu hộ tống thứ 24 của Hải quân Trung Quốc đang cập cảng tiếp tế tại đây.
Trong chuyến công tác, Phạm Trường Long ra chỉ thị cho quân đội: "Công tác bảo đảm an ninh cho cơ sở hạ tầng phải được tăng cường điều phối, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng, nhằm cung cấp điểm tựa mạnh mẽ để các lực lượng quân sự [Trung Quốc] thực hiện nhiệm vụ ở hải ngoại."
Đây là lần đầu một lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận mục đích quân sự của căn cứ Djibouti, khác với những gì nước này tuyên bố trước đó.
Khi thông tin về việc thuê cơ sở ở Djibouti được Bộ quốc phòng Trung Quốc xác nhận hồi tháng 2 vừa qua, cả quân đội lẫn chính phủ nước này đã bác bỏ cách gọi "căn cứ quân sự", mà chỉ khẳng định đây là một "cơ sở bảo đảm hậu cần".
Djibouti là một trong những vị trí chiến lược quan trọng nhất trên thế giới, nằm trên eo biển Bab-el-Mandeb nối Hồng Hải với Ấn Độ Dương.
Cảng phía Nam nước này là "yết hầu" của Vịnh Aden, vị trí cho phép kiểm soát tuyến lưu thông từ Địa Trung Hải sang Ấn Độ Dương hay lục địa châu Phi sang bán đảo Ả Rập.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, "cơ sở Djibouti" còn kém xa cấp độ của một căn cứ quân sự, cả về quy mô và chức năng.
Hiện tại, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và nhiều nước khác đã xây dựng căn cứ quân sự tại quốc gia châu Phi này.
Căn cứ tại Djibouti là căn cứ ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc, được Bắc Kinh thuê từ chính phủ nước sở tại với giá 20 triệu USD/năm trong thời hạn 10 năm, với khả năng đồn trú 10.000 người và có bãi đáp trực thăng.
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, trước khi tới Djibouti, tướng Phạm đã thăm Iran, Lebanon... và ký kết một loạt thỏa thuận quân sự.
Các động thái này cho thấy Bắc Kinh đang gấp rút "bày binh bố trận" ở Trung Đông nhằm tạo ra hàng rào quân sự bảo vệ cho chiến lược Một vành đai, một con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đồng thời, diễn biến này cũng cho thấy Trung Quốc lợi dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ, khi Tổng thống Barack Obama sắp mãn nhiệm và Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, để tìm cách tranh giành ảnh hưởng ở vị trí trọng yếu trên bản đồ thế giới này.