Xa vòng tay Pháp, thuộc địa cũ "nghiện" vay tiền Trung Quốc

Thi Anh |

Không thể phủ nhận giá trị kinh tế nhưng điều mà Trung Quốc quan tâm chủ yếu vẫn là chính trị, nhà nghiên cứu Thierry Pairault nhận định.

Mối quan hệ đặc biệt

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân tới Senegal cho chuyến thăm nhà nước đầu tiên của mình thì đó cũng là lần thứ ba ông Tập gặp Tổng thống Macky Sall kể từ năm 2012.

Và dù Trung Quốc nhìn nhận Dakar theo cách không mấy khác biệt so với phần còn lại của châu Phi thì Sall lại có rất nhiều thứ để mất và luôn nhắc tới "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong nhiệm kỳ thứ hai và ông còn dừng chân ở Rwanda trên đường tới Nam Phi dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Dưới thời của Tổng thống Sall, Senegal đã tham gia vào "Kế hoạch vì một Senegal đang nổi" đầy tham vọng. Kế hoạch này kỳ vọng vào khả năng cải thiện hạ tầng và kinh tế tính đến năm 2035 - xoay quanh mọi thứ từ vận tải, công nghiệp, cho tới giáo dục, đô thị hóa, nông nghiệp, y tế và việc làm.

Xa vòng tay Pháp, thuộc địa cũ nghiện vay tiền Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Senegal Macky Sall. Ảnh: Reuters

Về vấn đề này, các khoản vay của Trung Quốc có tính quyết định. "Các khoản vay của Trung Quốc khá linh động và có những điều khoản thuận tiện cho chúng tôi", Thierno Ba Demba Diallo, đồng sáng lập Viện Đàm phán Ứng dụng Senegal, đồng thời là một cố vấn chính phủ Senegal cho hay.

"Đúng là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang cảnh báo cho Senegal về mức nợ mà đất nước đang gánh, nhưng chúng tôi có mức độ tăng trưởng bền vững và rất nhiều tài nguyên, trong đó có dầu mỏ".

Không phải chỉ có mình Senegal được IMF cảnh báo về khoản nợ đang gia tăng. Một số nước châu Phi khác được cho là đang nợ Trung Quốc các khoản vay để đối phó với vấn đề thâm hụt hạ tầng, vốn phổ biến khắp vùng Châu Phi Hạ Sahara. Ví dụ như Kenya, hơn 70% khoản vay song phương nước ngoài của Kenya là nợ Trung Quốc.

("Infrastructure deficit" tạm dịch: Thâm hụt hạ tầng - Kết quả của tình trạng sụt giảm trong chi tiêu chính phủ dành cho hạ tầng trong khi chi phí xây dựng gia tăng - ND).

Trung Quốc đang xây một đường cao tốc nối Dakar với Touba, thuộc khu công nghiệp ở Diamniadio, cũng như rất nhiều dự án khác.

Đây là một phần trong khoản tiền trị giá 1,6 tỉ USD mà Trung Quốc cho vay và đầu tư vào Senegal, khiến Bắc Kinh trở thành nhà đầu tư đầu tiên của nước này, và là đối tác thương mại thứ hai sau Pháp (Năm 2012, Trung Quốc chỉ đứng thứ 24).

Trung Quốc "chen chân"

Mặc dù tầm quan trọng về mặt kinh tế của Trung Quốc đối với Senegal khá cao, nhưng "với Trung Quốc, điều thực sự đáng quan tâm là chính trị", Thierry Pairault thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp nhận định.

Theo ông Pairault, châu Phi chỉ chiếm 4% trong trao đổi thương mại quốc tế của Trung Quốc trong khi sự hiện diện của Trung Quốc tạo điều kiện cho châu Phi trở nên năng động hơn và đa dạng hóa các đối tác kinh tế của châu lục này.

"Dù vậy, mối quan tâm chủ yếu vẫn là chính trị, liên quan tới sự ủng hộ của châu Phi trên nhiều diễn đàn quốc tế, và cũng là để giải quyết tình trạng thừa mứa hàng sản xuất bằng cách tạo ra nhu cầu bên ngoài".

Cần phải nhớ rằng Trung Quốc vẫn còn là một đối tác khá mới với Senegal - Dakar chỉ vừa nối lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 2005. Bước đi này đã đa dạng hóa sự phụ thuộc của Senegal ngoài "mối quan hệ đặc biệt khác" với Pháp.

Senegal từng là thuộc địa của Pháp và giờ đây Paris vẫn duy trì mức độ hiện diện chính trị và thương mại quan trọng nhất ở Senegal.

Senegal sử dụng đồng tiền Franc CFA Tây Phi, loại tiền tệ được kho bạc Pháp bảo lãnh. CFA và hệ thống của nó - được sử dụng ở 14 quốc gia, thông qua 2 ngân hàng trung ương khu vực, có tỉ giá hối đoái cố định đối với đồng euro - đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng rõ nét nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi Senegal có một chiến lược rõ ràng để có thể vay thêm tiền và chuyên môn để đầu tư cho sự phát triển của mình, thì Trung Quốc cũng đang thông qua hoạt động tiếp cận châu Phi gần đây để thu thập thêm kinh nghiệm ở những lĩnh vực không quen thuộc.

"Trung Quốc háo hức kết nối với khu vực và không phân biệt nơi mà mình muốn. Nước này có thể thử nghiệm, bổ sung thêm đầu tư và dự án vào các khoản nợ, tuy nhiên cả hai bên cần phải cẩn thận tiến về phía trước", Janet Eom thuộc Sáng kiến Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại