Năm 2011, trong khi doanh thu về số lượng sách bán ở Anh giảm 1%, thì doanh số thu về nhờ bán sách Self-help tăng đến 25%.
Cụ thể riêng trong vòng giữa năm 2006 và 2011, số tiền thu được từ loại sách này đã lên đến 60 triệu bảng. Còn ở Mĩ, thị trường xoanh quanh nó mang lại giá trị hơn 10 tỷ đô mỗi năm.
Self-help Book - còn gọi là "Sách Tự Lực", được hiểu như là loại sách có ý nghĩa hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được viết trong sách.
Đó có thể là thứ cho ta tu tâm, tu tính - dạng như sách "Học Làm Người", hoặc cuốn "Đắc Nhân Tâm" rất nổi tiếng bấy lâu nay.
Tuy nhiên, cũng cần phải biết rằng self-help có thể là một con dao hai lưỡi. Nếu không cẩn thận, bạn có thể tự "kết liễu" tương lai của mình.
Về tổng quan, self-help có rất nhiều cái lợi
Đầu tiên, khi đọc những cuốn self-help ta luôn thấy những thứ như phải lạc quan hơn, sống thật tích cực. Ví dụ, thay vì việc làm mình cảm thấy nặng nhọc hơn bằng cách luôn nghĩ chiếc quần mới mua sẽ chật, thì bạn hãy nghĩ về cách làm thế nào để cho nó vừa với chính mình (giảm cân chẳng hạn).
Nói cách khác, sách self-help dạy ta rằng các suy nghĩ tích cực sẽ thu hút mọi thứ tốt đẹp đến với ta. Đồng thời, những người lạc quan còn biết cách đối mặt với rắc rối tốt hơn người khác.
Thêm nữa, chúng cũng khiến cho bộ não của bạn tránh xa khỏi những rắc rối không cần thiết. Ở ngoài kia, nơi có quá nhiều những điều không đâu mà bạn có thể mắc phải, từ chuyện tắc đường cho đến công việc.
Nếu không cẩn thận, chỉ một sơ xuất nhỏ thôi cũng đủ làm tâm trí lạc vào nơi tràn ngập những thứ lặt vặt, vớ vẩn ấy, và rồi không tìm thấy lối thoát cho riêng mình.
Sách self-help đem lại nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống
Nhưng đó sẽ chẳng là gì, khi nắm trên tay những kinh nghiệm được đúc kết từ những cuốn self-help. Đó là những cuốn sách đem lại vô vàn cách thức và quan điểm thú vị, giúp bạn "thông não", giải thoát não bộ khỏi những điều phiền phức kia.
Trong cuộc sống ngày nay, có một điều đáng buồn là hầu hết những cuộc hội thoại đều chỉ xoay quanh các chủ đề khá "nông", như cuộc sống của các ngôi sao như thế nào, có scandal gì không...
Để giải trí cũng tốt, nhưng chúng vô tình tách bạn khỏi những thông tin tuyệt vời khác đang diễn ra xung quanh cuộc sống. Và công cụ tốt nhất để phá vỡ rào cản vô hình ấy lại chính là những điều tưởng như vụn vặt trong sách self-help, thứ mà ta có thể dễ dàng sở hữu.
Và cuối cùng, sách self-help thường đem lại những bài học khác biệt đối với từng cá nhân. Bạn có thể trở thành bất kỳ ai, bất kỳ điều gì mà bạn muốn. Bạn phải luôn là chính mình, biết cách yêu lấy bản thân... Đó là những gì self-help có thể mang lại.
Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc - Mark Twain
Kể cả những thứ hoàn hảo nhất cũng có mặt trái, và của sách self-help là…
Có một sự thật không thể chối bỏ, đó là rất nhiều cuốn self-help hiện nay chỉ toàn những lời sáo rỗng hoặc từ quan điểm cá nhân. Chúng không được cộng đồng khoa học hỗ trợ, cũng không có một nền tảng chính thống nào cả.
Một nhà tâm lý học xuất bản một quyển sách, không có nghĩa là mọi thứ trong nó là đúng và được sự ủng hộ của những nhà tâm lý học khác. Nếu ta tiếp cận những "kiến thức" không có cơ sở ấy, thì sự xuất hiện của một vài suy nghĩ lệch lạc là điều không thể tránh khỏi.
Một hệ quả không ngờ tới khác, là khi mọi người tin vào hàng tá điều kì diệu được viết ở trong các cuốn sách kia, họ sẽ rất dễ rơi vào một hiệu ứng đó là "Hiệu ứng ngược". Người đọc sẽ có một niềm tin rằng đơn giản chỉ cần làm theo những gì viết trong sách thì cuộc đời của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn giống như tác giả vậy.
Cũng vì sự tin tưởng như vậy mà bạn rất dễ trở thành một kẻ dối trá khi tự lừa gạt chính mình. Không chấp nhận sự thật về con người của mình mà lại bao biện, che giấu nó bằng những quan niệm không có cơ sở.
Và một khi những việc làm ấy thất bại, họ lại trở nên tiêu cực hơn bao giờ hết, để rồi cả tương lai chìm trong vô vọng, lạc lối.
Sách dẫn đường cho bạn, nhưng con đường ấy dẫn đến đâu?
Ngày qua ngày, những suy nghĩ kia dần khiến bạn chìm đắm, khiến chính bản thân mình trở thành con người bảo thủ, cố chấp và luôn ngụy biện mà không chịu sửa đổi nó.
Vậy làm sao để không bị nó chi phối?
Đầu tiên là chọn sách. Việc xuất bản một cuốn sách ở nước ngoài là điều dễ dàng hơn bạn tưởng. Vậy nên, cần phải hiểu về tác giả của cuốn sách đó, về sự thành công của người đó, và chắt lọc những thông tin họ có thể chia sẻ.
Tiếp theo, dù đọc được thứ gì cũng cần giữ vững cảm giác về mục tiêu. Bất cứ khi nào muốn từ bỏ, hãy nhớ lý do bạn bắt đầu. Đúng vậy, mỗi khi cảm thấy tuyệt vọng, thì hãy nhắc nhở bản thân về lý do hay mục tiêu quan trọng nhất của mình và tìm cách để tiến lên phía trước.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có mục đích sống hay động lực của riêng mình. Có người là gia đình, còn người khác thì tìm thấy nó trong tín ngưỡng, công việc hay sở thích của họ.
Bất luận chúng là gì chăng nữa, chúng đều mang cho ta mục tiêu của cuộc đời, và hãy chắc chắn rằng ta luôn giữ bản thân được sống trong nó.
Cuối cùng, muốn làm tốt phải áp dụng tốt nguyên tắc. Tình thế trở nên tốt hay xấu đều phản ánh thái độ của chúng ta khi đối mặt với chúng. Một số người trong chúng ta phải chịu những tai họa như mất việc, tuột mất mối quan hệ hằng mong ước.
Nhưng rồi, tất cả phải nhận ra rằng trong bất kì tình huống xấu nào, chỉ cần cố gắng tìm kiếm những điều tích cực và lấy đó làm điểm tựa tinh thần thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy hết mà thôi.
Nguồn: Self-help fix, Greatist, Psycentral