LTS: Sau câu chuyện về huyện Như Cao ở Tô Châu (Trung Quốc) có tới 338 người thọ trên trăm tuổi, liên quan đến chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ vi chất Selen, nhiều độc giả bày tỏ sự quan tâm.
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu kỳ 2 bài viết của TS.BS Nguyễn Khánh - Trường ĐH Alberta, Canada giải mã về loại nguyên tố hiếm rất cần cho sức khỏe này.
Xem kỳ 1 của bài viết tại đây.
Thiếu hụt Selen
Để xác định một người nào đó có thiếu hụt Selen hay không, phải căn cứ vào xét nghiệm hàm lượng Selen trong máu.
Nhiều nghiên cứu của Mỹ chỉ ra hàm lượng Selen trong máu của người bình thường tại Mỹ khoảng 0.82-1.82 mcg/L. Hướng dẫn về bổ sung dinh dưỡng của WHO cho thấy hàm lượng Selen trung bình trong máu người khoảng từ 0,8-1.1 mcg/L. Dưới ngưỡng đó được coi là thiếu hụt.
Dưới đây là bảng nồng độ Selen trung bình trong máu người (trẻ em và người lớn) của trung tâm xét nghiệm Mayoclinic- Mỹ.
Bảng 1: Nồng độ Selen trung bình trong máu người
Một khảo sát ở phạm vi nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 cho thấy ở Việt Nam chỉ có khoảng 10% người có hàm lượng Selen trong máu nhỏ hơn 0,1 mcg/L và 33,5% người có hàm lượng Selen trong máu nhỏ hơn 0,15 mcg/L. Điều đó cũng cho thấy nguy cơ thiếu hụt Selen của người dân Việt Nam là không nhiều.
Cho đến nay có thể phân chia nguyên nhân thiếu hụt Selen thành các nhóm như sau.
- Thiếu Selen do yếu tố địa lý
- Thiếu hụt Selen do bệnh tật
- Thiếu hụt Selen ở trẻ em suy dinh dưỡng
- Thiếu hụt Selen ở phụ nữ mang thai mắc bệnh tuyến giáp.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng số người bị thiếu hụt Selen do yếu tố địa lý rất hiếm. Một nghiên cứu nhỏ tại các tỉnh phía Bắc cho thấy hàm lượng Selen trong đất tại Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Thái Bình là 0,008, 0,098 ppm và 2,15 ppm.
Nếu so sánh với hàm lượng trung bình Se trong đất là 0,004 ppm ở vùng Keshan, Trung Quốc thì chỉ có Hải Phòng là thấp hơn, Quảng Nam - Đà Nẵng có thể gần tương đương và như vậy cư dân các vùng này có nguy cơ thiếu hụt Selen.
Tuy nhiên các vùng này đều tiếp giáp với biển, khẩu phần ăn của người dân tương đối nhiều cá nên chưa thấy có hiện tượng bệnh tật nào liên quan đến thiếu hụt Selen.
Có thể có nghi vấn về liên quan giữa bệnh bưới cổ tại một số vùng này với thiếu hụt Selen vì hàm lượng iot trong đất ở các vùng này đều bình thường. Tuy nhiên để có kết luận, cần phải có một nghiên cứu cụ thể và chính xác hơn.
Như vậy, ở Việt Nam, để phòng chống thiếu hụt Selen, người bình thường chỉ cần ăn uống đầy đủ, chú trọng một số loại thực phẩm giàu Selen như đậu, cá, tôm là đủ mà không cần tới bất kỳ một loại thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa Selen nào.
Khi mắc một số bệnh như HIV, bệnh thận hoặc một số trường hợp ung thư mới cần thiết đến việc dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng có chứa Selen. Tuy nhiên để thực hiện điều này người bệnh cần được khám, làm xét nghiệm hàm lượng Selen trong máu và có chỉ định của bác sĩ.
Đối với trẻ em, việc bú mẹ hoặc với trẻ lớn khẩu phần ăn hàng ngày đã có đủ Selen nên cũng không đặt ra việc dùng thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa Selen vì nếu lượng Selen ăn vào vượt quá 100 mcg/ngày sẽ có hại.
Với trẻ suy dinh dưỡng, thiếu hụt Selen thường đi kèm với thiếu hụt kẽm làm trẻ chán ăn. Việc bù Selen nên đi kèm với bù kẽm bằng thức ăn giàu kẽm và Selen như tôm, cua, cá, đậu, thịt… Cũng không nhất thiết phải dùng thực phẩm chức năng hay thuốc có chứa Selen.
Trường hợp suy dinh dưỡng nặng, chế đố ăn cần có sự hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Thiếu hụt Selen có thể xảy ra ở bệnh nhân bị bướu cổ và chỉ định dùng Selen để điều trị một vài bệnh bướu cổ đã được tiến hành ở một số nghiên cứu, tuy nhiên kết quả còn nhiều tranh cãi, vì vậy cho tới nay chưa có khuyến cáo hay hướng dẫn nào của các tổ chức y tế về điều trị các bệnh tuyến giáp bằng Selen.
Bổ sung Selen cho nhu cầu hàng ngày
Nhu cầu dung nạp Selen hàng ngày của người tương đối thấp. Theo các nghiên cứu về dinh dưỡng, người lớn bình thường có nhu cầu bổ sung khoảng 55- 200 mcg Selen mỗi ngày. Theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu sức khỏe Hoa Kỳ, nhu cầu Selen hàng ngày của trẻ em và người lớn được giới thiệu ở bảng sau.
Bảng 2: Nhu cầu Selen hàng ngày của Mỹ
Selen trong tự nhiên tồn tại chủ yếu dưới hai dạng Selen vô cơ (Selenate và Selenit) và Selen hữu cơ. Các Selenate và Selenit rất độc, tương đương với Asen cho nên không được coi là nguồn bổ sung Selen cho người.
Selen hữu cơ chủ yếu là selenomethionine và selenocystein tồn tại trong thức ăn động vật hoặc thực vật. Cả hai dạng này đều được coi là nguồn cung cấp Selen chủ yếu cho cơ thể thông qua thức ăn.
Cho tới nay, lương thực chủ yếu của thế giới đều có nguồn gốc từ thực vật và đó là nguồn cung cấp đáng kể Se. Hàm lượng Se trong lương thực phụ thuộc vào hàm lượng Se trong đất trồng và khả năng tích lũy Se của từng loài nhất định. Do vậy, cùng một loại cây trồng, nhưng hàm lượng Se trong nó chưa chắc đã giống nhau nếu nó được trồng ở những vùng địa lý khác nhau.
Trong thực vật, Se thường tập trung ở các cây họ Đậu, Cà phê, tỏi ta, táo, lê, ngũ cốc, củ cải trắng, cải bắp, lúa mì, cây ba kích và một vài loại nấm. Đặc biệt, hạt dẻ Brazine chứa tới 68 mcg/hạt.
Trong động vật, Selen là chất vi lượng có nhiều trong cá, tôm, cua, sò, ốc, thịt bò, thịt lợn. Đặc biệt da và gan các loài cá là nơi chứa hàm lượng Selen nhiều nhất, tiếp đến là trong tôm đồng, thịt lợn nạc và lòng đỏ trứng gà. Hàm lượng Se trong cá nước ngọt và cá biển tương đương nhau, dao động trong khoảng từ 1 đến 4 mg/kg.
Bảng 3. Hàm lượng Selen trong một số loại thực phẩm
Tại Việt Nam có một nghiên cứu đã chỉ ra hàm lượng Selen trong cá thu và cá trích
Bảng 4: Hàm lượng các nguyên tố trong một số loài cá tại Việt Nam (đơn vị tính: mg/kg)
Như vậy hàm lượng Selen trong cá thu và cá trích là khá cao gấp khoảng 100 lần nhu cầu hàng ngày/kg cá, (ăn 1 kg cá có thể đủ lượng Selen cho 3 tháng).
Thừa Selen
Mặc dù selen là chất vi dinh dưỡng thiết yếu nhưng nó lại có độc tính nếu dùng thái quá. Việc sử dụng hoặc hấp thu vượt quá giới hạn trên của 400 microgam/ngày có thể dẫn tới ngộ độc selen.
Khi bị ngộ độc Selen bệnh nhâ có thể có các biểu hiện như thở ra mùi hôi giống mùi tỏi, rối loạn đường tiêu hóa đặc biệt là đi ngoài, rụng tóc, bong, tróc móng tay chân, mệt mỏi, đau khớp, kích thích và tổn thương thần kinh. Các trường hợp nghiêm trọng của ngộ độc selen có thể gây ra bệnh xơ gan, phù phổi và tử vong.
Những khu vực người dân có nguy cơ thừa Selen là khu vực ô nhiễm do khai thác hoặc chế biến kim loại.
Selen dễ dàng lan truyền từ các bãi thải ra môi trường xung quanh theo đường nước hoặc thậm chí theo khói, bụi, khiến cho hàm lượng của nó ở các khu vực lân cận có xu hướng ngày một tăng cao.
Tại Mỹ, riêng năm 2000 các ngành sản xuất và chế biến đã thải ra mặt đất khoảng 58,79 tấn Selen kim loại và 2.691,05 tấn hợp chất của Selen. Tất cả các vùng lân cận của các bãi thải Selen đều có hàm lượng Selen tăng cao trong đất.
Selen tập trung khá cao trong than và các thành phần tạo nên than. Bởi vậy, trong môi trường nước xung quanh các mỏ than, hàm lượng Selen thường cao hơn so với đất trong khu vực. Ví dụ hàm lượng Se trong nước đoạn hạ lưu sông Elk cao gấp 12 lần so với tiêu chuẩn của Canada (2 µg/l).
Nguyên nhân dẫn tới hàm lượng cao bất thường này được xác định là do hoạt động khai thác lộ thiên các mỏ than ở khu vực phía nam thung lũng sông Elk, vùng British Columbia.
Tóm lại: Selen là một nguyên tố rất cần thiết cho cơ thể. Thiếu hụt Selen có khả năng gây ra một số bệnh nguy hiểm như suy tim, bệnh lý tim mạch, bệnh tuyến giáp. Selen cũng có thể ngăn ngừa một số loại ung thư.
Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề thiếu hụt Selen trong người bình thường rất hiếm xảy ra. Chế độ ăn hàng ngày của đại đa số người Việt đã có đủ Selen.
Một số trường hợp bệnh lý hoặc trong trường hợp bệnh nhân ung thư, sử dụng Selen bổ sung bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng cần có sự thăm khám và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
http://phantichmoitruong.com/detail/nguyen-to-selen-va-moi-lien-quan-voi-suc-khoe.html
http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/selenium
https://ods.od.nih.gov/factsheets/Selenium-HealthProfessional/
Selenomethionine: A Review of Its Nutritional Significance, Metabolism and Toxicity. Gerhard N. Schrauzer. J. Nutr. 130: 1653–1656, 2000.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/kem-va-selen-thieu-hay-thua-deu-hai-suc-khoe-tre-20160321075128494.htm
Acute Selenium Toxicity Associated With a Dietary Supplement. Ms. Jennifer K. MacFarquhar, RN, MPH, Dr. Danielle L. Broussard, PhD, MPH, Dr. Paul Melstrom, PhD, Mr. Richard Hutchinson, Ms. Amy Wolkin, MPH, Ms. Colleen Martin, MPH, Dr. Raymond F. Burk, MD, Dr. John R. Dunn, DVM, PhD, Dr. Alice L. Green, MS, DVM, Dr. Roberta Hammond, PhD, Dr. William Schaffner, MD, and Dr. Timothy F. Jones, MD. Arch Intern Med. 2010 Feb 8; 170(3): 256–261. doi: 10.1001/archinternmed.2009.495
http://www.who.int/nutrition/publications/guide_food_fortification_micronutrients.pdf?ua=1
http://www.sggp.org.vn/trithuccongnghe/2007/8/116839/ .
http://i.vietnamdoc.net/data/file/2015/Thang05/12/vai-tro-va-tac-dung-cua-cac-nguyen-to-vi-luong.pdf.
http://www.mayomedicallaboratories.com/test-catalog/Clinical+and+Interpretive/9765
Selenium supplementation for Hashimoto's thyroiditis. van Zuuren EJ, Albusta AY, Fedorowicz Z, Carter B, Pijl H. Cochrane Database Syst Rev. 2013 Jun 6;(6):CD010223. doi: 10.1002/14651858.CD010223.pub2.