Séc hiện đại hóa thành công xe tăng T-72 từ bài học trong hai cuộc chiến

Lê Ngọc |

Từ bài học sử dụng T-72 trong hai cuộc chiến ở Iraq, các chuyên gia Séc đã có thể biến chiếc xe tăng cuối những năm 90 thành một xe tăng chiến đấu chủ lực đáng gờm, chỉ thua kém các mẫu hiện đại ít nhiều.

Dòng tăng T-72

Sau khi thử nghiệm so sánh với tăng T-64A, năm 1970, nguyên mẫu “Đối tượng 172” (“Object 172”) sử dụng pháo 125 mm và động cơ V-45K được tái thiết kế và được Uralvagonzavod sản xuất lần đầu tiên vào năm 1971.

Lô đầu tiên - “Object 172M” - đã được thử nghiệm năm 1973, được đưa vào trang bị và là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Liên Xô với tên gọi “T-72”. Từ tháng 7/1973 đến năm 1992, nhà máy Nizhny Tagil - chuyển đổi từ ​​chế tạo T-64 sang T-72, sản xuất tổng số khoảng 20.000 chiếc T-72.

Séc hiện đại hóa thành công xe tăng T-72 từ bài học trong hai cuộc chiến - Ảnh 1.

T-72 - “Sư tử Babylon” của Iraq đã không thể đọ với xe tăng Mỹ; Nguồn: wikipedia.org

Phiên bản T-72A ra mắt vào năm 1979 được coi là MBT thế hệ hai, được xuất khẩu rộng rãi, phục vụ tại 40 quốc gia, tham gia nhiều cuộc xung đột; phiên bản T-72B3 ra mắt năm 2010 được coi là MBT thế hệ ba. T-72 là loại xe tăng phổ biến nhất được Khối Hiệp ước Warsaw sử dụng từ những năm 1970 cho đến khi Liên Xô tan rã (1991).

Hệ thống đo xa laser TPD-K1 đã xuất hiện trên xe tăng T-72 từ năm 1974; các mẫu trước đó được trang bị máy đo khoảng cách quang học, không thể sử dụng ở cự li dưới 1.000 m.

T-72 bị sao chép, cả có và không có giấy phép. T-72 được cấp phép sản xuất tại Ba Lan và Tiệp Khắc, dành cho Khối Hiệp ước Warsaw. Nam Tư đã phát triển T-72 thành M-84 tiên tiến hơn và xuất khẩu hàng trăm chiếc trong những năm 1980.

Người Iraq gọi bản sao T-72 của họ - những chiếc xe tăng được lắp ráp từ các bộ phận do Liên Xô cung cấp lẻ để né tránh lệnh cấm vận vũ khí do Liên Hợp Quốc áp đặt - là “Sư tử Babylon”. Các phiên bản hiện đại hơn bao gồm PT-91 Twardy của Ba Lan.

Nhiều phiên bản khác nhau của T-72 đã được sản xuất trong nhiều thập kỷ và các thông số kỹ thuật vỏ giáp của nó thay đổi đáng kể. Cuối những năm 1980, T-72 của Liên Xô được trang bị giáp phản ứng nổ.

Sau năm 1985, tất cả những chiếc T-72 mới được sản xuất đều có giáp phản ứng tiêu chuẩn, động cơ V-84 công suất mạnh hơn - 840 mã lực, và pháo chính được nâng cấp, có thể bắn tên lửa chống tăng có điều khiển. Với những phát triển này, T-72 mạnh ngang ngửa với dòng tăng T-80 đắt tiền hơn.

Kể từ năm 2000, các xe tăng xuất khẩu cũng đã được trang bị thiết bị nhìn đêm hình ảnh nhiệt do Pháp sản xuất (mặc dù nhiều khả năng chúng có thể chỉ sử dụng hệ thống “Buran-Catherine” được sản xuất tại Nga, kết hợp với máy ảnh nhiệt của Pháp).

Đạn xuyên giáp từ uranium nghèo cho pháo 125 mm đã được sản xuất ở Nga từ năm 1978 là BM-32, mặc dù chưa bao giờ được sử dụng, có sức xuyên phá kém hơn so với loại vonfram BM-42 sau này và BM-42M mới hơn.

T-72 có nhiều phiên bản và biến thể khác nhau - T-72K (komandirskiy - chỉ huy), T-72 V (vzryvnoy - giáp phản ứng nổ), … hoặc được tích hợp các khí tài đo xa, kiểm soát hỏa lực, vũ khí, thiết bị thông tin liên lạc, định vị, thiết bị nhận biết địch-ta….

Khung gầm T-72 được sử dụng cho xe hộ tống-hỗ trợ BMPT, giàn phóng tên lửa nhiệt áp TOS-1, xe cứu kéo-sửa chữa BREM-1, xe công binh IMR-2, xe bắc cầu MTU-72, xe rà phá mìn BMR-3 Vepr …

Bài học xương máu từ Iraq

Trong chiến tranh Iraq, Mỹ đã mất vài chục, trong khi Iraq mất hàng trăm xe tăng, do một số yếu tố. Quân đội Iraq chủ yếu được trang bị T-55 và T-62 lỗi thời và khoảng 1.000 chiếc T-72 và T-72M, trong khi Mỹ có hơn 2.000 chiếc Abrams là biến thể M1A1 và M1A2 cải tiến mới nhất, vượt trội về hiệu quả hỏa lực.

Người Mỹ đã chiến thắng ấn tượng với tổn thất tối thiểu do sử dụng các loại xe tăng hiện đại hơn, hỏa lực hiệu quả ở cự li xa, đặc biệt là vào ban đêm nhờ sử dụng kính ngắm ảnh nhiệt, tổ chức trinh sát, hệ thống chỉ huy, và huấn luyện binh sĩ tốt.

Séc hiện đại hóa thành công xe tăng T-72 từ bài học trong hai cuộc chiến - Ảnh 3.

T-72 vẫn đang là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực của Lục quân Nga; Nguồn: deagel.com

Ngoài sự yếu kém của xe tăng, người Iraq còn bị kém về huấn luyện binh sĩ và sự phản bội của chỉ huy cấp cao trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, khi hàng trăm xe tăng bị vứt bỏ không sử dụng.

Vấn đề chính của T-72 là sự không hoàn hảo của các thiết bị và kính ngắm để bắn từ xe tăng. Do đó, hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng với một loạt kính ngắm lạc hậu không thể kết nối với nhau, hầu như không tồn tại.

Lợi thế kỹ thuật của người Mỹ là rõ ràng, xe tăng được trang bị hệ thống thông tin và dẫn đường, kính ngắm của trưởng xe và xạ thủ với tính năng ổn định trường ngắm hai mặt phẳng, máy đo xa laser và các kênh ảnh nhiệt, máy tính đạn đạo tiên tiến với một bộ cảm biến khí tượng đạn đạo.

Xe tăng của Iraq đã bị bắn trúng ngay cả khi chưa kịp phát hiện ra kẻ thù, đó là cuộc chiến của những chiếc xe tăng lệch nhau nhiều thế hệ với kết quả thảm khốc có thể đoán trước.

Séc hiện đại hóa T-72 thành công hơn Nga

Gần đây, Quân đội Cộng hòa Séc nối lại chương trình hiện đại hóa T-72 được thực hiện vào cuối những năm 90 (đến năm 2006, 35 chiếc đã được nâng cấp theo chuẩn T-72M4CZ) và bị dừng lại vì lý do tài chính. Rút kinh nghiệm Iraq, khi hiện đại hóa T-72, các chuyên gia Séc chú trọng tăng hiệu quả hỏa lực, sức mạnh động cơ và tăng cường khả năng bảo vệ của xe.

Tăng T-72M4CZ được tích hợp một hệ thống điều khiển hỏa lực dựa trên hệ thống TURMS-T của công ty Officerhine Galileo (Italy), kết hợp hệ thống ngắm bắn của pháo thủ và trưởng xe thành một hệ thống điều khiển hỏa lực thống nhất.

Xạ thủ có kính ngắm ngày/đêm với tính năng ổn định trường ngắm hai mặt phẳng, máy đo xa laser, kênh ảnh nhiệt với tầm nhìn xa đến 4.000m và màn hình hiển thị được tích hợp trong kính ngắm.

Trưởng xe có kính ngắm toàn cảnh ngày/đêm với tính năng ổn định trường nhìn trên hai mặt phẳng và kênh ảnh nhiệt, cho phép tìm kiếm mục tiêu cả ngày lẫn đêm ở cự li 4.000m, chỉ định mục tiêu cho xạ thủ và nếu cần, bắn từ pháo chính.

Một máy tính đạn đạo với đầy đủ các cảm biến đạn đạo khí tượng được tích hợp trong hệ thống, cho phép bắn hiệu quả cả ngày lẫn đêm, ở cự li lên đến 2.000 m.

T-72M4CZ được trang bị tổ hợp năng lượng mới do công ty NIMDA của Israel phát triển với động cơ diesel CV-12 1000TSA công suất 1.000 mã lực và hộp số XTG411-6 hoàn toàn tự động.

Nhờ được kết hợp trong một khối, động cơ-hộp số có thể được kíp xe thay thế trong vòng 30 phút tại hiện trường. Xe cũng có một tổ hợp phụ trợ để cung cấp năng lượng cho các hệ thống khi động cơ chính không hoạt động.

Mức độ bảo vệ của xe được cải thiện bằng cách lắp đặt hệ thống bảo vệ động học DYNA-72, thay đổi phần gắn của ghế lái vào nóc thân xe, lắp đặt hệ thống bảo vệ điện từ TRALL chống lại mìn từ trường và hệ thống phát hiện bị chiếu laser và bảo vệ tự động chống tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Séc hiện đại hóa thành công xe tăng T-72 từ bài học trong hai cuộc chiến - Ảnh 4.

Séc đã nâng cấp T-72 lên chuẩn T-72M4CZ rất thành công; Nguồn: wikipedia.org

Một số hệ thống mới cũng được ứng dụng là hệ thống điều khiển và thông tin với khả năng được tích hợp vào hệ thống điều khiển chiến đấu lấy mạng làm trung tâm; hệ thống DITA-97 giám sát và chẩn đoán động cơ và truyền tín hiệu bằng ánh sáng, âm thanh và giọng nói cho các thành viên kíp xe; hệ thống định vị NBV-97 INS/GPS, xác định vị trí của xe tăng; và hệ thống thông tin liên lạc tần số siêu cao RF 1350, đảm bảo thông tin liên lạc ổn định và chống nhiễu.

Tất cả những điều này cho thấy, vào cuối những năm 1990, Séc đã có thể biến chiếc T-72 lỗi thời và không hoàn hảo thành một cỗ máy khá hiện đại với hiệu quả hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ được nâng cao và trở thành một đối thủ nặng ký đối với các mẫu tăng phương Tây.

Hiện Séc từ chối mua “Abrams” và “Leopard-2” đắt tiền, tập trung vào hiện đại hóa T-72M4CZ, mà về tính năng, sẽ không thua kém và có thể được tích hợp vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của NATO.

So với các T-72 hiện đại hóa của Nga, T-72M4CZ của Séc vượt trội hơn T-72B3 (2011) của Nga và các phương án hiện đại hóa trước đó về tính năng bắn. T-72M4CZ ngang bằng với T-72B3M (2014), gần tương đương T-90M (2018), được trang bị cụm cảm biến ngắm mục tiêu Sosna-U và hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina và có thể được tích hợp vào một hệ thống điều khiển lấy mạng làm trung tâm.

Từ bài học sử dụng T-72 trong hai cuộc chiến Iraq (1991, 2003), các chuyên gia Séc đã có thể biến chiếc xe tăng cuối những năm 90 thành một MBT đáng gờm, chỉ thua kém các mẫu hiện đại ít nhiều.

Tại Nga, 15 năm sau, T-72 đã được đưa lên chuẩn T-72B3M với khoảng 300 chiếc, số còn lại đều xấp xỉ trình độ xe tăng Iraq. Ngành công nghiệp xe tăng Nga và các ngành công nghiệp đi kèm vẫn chưa thể phục hồi sau sự sụp đổ của những năm 90 để có thể giành lại danh hiệu “người tiên phong” trong chế tạo xe tăng mà các nhà chế tạo xe tăng Liên Xô đã được mệnh danh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại