Sẽ thanh tra hoạt động khai thác cát 6 tỉnh ở ba miền Bắc – Trung – Nam

Minh Thư |

Trong năm 2017, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ thanh tra hoạt động khai thác cát theo giấy phép cũng như hoạt động thu hồi cát từ một số dự án nạo vét khoảng 6 tỉnh ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam…

Thông tin trên được ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết bên lề Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”.

Liên quan đến việc UBND tỉnh Bắc Ninh dừng dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu và đã có văn bản “kếu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thời gian qua, ông Thanh cho rằng, công tác duy tu luồng, kể cả nạo vét ở cửa sông, cửa biển là công việc mang tính chuyên môn cần phải làm của Bộ GTVT, nó cũng giống như việc duy tu đường bộ.

Song, trong quá trình duy tu, nếu gặp cát, theo Luật Khoáng sản thì được phép thu hồi nhưng thu hồi như thế nào, với mục tiêu ra sao để đảm bảo thông thủy, chứ không phải mục tiêu là khai thác cát.

“Tôi cho rằng, việc này phải giải quyết hài hòa giữa nhiều mối quan hệ, không chỉ là mối quan hệ giữa ngành giao thông với chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản trong đó có vật liệu xây dựng thông thường và cát sỏi lòng sông của UBND tỉnh; mà còn là mối quan hệ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) trong việc quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, hoạt động khoáng sản hay đảm bảo yêu cầu của ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn để duy trì đảm bảo các công trình thủy lợi, ngành giao thông đường thủy….”, ông Thanh nói.

Sẽ thanh tra hoạt động khai thác cát 6 tỉnh ở ba miền Bắc – Trung – Nam - Ảnh 1.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong năm nay, Bộ TNMT sẽ ban hành Thông tư về quản lý cát sỏi lòng sông. Ảnh: Minh Thư

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thì đây là vấn đề không đơn giản giữa Bộ GTVT với UBND tỉnh. Vì thế, Bộ TNMT cũng đã đề xuất với Thủ tướng, trong năm nay sẽ ban hành Thông tư quản lý cát sỏi lòng sông.

Thông tư này sẽ hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản, thay thế Nghị định 15/2012/NĐ-CP.

Ông Thanh cho biết, Thông tư này sẽ giải quyết các vấn đề lớn như: Mối quan hệ giữa các Bộ liên quan đến hạt cát ở trên sông, gồm Bộ TNMT, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT… cũng như mối quan hệ giữa các Bộ với địa phương.

Đồng thời, Thông tư sẽ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong vấn đề quản lý.

“Thông tư này cũng sẽ giải quyết trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép thăm dò khai thác đến thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt là mối quan hệ giữa các địa phương ở những phần giáp ranh, sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh trong việc phối hợp từ khâu lập quy hoạch đến khâu cấp phép, thanh kiểm tra”, ông Thanh nói thêm.

Vậy, trong kế hoạch thanh tra năm 2017, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có đưa các trường hợp khai thác cát vào không?

Trả lời câu hỏi này, ông Thanh cho hay: “Kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường được Bộ trưởng Bộ TNMT phê duyệt từ tháng 11 của năm trước, nhưng trong năm nay cũng sẽ tiến hành thanh tra hoạt động khai thác cát theo giấy phép cũng như hoạt động thu hồi cát từ một số dự án nạo vét.

Sẽ thanh kiểm tra khoảng 6 tỉnh ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, ví dụ như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang…”.

Theo đó, đối với các trường hợp có giấy phép sẽ thanh tra việc chấp hành, tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản.

Đối với trường hợp nạo vét Cục sẽ phối hợp cùng Bộ GTVT, chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an môi trường, đường thủy… để kiểm tra các doanh nghiệp đó có thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế hay không, có thực hiện nghĩa vụ đăng ký khối lượng thu hồi cát nạo vét với chính quyền địa phương không và công tác giám sát của các cấp có thẩm quyền xem việc đảm bảo chuẩn tắc thiết kế có đúng hay không?

Ông Thanh cho biết, có nhiều chế tài tùy trường hợp, chẳng hạn vi phạm đối với nạo vét thì đã có chế tài xử phạt bên lĩnh vực giao thông.

Còn phía Bộ TNMT sẽ xử phạt theo thẩm quyền của lĩnh vực khoáng sản, cụ thể theo Nghị định 142/2013/NĐ - CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, chẳng hạn như không đăng ký khối lượng nạo vét, hoặc những vấn đề liên quan đến phạm vi trong khu vực được nạo vét…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại