Chiều 3-11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
- Trong vụ “biệt phủ” Yên Bái, việc xử lý kỷ luật Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý đã thỏa mãn chưa, Thanh tra Chính phủ có giám sát việc này?
- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Xung quanh việc thực hiện những kiến nghị trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về xử lý vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý, chúng tôi ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái và TP Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận thanh tra và các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Về tiến độ việc xử lý này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thì UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận xử lý này trước ngày 30-11-2017.
Trên cơ sở báo cáo này, Thanh tra Chính phủ sẽ có những kiểm tra, giám sát để đánh giá việc thực hiện kết luận.
- Đại diện Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định pháp luật hiện chưa có quy định nào để truy suất nguồn gốc tài sản của vợ, con ông Phạm Sỹ Quý, điều này có đúng không? Làm thế nào để xử lý được?
- Ông Bùi Ngọc Lam: Về nguồn gốc tài sản, không chỉ riêng vụ việc ông Phạm Sỹ Quý mà trong các vụ việc khác, các văn bản quy định pháp luật khác có điều chỉnh liên quan tới tài sản của công dân, cá nhân, trong đó có cán bộ công chức, viên chức, đây là vấn đề đúng là còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, trước năm 2013, pháp luật quy định chỉ phải kê khai trung thực, đúng với tài sản của mình. Từ năm 2013 trở lại đây, pháp luật mới quy định người có trách nhiệm kê khai phải giải trình sự tăng, giảm tài sản, thu nhập đó. \Nếu là tài sản tham nhũng được Tòa tuyên thì xử lý theo quy định.
Còn trường hợp có sự chênh lệch tài sản mà chưa giải trình được thì xử lý thế nào? Hiện pháp luật chưa quy định. Đây là vấn đề cơ chế, chứ không phải chỉ riêng trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý. Tới đây, sẽ trình Quốc hội hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dụng này.
- Mới đây, một số ĐBQH có đề xuất sáp nhập lại một số bộ, ngành có chức năng tương đồng để giảm số bộ xuống, quan điểm của Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP về vấn đề này như thế nào?
- Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tới đây sẽ rà soát lại để tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, tinh giản đầu mối, theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Hiện nay có rất nhiều việc chồng chéo giữa các bộ ngành, cơ quan, do vậy tới đây phải rà soát lại. Hướng là sẽ phân cấp mạnh hơn cho chính quyền cấp dưới.
Trên tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương, những gì còn chồng chéo giữa các cơ quan, bộ ngành sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu để xử lý.
Tinh thần là rút gọn bộ máy và biên chế để giảm chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên thực hiện thế nào thì phải có lộ trình, những việc gì đã công bố thì có thể làm trước. Chẳng hạn ở các tỉnh, tới đây có thể xem xét việc sáp nhập Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng UBND tỉnh…
Còn về việc sáp nhập các bộ có chức năng tương đồng thì cần lộ trình, nghiên cứu thêm, hiện chưa đặt ra vấn đề này.
- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Như chúng ta biết, Trung ương đã có Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ soạn thảo chương trình hành động về nội dung này. Bộ Nội vụ sẽ căn cứ những nội dung có thể làm ngay, một số nội dung sẽ xem xét, nghiên cứu, một số nội dung sẽ chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII.