Sẽ sáp nhập bộ, ngành có chức năng tương đồng

Văn Kiên (thực hiện) |

Trò chuyện với PV Tiền Phong về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để xem xét kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp mà Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Theo ông Hà, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã nhiều lần thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, kết quả đạt được còn hạn chế. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhìn chung còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối.

“Trước đây, có những thời điểm, chúng ta đề ra yêu cầu tinh gọn bộ máy nhưng bộ máy lại phình ra, yêu cầu về tinh giản biên chế thì số lượng biên chế lại tăng lên dẫn đến chi thường xuyên lớn, khó thực hiện cải cách tiền lương và tăng chi cho đầu tư phát triển”, ông Hà nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: Ðăng Khoa.

Năm 2017, Trung ương ban hành Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua 7 năm thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần giảm đầu mối trung gian, giảm số lượng tổng cục, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, giúp đất nước có thêm ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng đạt được nhiều kết quả. “Việc thực hiện Nghị quyết 18 đem lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu để Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy một cách hiệu quả và thực chất hơn trong thời gian tới”, ông Hà nhấn mạnh.

Thời điểm chín muồi

- Một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết 18 đề ra là nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối. Vì sao chưa thực hiện được, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Nghị quyết 18 có đặt vấn đề về nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: ngành giao thông - xây dựng ; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo… Tuy nhiên, sắp xếp tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn phức tạp, cần làm từng bước, chắc chắn, có lộ trình, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, trì trệ.

Trong giai đoạn qua, chúng ta tập trung vào việc thu gọn các đầu mối bên trong các bộ, ngành, UBND các cấp, rồi thực hiện sáp nhập huyện, xã nên chưa thể làm cùng một lúc được. Bởi làm cùng lúc, tức là vừa sáp nhập đầu bên trong, lại sáp nhập bộ , ngành nữa thì có thể gây ra xáo trộn lớn, nên phải nghiên cứu kỹ, chọn thời điểm phù hợp để đưa ra xem xét.

- Vậy bây giờ đã là thời điểm thích hợp để xem xét, quyết định chưa, theo ông?

Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để xem xét. Lý do là chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 18 được 7 năm và thu được rất nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt, khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.

Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong sắp xếp tổ chức bộ máy. Điều đáng nói, trong nhiệm kỳ trước, ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18 rất hiệu lực, hiệu quả. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Thứ hai, cách mạng tổ chức bộ máy rõ ràng đang là vấn đề cấp thiết. Nếu chúng ta không thực hiện, không thể tháo gỡ được điểm nghẽn, không tạo ra được đột phá cho phát triển.

Thứ ba, việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực không phải là vấn đề quá mới mẻ mà đã được thực hiện từ lâu rồi. Trước đây, trong cơ cấu của Chính phủ từng có Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Điện và Than, Bộ Thương mại. Sau nhiều lần sáp nhập, giờ chỉ còn Bộ Công Thương, rất tinh gọn. Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được hình thành thông qua sự sáp nhập các bộ: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản… Vậy nên, chúng ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Bộ sáp nhập, sở cũng sáp nhập theo

- Theo ông, những lĩnh vực như giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư… mà Nghị quyết 18 nêu ra yêu cầu nghiên cứu, có thực sự tương đồng chức năng, nhiệm vụ?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có khá nhiều điểm tương đồng với nhau về đầu tư, quản lý ngân sách. Hiện Bộ Tài chính có trách nhiệm về quản lý ngân sách, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư công. Nếu sáp nhập lại, sẽ đảm bảo việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách. Tương tự, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng cũng có nhiều điểm tương đồng. Nếu cứ tách bạch, bộ máy sẽ tiếp tục nhiều đầu mối, cồng kềnh, làm mất thời gian và nguồn lực.

Tuy nhiên, để sáp nhập, cũng phải nghiên cứu, đánh giá mức tác động một cách kỹ lưỡng, phải nhìn về sự phát triển và phải đánh giá: Nếu tiếp tục duy trì các bộ như hiện nay, tình hình tới đây sẽ thế nào? Nếu sáp nhập lại, lợi ích là gì, hạn chế ra sao?

Nhìn thông thường về tính hiệu quả, có lẽ ai cũng nhìn thấy, khi 2 bộ sáp nhập lại thành 1 bộ, đương nhiên chúng ta giảm cơ học được 1 bộ. Tuy nhiên, cái giảm đáng giá hơn là sự liên thông về thủ tục hành chính thế nào. Đây cũng là cái mà người dân, doanh nghiệp chờ đợi và cần phải nghiên cứu.

Ngoài ra, khi ở trên bộ, ngành sáp nhập lại với nhau, ở dưới các sở cũng sáp nhập lại. Như vậy, chúng ta có thể giảm tối đa đến 63 sở, đồng nghĩa giảm được đến 63 giám đốc sở.

“Khi gọi “cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy” có nghĩa là thực hiện sẽ quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn và quyết tâm chính trị cao hơn để đạt hiệu quả cao hơn”.

Ông Nguyễn Ðức Hà,

nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Ðảng, Ban Tổ chức Trung ương

Cuộc cách mạng có ý nghĩa đặc biệt

- Lâu nay chúng ta thường chỉ nói đến đổi mới, cải cách, hoặc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng trong các bài viết và phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đều nhấn mạnh đến yêu cầu “thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy”. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?

Đúng là với công tác tổ chức bộ máy, từ trước đến nay chúng ta chỉ đặt vấn đề là đổi mới, cải cách hoặc sắp xếp. Tuy nhiên, lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định và gọi đó là “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy”. Theo quan điểm của cá nhân tôi, khi gọi là “cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy” có nghĩa là làm quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn và quyết tâm chính trị cao hơn để đạt hiệu quả cao hơn.

Đặc biệt, khi gọi đó là “cách mạng”, cũng có nghĩa là phải chấp nhận sự “hy sinh”, sự thiệt thòi của tổ chức và từng cán bộ, đảng viên. Khi chưa sáp nhập, anh là cấp trưởng. Sáp nhập rồi có khi anh trở thành cấp phó, kèm theo biết bao nhiêu tâm tư, chưa kể đến quyền và lợi ích. Tuy nhiên, vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, theo tôi, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở thời điểm này cần đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

- Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại