Sẽ ra sao nếu Nga, Mỹ và EU "bắt tay" để bình ổn Trung Đông?

Tuệ Minh |

Từ hàng thập kỷ nay, Trung Đông luôn là trung tâm của mọi chiến lược ngoại giao cũng như các hoạt động quân sự lớn của các cường quốc thế giới. Sẽ ra sao nếu "đội hình trong mơ", Nga, Mỹ và EU bắt tay để bình ổn tình hình khu vực này?

Nga triển khai không kích ở Syria, liên minh chống tổ chức khủng bố IS do Mỹ đứng đầu tại Syria và Iraq cũng như những nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhập cư của Bỉ, tất cả các hoạt động trên cho thấy các sự lo ngại về các mối đe dọa trong khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, cả Mỹ, Nga hay Liên minh châu Âu đều không thể đơn phương bình ổn tình hình trong khu vực.

Theo nhà phân tích chính trị Igor Istomin, giữa các vấn đề toàn cầu khác, Washington, Moscow và Brussels cần phải khởi động một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về Trung Đông.

Ông Istomin đã có bài phân tích trên tờ báo Izvestia, theo đó, có ba yếu tố khiến sự hợp tác nói trên có khả năng xảy ra.

Đầu tiên, các mối đe dọa đến từ khu vực Trung Đông khá tương đồng đối với cả Mỹ, Nga và EU.

Mặc dù sự thật là những ưu tiên thỉnh thoảng sẽ khác nhau (từ khủng bố tới cướp biển hay tình trạng tị nạn), song có một vấn đề cơ bản, đó là việc thiếu vắng một thể chế sức mạnh ổn định ở Trung Đông.

Thứ hai, Mỹ, Nga và EU đều có những nguồn lực quan trọng giúp ổn định tình hình ở Trung Đông. Thêm vào đó, năng lực của mỗi nước, mỗi tổ chức lại có thể bổ trợ cho nhau.

Nếu như Washington dẫn đầu trong sức mạnh quân sự thì Moscow lại có mạng lưới liên hệ rộng rãi với các nước trong khu vực, còn EU lại sở hữu một nguồn tài chính dồi dào.

Thứ ba, mặc dù Trung Đông là trọng tâm chú ý của toàn cầu nhưng thực tế khu vực này lại không quá quan trọng như các khu vực khác. Mỹ, Nga và EU hiểu điều này.

Tác giả bài báo cũng nhấn mạnh rằng bất chấp những căng thẳng giữa Nga và phương Tây, cả hai bên vẫn có một lịch sử hợp tác hiệu quả lâu dài, bao gồm vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, Afghanistan hay chương trình hạt nhân Iran.

Ông Istomin cũng cho rằng mọi nỗ lực thay đổi tình hình Trung Đông bằng cách tạo ra các tổ chức khu vực (như OSCE) sẽ không mang lại hiệu quả do mức độ thù địch và hành động của “những người chơi” vô chính phủ trong khu vực.

Thay vào đó, các kênh đối thoại do Mỹ, Nga và EU lập ra có thể giúp phần nào giải quyết các mâu thuẫn ở Trung Đông.

“Mỹ, Nga và EU sẽ có lợi nếu như họ gửi tín hiệu hợp tác tới các quốc gia Trung Đông. Bởi lẽ sự bất ổn tại khu vực này cũng đe dọa tới an ninh của những nước trên”, tác giả kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại