'Sẽ không còn ai ra hàng nếu thứ này rơi xuống'

Hoài Giang |

Liên quan tới màn xuất hiện của bom liệng FAB-3000 gần đây ở Ukraine, cây viết Ryabov Kirill (Topwar) cho biết rằng Nga vẫn còn thứ to và nặng hơn.

To và nặng hơn FAB-3000

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Liên Xô đã sản xuất ra nhiều chủng loại bom.

Và bom FAB-3000 vừa được Nga bổ sung bộ kit UMPC (module lập kế hoạch và hiệu chỉnh) để sử dụng trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) ở Ukraine không phải là bom mạnh nhất hay nặng nhất trong số chúng. Thứ đó được gọi tên là FAB-9000.

Câu chuyện về FAB-9000 bắt đầu vào năm 1946 khi căn cứ vào kinh nghiệm trong Thế chiến 2, Liên Xô đã bắt đầu phát triển một dòng bom có cân nặng từ 100 kg đến nhiều tấn để trang bị cho các oanh tạc cơ của họ.

Và loại bom nặng nhất trong số chúng được dành cho oanh tạc cơ tầm xa với mục tiêu là các căn cứ lớn trên mặt đất cũng như tàu thuyền của đối phương.

Vào đầu những năm 1950, các oanh tạc cơ tầm xa của Liên Xô đã có thể mang theo những tải trọng đáng kể. Có thể ví dụ như Tu-16 có thể chở hơn 9 tấn hàng hóa, và ở Tu-95 là 12 tấn. Điều đó có nghĩa là các oanh tạc cơ này có thể sử dụng toàn bộ loại bom hiện có của Liên Xô.

Tính đến các thông số nói trên, Không quân Liên Xô đã yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất loại bom nặng 9 tấn - và vào năm 1954, FAB-9000 M54 đã ra đời.

'Sẽ không còn ai ra hàng nếu thứ này rơi xuống'- Ảnh 1.

FAB-9000 trên xe vận chuyển.

Việc sản xuất hàng loạt các loại bom có ký hiệu M54 đã được tiến hành và nhanh chóng thay thế các biến thể trước đó.

Tuy nhiên hầu hết trong số chúng là cỡ vừa và nhỏ và do phạm vi nhiệm vụ hạn chế, các bom cỡ lớn, hạng nặng như FAB-5000 và FAB-9000 được sản xuất với số lượng nhỏ hơn. Theo nhiều ước tính thì không quá vài nghìn trái bom 9 tấn đã được sản xuất.

FAB-9000 có thân bằng thép với tổng chiều dài vượt quá 5 mét và đường kính thân là 1,2 mét, trọng lượng thực tế vào khoảng 9,4 tấn. Bom được nạp 4,3 tấn thuốc nổ TNT và để kích nổ, có ba ngòi nổ đa chế độ được lắp đặt.

Trong quá trình thử nghiệm, FAB-9000 đã chứng minh được năng lực chiến đấu với sóng xung kích đảm bảo tiêu diệt nhân lực đối phương trong bán kính từ 55 đến 57 mét và ở 200 đến 225 mét, quả bom có thể gây chấn động và các vết thương khác.

Các phân mảnh cũng có thể văng xa hàng trăm mét mà vẫn duy trì sức công phá.

Các oanh tạc cơ có thể mang theo FAB-9000 bao gồm Tu-16, Tu-95 và sau đó là Tu-22 tuy nhiên mỗi một chiếc chỉ mang theo được một trái bom.

FAB-9000 được "thử lửa" ở đâu?

Kể từ khi được Không quân Liên Xô đưa vào trang bị, bom FAB-9000 đã được sử dụng nhiều lần trong các cuộc tập trận.

Tuy nhiên mãi tới những năm 1980, loại bom này mới chính thức "thử lửa" tại Afghanistan.

Tình hình khi đó là chỉ có các cuộc không kích mới thực sự giải quyết được các nhóm tay súng Mujahideen cố gắng ẩn nấp trong các hang động ở quốc gia Trung Á - nhưng cũng cần tới các loại vũ khí thích hợp bao gồm cả bom FAB (bom nổ mạnh).

Oanh tạc cơ Tu-16 đã tham gia giải quyết các nhiệm vụ này bằng bom cỡ lớn với ngòi nổ phát nổ lập tức hoặc nổ chậm. Và trong nhiều trường hợp, FAB-9000 đã làm sập các hang động cũng như gây ra lở đất ở những nơi bị tấn công.

'Sẽ không còn ai ra hàng nếu thứ này rơi xuống'- Ảnh 2.

Tu-22 của Liên Xô thử nghiệm ném bom FAB-9000 vào năm 1985.

Tuy nhiên khi mục tiêu nằm ở địa hình bằng phẳng, hiệu quả của FAB-9000 không cao.

Sóng xung kích dễ dàng phá hủy các tòa nhà nhưng bán kính hủy diệt nhân lực được cho là không đủ. Quan trọng hơn, các oanh tạc cơ chỉ mang được duy nhất 1 trái bom và trong cùng tình huống thì một trực thăng vũ trang có thể làm được nhiều việc hơn.

Tuy vậy ước tính trong Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan, hàng trăm đơn vị FAB-9000 đã được sử dụng.

Tới đầu năm 1985, Không quân Iraq yêu cầu Liên Xô giúp đỡ nâng cao chất lượng chiến đấu của những chiếc Tu-22 hiện có với FAB-5000 và FAB-9000.

Và vào ngày 16/2/1986, sự kiện oanh tạc cơ Iraq ném 3 trái bom vào lực lượng Iran trên đảo Al Fao đã trở nên nổi tiếng do gây ra thiệt hại đáng kể cho đối phương cũng như ảnh hưởng đến diễn biến của các trận đánh tiếp theo.

Dưới đây là 2 bình luận đáng chú ý nhất của độc giả Nga sau bài viết của ông Ryabov Kirill:

"Nếu loại bom này được ném vào các khu công nghiệp (ở Ukraine)... sẽ không có ai ra hàng".

"Mọi việc ở Azovstal (Nhà máy thép tại Mariupol) hoặc Avdiivka sẽ kết thúc nhanh hơn nhiều nếu thứ như thế này rơi xuống đó".

Oanh tạc cơ Nga ném bom vào các vị trí phòng thủ của đối phương bên trong Nhà máy thép Azovstal ở Mariupol vào năm 2022 (Nguồn: Youtube).

SMO thì sao?

Tuy nhiên theo những gì tôi (Ryabov Kirill) được biết thì sau năm 1988, FAB-9000 không còn được Liên Xô và Nga sử dụng trong các nhiệm vụ chiến đấu thực tế. Có tin đồn về việc loại bom này được sử dụng trong Chiến tranh Chechnya lần 1 nhưng điều này vẫn chưa xác thực.

Cũng chưa có bất kỳ dữ liệu nào ghi nhận về các cuộc không kích sử dụng vũ khí này ở bên ngoài nước Nga.

Nhiều khả năng lý do giải thích điều này là vì FAB-9000 không còn phù hợp.

Không quân Vũ trụ Nga (VKS) hiện đang trang bị các oanh tạc cơ Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160 đủ khả năng mang và triển khai những quả bom này.

Nhưng khả năng này không được tính tới vì Tu-95MS và Tu-160 chỉ được trang bị tên lửa hành trình còn Tu-22M3 chủ yếu sử dụng bom cỡ trung (mãi đến gần đây mới sử dụng hạn chế bom FAB-3000).

Có vẻ như VKS hiện không muốn sử dụng loại bom có sức nổ mạnh nhất do chúng khó vận hành và thiếu các hệ thống dẫn đường cho phép phát huy tiềm năng của chúng.

Ngoài ra sức nổ của chính quả bom trở nên dư thừa cho hầu hết các nhiệm vụ chiến đấu. Để so sánh thì hầu hết các loại bom và tên lửa hiện tại đều có thể đáp ứng được các yêu cầu này.

Có thể nói rằng từ kinh nghiệm thực tế, người Nga đã nhận ra rằng không cần tiếp tục hướng đi với bom hạng nặng mà nên tìm cách giảm tải trọng chiến đấu cho máy bay và tăng độ chính xác của vũ khí. Cách tiếp cận này từ lâu đã tự chứng minh được tính hiệu quả của nó.

'Sẽ không còn ai ra hàng nếu thứ này rơi xuống'- Ảnh 3.

Các nguyên mẫu bom FAB (bom nổ mạnh) nằm dưới cánh một chiếc Tu-16 tại một bảo tàng. FAB-9000 nằm ở đầu tiên bên trái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại