“Sẽ có rủi ro khi mua đất nền sốt nóng tại các đặc khu”

Xuân Tùng |

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trước việc các nhà đầu tư đổ xô vào mua đất nền tại các vùng sắp lên đặc khu.

Thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sắp lên đặc khu đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, mua bán đất nền , dẫn đến tình trạng sốt nóng giá đất.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời điểm này tại thị trường Vân Đồn, sản phẩm được giao dịch chủ yếu là đất nền và đất thổ cư tại các vị trí trung tâm.

Theo thống kê, tổng lượng giao dịch loại hình sản phẩm này tính trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 800 giao dịch. Sản phẩm được giao dịch chủ yếu từ các dự án có pháp lý và quy hoạch rõ ràng.

Một số dự án thuộc huyện Vân Đồn đang được triển khai có tính thanh khoản cao gồm: KĐT Thống Nhất 20 – 25 triệu/m2 đã thanh khoản hơn 90% dự án; KĐT Vương Long 20 triệu/m2, đã thanh khoản đến 75% dự án.

Theo ghi nhận, đất nền tại các dự án có giá dao động từ 20 – 50 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với trước Tết. Đất thổ cư giá giao dịch từ 3 – 60 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí, diện tích và loại đất.

Tại Phú Quốc, theo ghi nhận, nhu cầu thực đối với loại hình này chưa có, chủ yếu vẫn là đầu cơ và "lướt sóng". Các dự án quy mô nhỏ có mức giá trung bình từ 4 – 7 triệu đồng/m2 .

Các dự án có quy hoạch bài bản, quy mô lớn khoảng 10 – 55ha có mức giá 15 – 25 triệu đồng/m2 . Đất thổ cư được giao dịch nhiều chủ yếu là các mảnh lớn khoảng 3.000 m2 trở lên.

Trước tình trạng nhà đầu tư đổ xô vào “săn” đất nền các vùng đặc khu, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cảnh báo, việc sốt nóng đất nền các vùng đặc khu sẽ có những rủi ro.

Theo ông Đính, có 3 rủi ro mà nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải đối mặt. Thứ nhất, NĐT và các nhà đầu cơ chắc chắn sẽ bị mua cao hơn giá trị thực bởi hầu hết các khu này đều chưa có sự đầu tư của nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhiều.

Theo ông Đính, giá trị đất đai thường đi theo giá trị đầu tư hạ tầng. Trong khi các khu Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong nhìn chung hạ tầng còn chưa đầy đủ và đang còn trong giai đoạn đầu. Vì vậy, giá trị đất đai chưa thể cao như các khu đã được hoàn thiện đầy đủ hạ tầng.

“Việc chưa có đầu tư đã phải mua đất giá cao, điều này cho thấy rủi ro về giá trị. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư luôn đẩy giá với hy vọng bán lại cho người khác. Điều này có thể có lợi trong giai đoạn đầu nhưng những người đến sau sẽ chịu nhiều rủi ro”, ông Đính phân tích.

Thứ 2 là rủi ro pháp lý. Việc mua bán đất ở các khu vực này hầu như đều chưa đúng quy định, dẫn tới rủi ro cho người mua nhà. Hiện nay đất đang giao dịch hầu hết là đất nông nghiệp, canh tác, đất vườn…và đây là các loại đất pháp luật cấm giao dịch.

Thứ 3 là các khu vực này phần lớn đất chưa được quy hoạch. Do đó, rủi ro đất của người mua nhà sẽ bị vướng quy hoạch.

Riêng đối với các nhà phát triển dự án, ông Đính cho rằng, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc giải phóng mặt bằng, phải đền bù với giá đất cao, chấp nhận các chi phí cao hơn giá trị thực, từ đó không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đối với thị trường bất động sản nói chung sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro về "bong bóng" tại khu vực này vì giá đẩy lên cao vượt giá trị thực.

Ngoài ra, còn tạo ra khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý, quy hoạch. Bên cạnh đó, bất động sản tại các khu vực này sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

“Tôi nghĩ rằng các NĐT không nên đầu tư bừa bãi. Nên đầu tư vào các dự án có quy hoạch, đầy đủ pháp lý. Theo đánh giá của tôi, giá trị các khu đất này được định giá hợp lý vì có đầy đủ hạ tầng, phản ánh đúng giá trị”, ông Đính khuyên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại