SCMP: Vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên chưa có gì đáng sợ

Ngọc Nguyễn |

Quả bom của Bình Nhưỡng vẫn áp dụng công nghệ từ quả bom thử nghiệm năm 1952 của Mỹ.

Bình mới rượu cũ

Vụ thử bom H của Triều Tiên hôm qua đã khiến cho cả thế giới chấn động. Một số cường quốc Phương Tây cho rằng quốc gia Đông Bắc Á này đang muốn thiết lập một "trật tự đe dọa mới". Tuy nhiên, thiết bị hạt nhân nhiệt hạch mà Triều Tiên vừa thử nghiệm chỉ được coi là " bình mới rượu cũ". Tại sao lại như vậy?  

Thử bom H, Kim Jong Un muốn dùng bình mới rượu cũ để lập trật tự đe dọa mới? - Ảnh 1.

Mỹ thử bom H tháng 11/1952. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia, quả bom H mà Triều Tiên thử nghiệm có sức công phá 100 kiloton, tức là mạnh gấp gần 7 lần so với quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Hiroshima hồi năm 1945. Tuy nhiên, so với quả bom H mà Mỹ từng thử nghiệm hồi tháng 11/ 1952, thì quả bom này chỉ mạnh bằng 1/10.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, quả bom của Bình Nhưỡng vẫn áp dụng công nghệ từ quả bom thử nghiệm năm 1952 của Mỹ. Điều thú vị là hãng thông tấn KCNA lại tuyên bố rằng quả bom Triều Tiên thử nghiệm được phát triển hoàn toàn theo công nghệ nội địa.

Nga, Mỹ và thậm chí cả Trung Quốc đều đã ngừng thử nghiệm hạt nhân. Hiện nay, cả 3 nước này đều sử dụng công nghệ mô phỏng trên máy tính để cải thiện năng lực hạt nhân của mình. 

Trong khi đó, Triều Tiên lại có vẻ quyết định bỏ qua phương án này. Bình Nhưỡng muốn công bố thời điểm, hoạt động thử nghiệm, cũng như khả năng phát triển bom hạt nhân có thể thu nhỏ. 

Đó là chưa kể, phản ứng đanh thép của chính quyền Bình Nhưỡng trước và sau mỗi lần thử vũ khí sẽ dập tắt mọi mầm mống muốn thống nhất bán đảo liên Triều bằng vũ lực.

Có đáng lo ngại không?

Đây là thời điểm hoàn hảo để Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các nước trong HĐBA hiện không đạt được sự đồng thuận. Nga và Mỹ đang thay phiên nhau trục xuất các phái đoàn ngoại giao, còn Mỹ thì đang ép Trung Quốc thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn với Triều Tiên. 

Vậy câu hỏi đặt ra là vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên có đáng lo ngại hay không? Và câu trả lời là: Vẫn chưa!

Vụ thử hạt nhân hồi tháng 9/2016 gây ra trận động đất mạnh 5,3 độ richter, còn vụ thử lần này là 6,3 độ richter. Điều này cho thấy sự gia tăng về sức mạnh của quả bom là không đáng kể. Có thể kết luận rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được bước nhảy vọt trong khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. 

Trước vụ thử thứ sáu, Bình Nhưỡng đã công bố bức ảnh chủ tịch Kim Jong Un đang kiểm tra 1 quả bom H loại nhỏ, có thể gắn lên tên lửa. Nếu có thể thu nhỏ đầu đạn tới mức đó thì Triều Tiên đã đạt được một bước tiến đáng kể. Dù vậy, một khi điều này chưa được xác định thì chưa cần phải sợ hãi. 

Vì thế, hiện tại vẫn còn quá sớm để bàn tới chuyện tấn công Triều Tiên, dù bằng đường bộ hay đường không, hạt nhân hay thông thường, khi mà khả năng thương vong đối với Hàn Quốc và Nhật Bản đều quá lớn. 

Hình thức cấm vận khả thi nhất lúc này chính là nhằm vào dầu mỏ. Điều này chỉ thực sự phát huy tác dụng nếu có sự hợp tác toàn diện của từ phía Trung Quốc và tất cả các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thử bom H, Kim Jong Un muốn dùng bình mới rượu cũ để lập trật tự đe dọa mới? - Ảnh 2.

Mỹ vẫn đang hối thúc Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên. Ảnh: AP

Ngay cả Mỹ cũng không th vì lệnh cấm vận với Triều Tiên mà cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc. Điều này sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho kinh tế toàn cầu.

Nếu mọi thứ vẫn không thay đổi thì khả năng chính quyền Bình Nhưỡng giảm bớt cường độ các vụ thử nghiệm vũ khí là rất thấp. Nguyên do là bởi chương trình hạt nhân của Triền Tiên dường như đã đạt ngưỡng cân bằng khi nước này không chỉ chế tạo được bom hạt nhân mà còn phát triển được phương tiện để hỗ trợ nó. 

Và chủ tịch Kim Jong Un sẽ vẫn sử dụng khả năng này triệt để, nhằm khiến các cường quốc khác phải nể sợ. Mục tiêu cuối cùng là buộc cộng đồng thế giới công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, giống như tiền lệ với Ấn Độ và Pakistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại