Danh sách "đen" bị rút lại vào phút cuối
Trung Quốc đã chuẩn bị một danh sách "đen" các công ty Mỹ sau khi Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với công ty viễn thông khổng lồ Huawei và 33 công ty Trung Quốc khác vào tháng 5. Nhưng cuối cùng lại trì hoãn vì e ngại động thái này sẽ gây ra tác dụng ngược và làm tổn thương nền kinh tế thứ 2 thế giới, theo một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc.
Danh sách này suýt nữa thì được tung ra, nhưng vào phút cuối, quyết định đưa ra là trì hoãn và chờ đợi.
Sự thận trọng của Bắc Kinh là do tăng trưởng kinh tế và mong muốn ổn định đầu tư nước ngoài tại thời điểm ngày càng nhiều công ty nước ngoài đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 và gia tăng áp lực từ Nhà Trắng.
Sự hạn chế tương tự đã xảy ra trong cuộc họp báo thường niên của Thủ tướng Lý Khắc Cường, vào cuối kỳ họp Quốc hội, khi ông tránh dùng phát ngôn đối đầu với Mỹ và thay vào đó là kêu gọi hợp tác kinh tế.
Bắc Kinh đã thực hiện ổn định ngoại thương và đầu tư - 2 trong số các ưu tiên kinh tế chính trong năm nay khi nước này tìm cách phục hồi sau thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.
Bắc Kinh đe dọa sẽ đưa ra danh sách các thực thể được cho là không đáng tin cậy, làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc đe dọa an ninh quốc gia.
FedEx được cho là một trong những công ty đầu tiên của Mỹ có khả năng bị nhắm đến.
Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã im lặng.
Nguồn tin cho biết chính quyền đã hoàn thiện chi tiết danh sách vào cuối năm ngoái, nhưng lo lắng điều này có thể khiến Trung Quốc trở thành một nơi kém hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.
Trung Quốc không đủ sức trừng phạt công ty Mỹ?
Khi thông tin chi tiết về các lệnh hạn chế mới nhất của Mỹ, bao gồm giới hạn quyền truy cập của Huawei với công nghệ bán dẫn của Mỹ, được công bố, tờ Hoàn cầu cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị điều tra hoặc đặt ra các hạn chế đối với các công ty công nghệ Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple, và tạm dừng mua máy bay Boeing.
Nhưng Dan Wang, một nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ không được đưa ra sớm và Trung Quốc có thể không đủ khả năng để nhắm vào các công ty Mỹ.
Mặc dù có những vụ trả đũa, nhưng có vẻ như Trung Quốc chưa sẵn sàng vứt bỏ nỗ lực trở thành điểm thu hút các nhà sản xuất nước ngoài trong hàng thập kỷ qua.
Wang cho biết Bắc Kinh không cần phải trả đũa mà cần phải hài hòa giữa việc thỏa mãn dư luận đòi hỏi phải có hành động đáp trả mạnh mẽ, và ổn định nền kinh tế cũng như giữ lại đầu tư nước ngoài.
Đến giờ, các dấu hiện đều cho thấy sự ổn định quan trọng hơn việc trả đũa, ông nói thêm.
Nguồn tin cho biết, nếu các nhà lãnh đạo của đất nước thất bại trong việc củng cố sự phục hồi kinh tế trong 2 năm tới, họ có thể phải đối mặt với áp lực chính trị lớn.
Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, nói rằng các hành động trả đũa có thể có thể bao gồm điều tra, kiểm toán, hạn chế bán hàng và hoạt động tại địa phương, thu hồi giấy phép...
Các công ty đa quốc gia sẽ phải đối mặt với một môi trường ngày càng thù địch, đặc biệt nếu họ bị coi là đồng lõa với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế của Mỹ nhắm vào các công ty Trung Quốc, ông nói trong một báo cáo đưa ra hôm thứ Tư.