Các nhà quân sự phân tích, căn cứ vào khoảng cách công nghệ giữa đối thủ mạnh nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là Mỹ, thì sự kiện hạ thủy tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc chỉ mang tính biểu trưng cho những tiến bộ trong việc hiện đại hóa quân đội của họ, chứ chưa thể đối đầu với các siêu mẫu hạm hiện nay của Mỹ như USS Carl Vinson.
Nhóm tác chiến tàu Carl Vinson đang hiện diện ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, ở vị trí có thể phát động chiến dịch không kích nhằm vào CHDCND Triều Tiên.
Theo báo giới Nga ngày 23/4 đánh giá, sự kiện hạ thủy tàu Type 001A mới chỉ là bước đầu. Hải quân Trung Quốc đang hy vọng rất nhiều vào những tàu sân bay mới.
SCMP dẫn thông tin từ truyền thông Nhật Bản cho hay, các tàu sân bay thứ 3 và thứ 4 của Trung Quốc sẽ được trang bị động cơ tua-bin mạnh mẽ hơn. Đường băng cất cánh dạng thẳng bởi các tàu sân bay tiếp theo được Trung Quốc mô phỏng công nghệ Mỹ, lắp đặt hệ thống phóng máy bay dùng áp lực hơi nước. Điều này sẽ làm tàu sân bay có trọng lượng rẽ nước lên tới 80.000 tấn.
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật) cho hay, sau khi thử nghiệm các thiết bị kỹ thuật và huấn luyện, Type 001A sẽ đi vào phục vụ trong năm 2020. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự, tăng cường hoạt động hàng hải ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lương Phương trong một cuộc phỏng vấn cho hay: "Về ngoại hình [tàu sân bay mới] không có sự khác biệt nhiều so với tàu Liêu Ninh, song khả năng chiến đấu sẽ được tăng cường đáng kể".
Đa số các quan điểm đến lúc này cho rằng Type 001A cùng với Liêu Ninh sẽ chủ yếu hoạt động tại khu vực biển Đông trong tương lai.
Trước đó, vào tháng 2/2016, tàu Liêu Ninh đã có đợt huấn luyện lần thứ 2 tại biển Đông. Nếu Trung Quốc có 2 tàu sân bay, thì khi tàu Liêu Ninh trong quá trình bảo trì, Bắc Kinh vẫn có thể triển khai mẫu hạm còn lại hoạt động ở biển Đông.
Theo SCMP, ý đồ của Trung Quốc chính là thông qua kết hợp vận hành đường băng trên các đảo nhân tạo xây trái phép để đảm bảo ưu thế trên không, cũng như kìm hãm các hoạt động của quân đội Mỹ, tại khu vực biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố có "lợi ích cốt lõi".
Một số thông tin cho biết, tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự sản xuất đang được tiến hành tại Thượng Hải. Cũng có quan điểm cho rằng, đến tàu sân bay tự sản xuất thứ ba, Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ hạt nhân.
Ngoài ra, để tăng tốc hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay, nước này đang thúc đẩy chế tạo các tàu hộ vệ và tàu ngầm để kết hợp.