Trên trang Facebook cá nhân của mình, Omarkhayam Romato Maute tự miêu tả bản thân là một "Quả bom hẹn giờ biết đi".
Khi nhóm phiến quân Maute - dẫn dắt bởi Omarkhayam và một trong những người anh em trai - tiến vào từng ngõ ngách của thành phố Marawi phía Nam Philippines ngày 23/5, giương cao lá cờ của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), dòng tự mô tả tả trên Facbook nói trên có vẻ rất phù hợp.
"Trung Đông tưởng như rất xa nhưng thực ra không phải thế. Đây là một vấn đề của chúng tôi", Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Australia vào ngày 10/6 – khi cuộc chiến để giành lại Marawi từ tay phiến quân ủng hộ IS đã diễn ra được 3 tuần và gần 200 người đã thiệt mạng.
Các chính phủ Đông Nam Á khác cũng đã từng đề cập thời khắc mà IS, với đại bản doanh ở Iraq và Syria, sẽ tìm cách thiết lập một "đế chế" ở Đông Nam Á và trở thành một mối đe dọa đối với khu vực.
"Đó là một mối nguy rõ ràng và hiện hữu", Thủ tướng Singapore nói.
Từ những thanh niên bình thường…
Omarkhayam và Abdullah Maute lớn lên cùng một vài anh chị em khác ở Marawi – một thành phố với phần lớn người dân theo đạo Hồi giữa một đất nước Philippines có hơn 90% dân số theo Thiên Chúa giáo.
Về mặt lịch sử, Marawi là trung tâm Hồi giáo của Mindanao.
Trong ký ức của những người hàng xóm, trong những năm 1990, anh em nhà Maute đã lớn lên bình thường như những thanh niên khác: Họ học tiếng Anh và kinh Koran, chơi bóng rổ trên đường phố.
"Chúng tôi vẫn thắc mắc tại sao họ lại đi theo IS", người hàng xóm nói. Anh này cũng từng là một chiến binh IS nhưng đã đầu hàng chính phủ. "Họ là những người tốt, sùng đạo. Họ ghi nhớ kinh Koran và không bao giờ nhầm lẫn".
Những người dân theo đạo Hồi ở Marawi di tản khỏi thành phố khi giao tranh giữa quân đội chính phủ và nhóm khủng bố diễn ra. Ảnh: JEOFFREY MAITEM
Đến đầu những năm 2000, Omarkhayam đi học ở Ai Cập còn Abdullah học ở Jordan. Nhờ vậy mà cả hai đều rất thông thạo tiếng Ả Rập.
Omarkhayam theo học Đại học Al-Azhar ở Cairo, tại đây Omarkhayam gặp vợ của mình – con gái một giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ người Indonesia. Sau khi kết hôn, cặp đôi trở về Indonesia, Omarkhayam dạy học tại trường của bố vợ và năm 2011 trở lại định cư tại Mindanao.
Có thể chính là tại thời điểm trở lại Mindanao, chứ không phải khi đang còn ở Trung Đông, Omarkhayam đã trở nên cực đoan.
Tại Cairo, "không một người bạn nào thấy anh ta có xu hướng cực đoan; các bức ảnh chỉ cho thấy một người đàn ông trẻ rất yêu con gái nhỏ của mình, ở bên cạnh gia đình trên bờ Biển Đỏ", chuyên gia chống khủng bố Sidney Jones viết từ Jakarta năm 2016.
Còn cuộc sống của người anh em Abdullah tại Jordan thì người ta không có nhiều thông tin. Mốc thời gian Abdullah trở lại Mindanao cũng không rõ ràng.
Các nguồn tin tình báo cho biết có 7 anh em nhà Maute chiến đấu trong cuộc chiến ở Marawi.
Vào ngày 10/6, quân đội Philippines tuyên bố rằng có 2 anh em nhà Maute đã bị tiêu diệt, nhưng không nói rõ có phải đó là Omarkhayam và Abdullah hay không.
… đến lãnh đạo phiến quân "sáng sủa, có học thức nhất"
Nhà Maute là một gia đình giàu có trong một cộng đồng đề cao tối thượng lòng tôn kính, danh dự và kinh Koran.
Người phát ngôn của quân đội Philippines, ông Jo-Ar Herrera cho biết, nhà Maute thuộc bộ lạc Maranao - một bộ lạc có truyền thống mẫu hệ - nên người mẹ, bà Farhana Maute, Maute đóng vai trò trung tâm trong gia đình.
Bà Farhana Maute buôn bán đồ nội thất và xe hơi cũ, cung cấp tài chính cho nhóm phiến quân, thúc đẩy việc thu nạp các thành viên trẻ mới và góp phần "cực đoan hóa" những người trẻ tuổi tại địa phương.
Vào ngày 9/6, trong khi đang lái một chiếc xe chứa đầy vũ khí và thuốc nổ ngay phía bên ngoài Marawi, bà Maute đã bị phát hiện và bắt giữ. Đây là một cú đánh lớn đối với nhóm phiến quân, theo đánh giá của phát ngôn viên Herrera, vì bà Maute vốn là "trái tim của tổ chức".
Bà Farhana Maute được cho là "trái tim của Maute". Ảnh: GMA
Một ngày trước đó, hôm 8/6, cha của anh em nhà Maute – vốn là một kỹ sư – cũng đã bị bắt tại Davao, cách Marawi 250 km.
Theo các quan chức quân đội Philippines, khi cuộc chiếm giữ Marawi bắt đầu, có vài trăm phiến quân đã tham gia, bao gồm cả những phiến quân từ những nước xa xôi như Morocco hay Yemen.
Tuy nhiên, hầu hết những kẻ bắt cóc dân thường làm con tin hay đốt nhà thờ Thiên chúa trong thành phố, đều là thành viên của 4 tổ chức phiến quân có liên minh với IS, cầm đầu là nhóm phiến quân Maute.
Theo chuyên gia Sidney Jones, Maute là nhóm phiến quân bao gồm những người "sáng sủa nhất, có học thức nhất và tinh vi nhất" trong số những nhóm phiến quân quyết đi theo IS ở Philippines.
Các chiến binh nguy hiểm không biết sợ hãi
Samira Gutoc-Tomawis, một quan chức lãnh đạo địa phương và biết một số thành viên trong gia đình lớn Maute, cho biết anh em Maute chủ yếu dựa vào mạng xã hội để thu nạp các thành viên mới cũng như truyền bá hệ tư tưởng "cứng nhắc và độc đoán" của họ. Nhóm bắt đầu nổi lên từ năm 2013.
"Anh em nhà Maute hoạt động rất tích cực trên mạng. Trên YouTube, họ đã đăng tải các ý tưởng của mình. Họ có tư duy rõ ràng, được giáo dục tốt và có lý tưởng của mình", Samira Gutoc-Tomawis nói.
Hàng xóm giấu tên của gia đình Maute cũng cho biết, các phiến quân trong nhóm này chiến đấu không biết sợ hãi. Người hàng xóm đã mắc kẹt trong ngôi nhà 3 tầng của mình trong 5 ngày. Tại đây, ông có dịp chứng kiến trận chiến giữa các phiến quân và lực lượng chính phủ Philippines.
"Khi bị ném bom, họ vẫn tiếp tục ăn bánh quy chứ chẳng chạy trốn", người hàng xóm kể.
Người phát ngôn của quân đội Philippines, ông Herrera cho rằng nhóm Maute nhận được một số sự ủng hộ ở Marawi: "Đây là nơi có gia đình, văn hóa của họ, là nơi nhóm Maute nhận được sự… đồng cảm khá lớn!".
Tuy nhiên, một quan chức địa phương ở Marawi, ông Khana-Anuar Marabur Jr. lại cho rằng, nhà Maute đã trở thành kẻ thù của người dân nơi đây khi họ trở nên cực đoan.
Marabur cho biết, ông đã đến gặp anh em nhà Maute vào đúng ngày họ tấn công Marawi. Anh em Maute đã bảo ông hãy rời khỏi thành phố.
"Họ bảo tôi hãy rời đi vì đế chế đã ra lệnh như vậy. Họ coi tôi như một kẻ thù. Giờ đây tôi cũng muốn họ bị tiêu diệt", Marabur nói.