SCMP: Đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ đứng trước nhiều nguy cơ tiềm tàng trong dịch COVID-19

Tất Đạt |

Ấn Độ chỉ dành 3,7% GDP cho y tế - thuộc nhóm các nước chi tiêu cho y tế thấp nhất thế giới. Bệnh viện công thường quá tải và người dân không đủ tiền để tới các bệnh viện tư.

"Tăng gấp 10 lần"

Theo SCMP, Ấn Độ có khả năng trở thành điểm nóng dịch bệnh tiếp theo của thế giới giữa bối cảnh các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp phòng dịch hiệu quả tại một số nước châu Á có thể sẽ không có nhiều tác dụng tại Ấn Độ.

Hiện tại, Ấn Độ có 147 ca dương tính với COVID-19 và 3 ca tử vong. Quốc gia Nam Á này đang cố gắng kiểm soát virus bằng cách đóng cửa biên giới, xét nghiệm du khách và truy dấu những người từng tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.

Trong ngày 17/3, Ủy ban Nghiên cứu Y tế của Ấn Độ thông báo sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm lên 8.000 người 1 ngày, so với mức hiện tại là 500 mẫu xét nghiệm/1 ngày. Người đứng đầu tổ chức này cho biết hiện "không có bằng chứng" cho thấy virus đang lây nhiễm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tại quốc gia 1,3 tỉ dân này cho rằng những biện pháp như vậy là không đủ để kiểm soát dịch bệnh. Một số các biện pháp như kiểm tra diện rộng và giữ khoảng cách xã hội có thể sẽ không thể thực hiện được tại các thành phố có mật độ dân số đông đúc và trang thiết bị y tế nghèo nàn.

Tiến sĩ T. Jacob John, cựu giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chuyên sâu Virus thuộc Ủy ban Nghiên cứu Y tế Ấn Độ, cho biết mặc dù tốc độ lây lan của virus corona tại quốc gia này vẫn chậm, nhưng tổng số ca nhiễm có thể "tăng gấp 10 lần" trong khoảng 1 tháng nữa.

"Họ không hiểu rằng dịch bệnh giống như một vụ lở tuyết. Mỗi tuần trôi qua, lượng tuyết lở càng lúc càng lớn hơn".

Tính tới thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn chưa bị dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng nặng nề như các quốc gia khác tại Châu Á.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói Ấn Độ đang cố gắng hết sức để chống lại virus corona.

Bang Maharashtra của Ấn Độ là địa điểm then chốt nhất trong đợt phòng dịch. Đây là khu vực có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất ở Ấn Độ với "thủ đô kinh tế" Mumbai.

Tới nay, bang này đã ghi nhận có 39 ca nhiễm bệnh. Chính quyền khu vực đã kêu gọi phong tỏa thành phố vào ngày 16/3, đóng cửa các địa ddiemerr công cộng, hoãn các kì thi đại học, kêu gọi các văn phòng nhà nước và công ty tư nhân cho phép ít nhất 1 nửa số nhân viên được làm việc tại nhà.

"Maharashtra đang trong giai đoạn 2. Nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chúng ta có thể sẽ rơi vào giai đoạn 3 và khi đó số ca nhiễm bệnh COVID-19 sẽ tăng nhanh. Chúng ta phải kiểm soát dịch bệnh bằng mọi giá," Rajesh Tope, người đứng đầu cơ quan y tế Maharashtra, khẳng định.

Các thách thức của Ấn Độ

Ngoài quy mô dân số lớn, Ấn Độ còn gặp một thách thức lớn về vấn đề mật độ cư dân. Tại một số thành phố lớn, trung bình có tới 420 người sinh sống trên 1 km2, trong khi con số này chỉ là 148 người/1 km2 ở Trung Quốc. Tại một số vùng, người dân phải sinh sống với mật độ cao tại các khu ổ chuột và những khu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.

Tiến sĩ K. Srinath Reddy, giáo sư về dịch tễ học tại trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard và là chủ tịch của Quỹ Y tế Cộng đồng tại New Delhi, nói: "Trong khi Hàn Quốc có thể xét nghiệm cả những người không có triệu chứng, Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn vì dân số nước này quá đông. Giữ khoảng cách xã hội là điều cần thiết nhưng việc đó chỉ có thể áp dụng với tầng lớp trung lưu thành thị. Biện pháp này không thể thực hiện đối với những người dân sống ở nông thôn hoặc người nghèo ở đô thị bởi họ phải sống trong những căn nhà chật chội".

Ngày 17/3, Ấn Độ tuyên bố rằng các phòng thí nghiệm tư nhân được nhà nước cấp quyền sẽ được phép thực hiện xét nghiệm trong thời gian tới, tuy nhiên danh sách các cơ sở đủ điều kiện chưa được công bố.

Dịch COVID-19 hiện đã khiến hơn 180.000 người nhiễm bệnh và hơn 7.000 ca tử vong trên khắp thế giới. Các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài Trung Quốc là Iran, Italy và Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã kìm hãm sự lây lan của dịch bằng cách xét nghiệm hàng trăm nghìn người dân thông qua phòng khám và các trạm dừng xe.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hiện hơn 5.200 trường hợp đã được xác định và theo dõi sức khỏe. Tuần trước, Ấn Độ đã tạm dừng hầu hết visa và quyết định hạn chế di chuyển quốc tế trên đường bộ.

Phản ứng của Ấn Độ với virus corona cũng phản ánh hạn chế của hệ thống y tế nước này.

Theo SCMP, Ấn Độ chỉ dành 3,7% GDP cho y tế - thuộc nhóm các nước chi tiêu cho y tế thấp nhất thế giới. Do đó, bệnh viện công thường quá tải trong khi phần lớn người dân không có khả năng kinh tế để tới các bệnh viện tư.

SCMP: Đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ đứng trước nhiều nguy cơ tiềm tàng trong dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại