Bắc Kinh 'đau đầu' tiếp cận Washington
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước bắt đầu xây dựng chương trình nghị sự cấp cao.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù Trung-Mỹ đều bày tỏ mong muốn sớm tiến hành đối thoại nhưng kênh liên lạc phía sau hậu trường vẫn đối mặt với nhiều trở ngại khó dự đoán.
Bởi thứ nhất, đội ngũ nội các của tân Tổng thống Mỹ vẫn chưa hoàn thiện khi liên tục có sự thay đổi bổ sung do chính những mâu thuẫn nội bộ.
Theo Đa chiều, nội các của Trump hiện đang thiếu một chuyên gia am hiểu vấn đề châu Á.
Khi tiếp cận Trump, chính quyền Trung Nam Hải chủ yếu thông qua ba kênh liên lạc: Bộ Ngoại giao, Hội đồng an ninh Nhà Trắng và Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong chính phủ của Trump, một số vị trí như Thứ trưởng ngoại giao, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề châu Á lại đang bị bỏ trống.
Thứ hai, Tổng thống Trump được cho có ý định dùng chính sách "một Trung Quốc" để đàm phán với Bắc Kinh. Giới quan sát cho rằng, điều này chủ yếu xuất phát từ chiến lược của một doanh nhân.
Một số ý kiến lý giải rằng, có thể tân Tổng thống Mỹ luôn quan niệm "mọi vấn đề đều có thể thương lượng" hoặc do mới bước vào Nhà Trắng nên bản thân ông chưa nắm chắc tính phức tạp và quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ.
Do đó, Bắc Kinh hiện nay muốn bắt tay với Washington thì chỉ có thể tích cực thông qua "thế lực ôn hòa" trong đội ngũ cố vấn của Trump. Đó chính là vợ chồng ái nữ Ivanka Trump và tân Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc đối thoại được đánh giá là "thân thiện" tại Munich, Đức hôm 17/2. (Ảnh: Reuters)
Hội đàm bỏ ngỏ ở G20
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) ngày 23/2 đưa tin, một số nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ, đã có ý kiến về việc tiến hành cuộc gặp song phương cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Đức vào tháng 7 này.
Một nguồn tin cho hay: "Bắc Kinh đang liên lạc với đội ngũ của Tổng thống Donald Trump, thảo luận về cuộc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị G20". Đồng thời tiết lộ thêm, phía Washington cũng bày tỏ đồng ý với đề xuất này.
Giới bình luận ngoại giao nhận định, G20 sẽ có thể là cơ hội đầu tiên cho cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ.
Tuy nhiên, khả năng ông chủ Nhà Trắng tham gia G20 vẫn còn bị bỏ ngỏ do chính phủ mới của ông luôn tỏ ra thiếu mặn mà với những hội nghị chính trị đa phương.
Nếu Tổng thống Trump không tham dự Hội nghị G20 tại Đức thì rất có thể, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nguyên thủ Trung - Mỹ sẽ buộc phải dời đến thời gian diễn ra Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào khoảng cuối năm 2017 tại Việt Nam, SCMP dự đoán.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc Viên Bằng nhận định: "Điều này chủ yếu phụ thuộc vào Tổng thống Trump, bởi Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự cả Hội nghị G20 và APEC. Chỉ cần ông Trump tham gia, Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để sắp xếp cuộc hội đàm song phương".