SCMP: "Đêm rắc rối" của du khách Trung Quốc có thể khiến kinh tế Thụy Điển lâm nguy?

Hồng Anh |

Vụ rắc rối tưởng chừng vô hại của nhóm du khách Trung Quốc và cảnh sát Thụy Điển đã nhanh chóng leo thang thành căng thẳng ngoại giao và khiến nhiều người dân Trung Quốc phẫn nộ.

Wang Ming (họ tên nhân vật đã được thay đổi), một người làm trong ngành truyền thông tại Bắc Kinh, trước đây chưa từng nghĩ tới chuyện đi du lịch Thụy Điển. Nhưng sau những chuyện xảy ra gần đây trong quan hệ hai nước, anh Wang khẳng định mình sẽ không muốn đặt chân đến quốc gia châu Âu đó nữa.

"Sau vụ việc một công dân Trung Quốc bị cảnh sát Thụy Điển áp bức, tôi đã gạch bỏ luôn đất nước đó khỏi danh sách các địa điểm du lịch tiềm năng dành cho gia đình mình", anh Wang nói. "Chúng tôi không cần đến một nơi xa lạ có thể khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái".

Được biết, anh Wang đã đưa ra quyết định trên sau vụ rắc rối giữa một gia đình Trung Quốc và cảnh sát Thụy Điển tại thành phố Stockholm. Căng thẳng trong mối quan hệ của hai nước Trung Quốc - Thụy Điển đã nhanh chóng leo thang kể từ sau vụ việc tưởng chừng vô hại này.

Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc - Thụy Điển

Hôm 2/9 vừa qua, anh Zeng cùng cha mẹ đã tới nhà nghỉ Generator Stockholm tại thủ đô của Thụy Điển vào khoảng 2 giờ sáng (giờ địa phương), sớm hơn 14 tiếng đồng hồ so với giờ nhận phòng.

Nhóm du khách trên nói sẽ ra sảnh đợi đến giờ nhận phòng, tuy nhiên chủ nhà nghỉ đã từ chối và còn gọi cảnh sát tới ép họ ra đường - theo anh Zeng. Video cho thấy hình ảnh người đàn ông la hét với cảnh sát địa phương phía bên ngoài nhà nghỉ đã được chia sẻ nhanh chóng trên mạng.

Phản ứng về vụ việc trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã lên án hành động của cảnh sát Thụy Điển và cảnh báo các công dân Trung Quốc đang có ý định du lịch tới đất nước này.

SCMP: Đêm rắc rối của du khách Trung Quốc có thể khiến kinh tế Thụy Điển lâm nguy? - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ đoạn clip. Nguồn: SCMP.

Sau đó, một kênh truyền hình trên đài phát thanh quốc gia của Thụy Điển Sveriges Television (SVT) lại bất ngờ phát sóng một đoạn clip châm biếm, trong đó liệt kê những điều du khách Trung Quốc được phép làm và bị cấm ở nước ngoài, trong đó bao gồm việc cấm ăn thịt chó của người dân địa phương và cấm phóng uế bừa bãi trên đường phố.

Một lần nữa, đoạn clip châm biếm trên lại khiến Đại sứ quán Trung Quốc nổi giận. Họ đã chỉ trích rằng chương trình của SVT và người dẫn chương trình Jesper Rönndahl đã "lan truyền và phổ biến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự bài ngoại [tại Thụy Điển]".

Đồng thời, cơ quan ngoại giao của Trung Quốc cũng yêu cầu đài SVT phải xin lỗi vì đã "lăng mạ Trung Quốc", và đưa ra cảnh cáo mới đối với công dân về tình trạng trộm cướp "xảy ra gần như hàng ngày" tại Thụy Điển.

Tuy chính phủ Trung Quốc chưa có động thái đáp trả chính thức sau những vụ việc trên, nhưng người dân nước này đã nhanh chóng có động thái trả đũa như việc đồng loạt đăng những bình luận tiêu cực trên các trang Facebook của Bộ Ngoại giao Thụy Điển, đài truyền hình SVT và tài khoản của người dẫn chương trình Jesper Rönndahl.

Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn hô hào nhau tẩy chay du lịch Thụy Điển, đồng thời tẩy chay các mặt hàng của Ikea - hãng sản xuất đồ nội thất nổi tiếng của Thụy Điển - ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số bình luận lại chỉ trích nhóm du khách Trung Quốc, và cho rằng việc trả đũa Thụy Điển là điều không cần thiết.

Liệu nền kinh tế của Thụy Điển có bị ảnh hưởng?

Theo số liệu năm ngoái của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, nguồn thu từ hoạt động du lịch và lữ hành chiếm dưới 10% GDP của Thụy Điển. Các du khách Trung Quốc đóng góp một phần khá lớn trong nguồn thu này.

Thụy Điển là một trong 10 địa điểm tăng trưởng nhanh nhất về số lượng du khách Trung Quốc trong nửa đầu năm ngoái, theo số liệu của Học viện Du lịch Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành du lịch và các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của những vụ lùm xùm trên đối với Thụy Điển (nếu có) thì cũng chỉ ở mức rất nhỏ. 

Theo giáo sư Jiang Shixue tại Đại học Thượng Hải, chính phủ Trung Quốc dường như cũng chưa có ý định đưa ra động thái đáp trả đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.

Còn theo ông Liu Simin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, thì nền kinh tế của Thụy Điển không chỉ dựa vào mỗi ngành du lịch, chứ chưa nói đến các du khách Trung Quốc.

"Thụy Điển ở cách xa Trung Quốc, và các chi phí của nước này cũng khá đắt đỏ, nên không nhiều người Trung Quốc lựa chọn địa điểm này", ông Liu nói.

Tuy nhiên, ông Björn Jerdén, Giám đốc chương trình Châu Á của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Đối ngoại của Thụy Điển, cho biết thời điểm hiện nay vẫn còn quá sớm để dự đoán về những ảnh hưởng của vụ việc trên đối với nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc không có động thái chính thức, thì sự phẫn nộ của người dân cũng có những tác động tiêu cực.

Trong 2 năm 2016 và 2017, một phong trào tẩy chay hàng Hàn Quốc của người dân Trung Quốc nhằm phản đối việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã khiến tập đoàn Lotte khốn đốn tại thị trường này.

Theo báo Chosun của Hàn Quốc, chuỗi cửa hàng và dịch vụ thuộc sở hữu của Lotte tại Trung Quốc đã thua lỗ khoảng 140 triệu USD trong thời gian 2 năm bị người dân bản địa tẩy chay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại