SCMP: Chính sách ngoại giao "chiến lang" có thể trở thành "con dao hai lưỡi", TQ đã quá vội vàng?

Hồng Anh |

Một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho biết, gần đây đã có một số ý kiến lo ngại rằng chính sách ngoại giao "chiến lang" có nguy cơ khiến Trung Quốc bị cô lập.

Các "chiến lang" hung hăng

Chỉ vài năm trước, hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc đều giữ thái độ thận trọng và kiềm chế, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).

Trong suốt nhiều thập kỷ, cách tiếp cận của họ là không công khai thể hiện quá nhiều, nhưng khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây - đặc biệt là Mỹ - trở nên căng thẳng hơn, thì thái độ của các nhà ngoại giao Trung Quốc rõ ràng cũng thay đổi theo hướng quyết liệt hơn.

Bình luận của các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn, và chiến lược ngoại giao này đã được đặt tên là "chiến lang" - theo tên loạt phim điện ảnh nổi tiếng của nước này.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tiếp sau đó là sự kiện dự luật an ninh quốc gia về Hồng Kông được Quốc hội Trung Quốc thông qua, xung đột giữa quốc gia châu Á này và phương Tây ngày càng gia tăng nhanh chóng, khiến một số quốc gia quyết định lập "liên minh toàn cầu" chống lại Bắc Kinh.

Một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho biết, trong giới ngoại giao của nước này đã xuất hiện một số bất đồng về chiến lược ngoại giao chiến lang, trong đó có luồng ý kiến lo ngại rằng cách tiếp cận này có nguy cơ khiến Trung Quốc bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới.

Cuộc tranh luận nội bộ này là một phần trong cuộc thảo luận quy mô lớn về cách xử lý mối quan hệ với Mỹ - vốn đang trên đà trượt dốc trong năm nay và dự kiến sẽ còn tiếp tục xấu đi trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Nguồn tin này cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện vẫn đang chịu áp lực vì vừa phải "phát huy tinh thần chiến đấu", vừa phải đối mặt với những kêu gọi trong nội bộ về việc suy xét lại chiến lược ngoại giao "chiến lang".

Theo SCMP, nguồn tin trên cũng tiết lộ rằng có những ý kiến bất đồng về cách các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài phản ứng trước những lời chỉ trích.

"[Các nhà ngoại giao nên] giữ cái đầu lạnh, điềm tĩnh và trung lập. [...] Chúng tôi cần những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những người có kinh nghiệm và tinh thông khi đại diện cho Trung Quốc trong bối cảnh xảy ra xung đột với các nước khác", người này nói.

Đề cập tới căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, nhân vật trên cho rằng Trung Quốc nên tiến hành đối thoại với Washington để tránh có thêm những tính toán sai lầm trong tương lai và để ngăn chặn nguy cơ mối quan hệ của hai nước sụp đổ hoàn toàn.

Một trong những chiến lang nổi bật nhất là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, theo SCMP.

Vào giữa tháng 3 năm nay, ông Triệu đã ám chỉ Mỹ đưa virus SARS-CoV-2 đến Vũ Hán - tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Một số đại diện ngoại giao khác của Trung Quốc cũng có thái độ công kích tương tự. Tại Paris, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã sau khi ông này bình luận rằng các viện dưỡng lão ở Pháp "để người già chết đói và bệnh".

SCMP: Chính sách ngoại giao chiến lang có thể trở thành con dao hai lưỡi, TQ đã quá vội vàng? - Ảnh 3.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lô Sa Dã. Ảnh: Twitter

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã "quá vội vàng"?

Không chỉ dừng lại ở vấn đề đại dịch COVID-19, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn gay gắt với Mỹ trên nhiều "mặt trận" khác, từ chính trị, tình báo đến an ninh.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở nên "dịu giọng" hơn trước.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và cố vấn ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Dương Khiết Trì, đã bày tỏ mong muốn hòa giải với Mỹ, kêu gọi hai nước đối thoại để tìm ra những giải pháp và lộ trình cho quan hệ song phương. Họ cũng đã hạn chế lời chỉ trích của mình thành "một vài chính trị gia" Mỹ "cố tình phá hỏng mối quan hệ song phương của hai nước để phục vụ lợi ích cá nhân".

Nhiều nhà nghiên cứu cố vấn hàng đầu của Trung Quốc cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng cách tiếp cận hiếu chiến có nguy cơ đẩy thế giới ngày càng xa Trung Quốc.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, phát biểu trong một hội thảo trực tuyến hồi tháng 5 rằng những phát biểu khiêu chiến của các nhà ngoại giao đã được đưa ra "quá vội vàng, quá sớm và quá ồn ào".

Ông Wang Yizhou, phó hiệu trưởng trường nghiên cứu quốc tế của Đại học Bắc Kinh, chia sẻ với hãng thông tấn Tân Hoa Xã rằng Trung Quốc nên có đánh giá thích hợp về những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình.

Theo ông Wang, nguy hiểm lớn nhất không nằm ở một hoặc hai điểm xung đột cụ thể hay sự khác biệt về chính sách, mà ở những "điểm mù" trong chiến lược phát triển. Do đó, Trung Quốc cần kết hợp cả "sức mạnh cứng" "sức mạnh mềm" để tránh những phản ứng có phần cảm tính và có đánh giá chính xác về bản thân, ông Wang kết luận.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại