SCMP cho hay, hoạt động trên diễn ra bất chấp thực tế Trung Quốc có hệ thống kiểm duyệt thông tin trên mạng hết sức gắt gao.
Các bài đăng ủng hộ Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar Kokang (MNDAA) cùng nhiều hình ảnh xung đột bạo lực ở biên giới Trung Quốc-Myanmar đã được tự lo lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đại lục.
MNDAA là một trong các nhóm vũ trang tham gia cuộc chạm trán ác liệt với quân đội chính phủ Myanmar vào sáng 20/11.
MNDAA tuyên bố chiến đấu vì lợi ích của nhóm dân tộc thiểu số gốc Hoa ở Myanmar, với dân số khoảng 150.000 người đang sinh sống tại khu vực Kokang.
Chính phủ Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ liên quan nào đến mâu thuẫn sắc tộc tại quốc gia láng giềng, song theo SCMP, những hành động rầm rộ và không che đậy trên mạng xã hội Trung Quốc của MNDAA đang phản ánh "thái độ khoan dung" của Bắc Kinh đối với nhóm nổi dậy được cho là "chia sẻ nguồn gốc văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ với Trung Quốc".
The Righteous Kokang Official Blog, tài khoản chính thức của MNDAA trên mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc Sina Weibo, thậm chí còn được xác nhận là một tài khoản "được chính quyền thông qua" tại Trung Quốc đại lục.
Trên trang Weibo này, MNDAA thường xuyên đăng tải các báo cáo về "tình hình tiền tuyến" và cảm ơn những người quyên góp, đồng thời kêu gọi các thành viên tiếp tục đứng vững với cuộc chiến.
"Đó chỉ là một cuộc chiến vì quyền bình đẳng và quyền tự trị dân tộc ở mức độ cao," một bài đăng gửi tới cư dân vùng Kokang hồi tháng 7 viết.
Tài khoản Sina Weibo của MNDAA có biểu tượng xác nhận đây là tài khoản chính thức được công nhận ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Nhóm vũ trang cũng công khai đăng tải số tài khoản của mình để nhận tiền tài trợ, mở tại một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) ở thị trấn Nansan sát biên giới hai nước, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Yang Zhenkun, 32 tuổi, là thành viên của MNDAA sống tại Nansan có trách nhiệm thu nhận các nguồn tiếp tế.
Yang cho biết hầu hết tiền quyên góp được sử dụng để phục vụ những người vượt biên từ Myanmar sang Vân Nam. Những đồ dùng khác như mũ bảo hiểm và kính viễn vọng được chuyển tới cho các chiến binh "ở trên núi".
Yang thừa nhận với SCMP rằng nhà chức trách Trung Quốc chưa từng điều tra hay đặt nghi vấn với họ về hoạt động nhận tài trợ và "gây quỹ" ở đại lục.
Nhóm này đã kêu gọi được hơn 125.000 NDT, cùng với áo quần, bánh bích quy, áo mưa... kể từ tháng 6 - theo thông tin cung cấp bởi tài khoản Weibo trên. Nguồn tài trợ chủ yếu đến từ những người sử dụng mạng nặc danh tại Trung Quốc.
Nhóm thậm chí từng nhận được 100.000 NDT từ một cá nhân ở Maoming, tỉnh Quảng Đông, cũng trong tháng 6.
Bên cạnh tài khoản "được xác nhận" trên Sina Weibo của MNDAA, hàng chục tài khoản Weibo không xác nhận khác cũng được phát hiện thường xuyên cập nhật tình hình mâu thuẫn ở Myanmar, với thái độ ủng hộ các nhóm vũ trang sắc tộc. Nhiều tài khoản được cho là do chính các thành viên phiến quân sử dụng.
Hồi tháng 2/2015, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định chính phủ nước này sẽ không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào làm tổn hại quan hệ với Myanmar hoặc gây bất ổn tại khu vực biên giới hai nước.