Mới đây, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có thông báo về việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp theo công văn số 1787 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tổng công ty này đã công bố công khai danh mục triển khai thoái vốn tại 120 doanh nghiệp năm 2016, trong đó có 2 cái tên nằm trong danh sách 10 công ty được Chỉnh phủ yêu cầu, là FPT và Xuất Nhập khẩu Sa Giang (SGC).
Như vậy, điều mà các nhà đầu tư chờ đợi bấy lâu nay là việc thoái vốn khỏi Vinamilk (VNM) vẫn chưa được SCIC đề cập tới.
SCIC cho biết, lộ trình thoái vốn đã được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, xem xét và quyết định. Trong trường hợp cần thiết, SCIC sẽ điều chỉnh danh mục thoái vốn năm 2016.
Trước đó, vào cuộc họp cổ đông thường niên mới đây, đại diện của SCIC tại VNM cũng cho biết Tổng công ty này đang xem xét tình hình thị trường, nên chưa ấn định thời điểm thoái vốn cụ thể.
Hơn nữa, SCIC đánh giá VNM là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nên có thể sẽ thoái vốn cuối cùng.
Chính phủ trước đó cũng đã cho phép SCIC tự quyết thời điểm thoái vốn, với yêu cầu đạt được lợi ích cao nhất.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp cần xét đến hai vấn đề: bán cái gì và bán lúc nào.
"Các tổ chức đầu tư, chuyên gia kinh nghiệm cũng khó có thể xác định được thế nào là bán được giá, thế nào là bán giá rẻ. Vấn đề này tùy thuộc vào cung cầu.
Nếu Nhà nước bán cái mình muốn bán mà không phải cái thị trường cần, có thể sẽ sinh ra vấn đề ế hàng, kéo theo việc thoái vốn không đạt hiệu quả".
Riêng với trường hợp của Vinamilk, ông Hiển chia sẻ quan điểm không nên nghĩ tới việc bán cái xấu, giữ cái tốt. "Bán cái yếu ai mua? Suy nghĩ này là sai, và ai giữ quan điểm này nghĩa là không biết kinh doanh...
Doanh nghiệp tốt, có giá mới bán, còn công ty nào đang yếu thì phải nuôi cho khỏe rồi mới bán, đó là nguyên tắc. Nên theo tôi, việc bán VNM là hoàn toàn tích cực".