Lợi nhuận tăng 23%, SCB không chia cổ tức
Theo báo cáo của SCB tại đại hội cổ đông thì kết thúc năm 2016, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 136 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2015. Đây là mức lợi nhuận khá khiêm tốn của ngân hàng có quy mô tổng tài sản nằm trong top 5 ngân hàng tại Việt Nam.
Lý giải về vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - cho rằng “Lợi nhuận thấp do các chi phí tài chính phát sinh trong quá trình tái cơ cấu tương đối cao và SCB đang tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo quy định”.
Tổng dự phòng rủi ro tín dụng của SCB giai đoạn 2012-2016 là 6.638 tỉ đồng, trong đó trích lập dự phòng trái phiếu VAMC là 3.369 tỉ đồng.
Đến hết 2016, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là hơn 500 tỉ đồng, tuy nhiên SCB quyết định không chia cổ tức. Trên thực tế đây không phải là trường hợp ngân hàng duy nhất không chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2017.
Trao đổi với PV báo Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết “Trong bối cảnh các ngân hàng đang đốc thúc muốn thực hiện theo chuẩn Basel II thì áp lực nâng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính càng tăng.
Thêm vào đó, mặc dù không ít ngân hàng công bố kết quả lợi nhuận thuần ở mức khá cao, vượt kế hoạch đề ra, nhưng do yêu cầu của NHNN buộc các NH phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để xử lý nợ xấu, nên lợi nhuận trước thuế sau dự phòng nằm ở mức thấp.
Ngay cả các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, các NH cũng phải trích lập dự phòng trong 5 năm. Lợi nhuận của nhiều NH vì vậy sẽ bị giảm đáng kể”.
Lọt vào tầm ngắm của các “đại gia” nước ngoài
Thông tin về việc SCB là NH duy nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay được chấp thuận về mặt nguyên tắc việc bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện từ năm 2015, khi đại diện NH này chia sẻ tại ĐHCĐ 2015.
Đến thời điểm hiện nay, khi trả lời báo chí cũng như cổ đông về việc này, ông Văn cho biết “SCB đang trong quá trình thương thảo với đối tác ngoại để bán trên 50% cổ phần, sau khi được chấp thuận về mặt nguyên tắc.
SCB mong muốn tìm kiếm một đối tác ngoại là tập đoàn tài chính để vừa giúp ngân hàng trong việc nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, vừa cùng nhau thúc đẩy chiến lược phát triển ngân hàng”.
Trao đổi với PV báo Lao Động, một chuyên gia ngân hàng nhận định “Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài luôn có tầm nhìn dài hạn hơn so với một số nhà đầu tư trong nước. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ các nhà đầu tư nước ngoài không sốt ruột và xác định khoản đầu tư trong thời gian dài để đổi lại lợi ích bền vững.
Các nhà đầu tư nước ngoài không phải là những “tay mơ vứt tiền qua cửa sổ”, họ đã nghiên cứu kỹ trước khi quyết định bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư vào SCB vì nhìn thấy tiềm năng to lớn của ngân hàng này”.
Tiếp tục hành trình tái cơ cấu
Gác lại câu chuyên về lợi nhuận, cổ tức và việc bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì hành trình phía trước của SCB vẫn còn nhiều gian nan. Ngân hàng này vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau hợp nhất, vì vậy việc hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt là bắt buộc.
Theo đó, trong năm 2017, SCB tiếp tục hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2015 -2017, nâng cao hiệu quả quản trị tài chính, nâng cao chất lượng bán hàng theo hướng tăng thu ngoài lãi và phát triển khách hàng mới, kiện toàn cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, tiếp cận phương thức quản trị rủi ro theo định hướng Basel II.
Trong đó, mục tiêu hàng đầu là dành mọi nguồn lực tập trung cho tái cơ cấu, trích lập dự phòng, xây dựng SCB phát triển ổn định, bền vững.