Đà sụt giảm mạnh vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần là đợt lao dốc mạnh nhất của chỉ số Nikkei 225 kể từ thứ Hai đen tối năm 1987. Nguyên nhân một phần là do việc các nhà đầu tư đóng vị thế với giao dịch carry trade (chênh lệch lãi suất) với đồng yên Nhật.
Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ, cho biết: “Việc nhà đầu tư đóng vị thế với carry trade có thể sẽ diễn ra với đồng Nhân dân tệ.”
Ông chỉ ra rằng, đồng Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài đã tăng so với đồng USD ở phiên hôm thứ Hai. Đây là phản ứng “tức thời” đối với việc giao dịch chênh lệch lãi suất đồng Yên bị “phá vỡ”.
Chiến lược carry trade là việc đi vay ở môi trường lãi suất cực kỳ thấp, như ở Nhật Bản, để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở thị trường khác. Tuy nhiên, việc NHTW Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất vào tuần trước đã khiến thị trường rung chuyển, buộc các nhà đầu tư sử dụng chiến lược này phải thanh lý các vị thế carry trade. Theo đó, sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu đã xảy ra.
Hiện tại, các nhà phân tích và nhà đầu tư đang lo ngại về diễn biến tương tự sẽ xảy ra với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Quốc gia này cũng đang ở môi trường lãi suất thấp, trong bối cảnh giới chức nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng yếu hơn.
Các chiến lược gia của Citibank đã bày tỏ mối lo ngại như vậy trong một lưu ý gửi đến khách hàng. Họ viết rằng có những lo ngại về vị thế đối với đồng tiền tệ đóng vai trò là nguồn vốn trong giao dịch chênh lệch lãi suất, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ.
Goh chỉ ra, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã nắm giữ một lượng lớn lợi nhuận bằng đồng USD, song không muốn chuyển đổi do lãi suất ở Mỹ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, họ có thể sớm phải thực hiện điều này, khi Fed chuẩn bị hạ lãi suất. Điều này có thể tạo ra những biến động lớn trên thị trường.
Đồng USD đang giao dịch quanh mức 7,17 đổi 1 Nhân dân tệ.
Giống như đồng yên Nhật, Nhân dân tệ cũng yếu nhưng lại có những vấn đề khác. Tuy nhiên, các nhà phân tích khác không cho rằng hậu quả từ giao dịch carry trade với đồng Nhân dân tệ sẽ gây biến động mạnh như đồng yên.
Vishnu Varathan, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) của Ngân hàng Mizuho, cho biết rằng đồng Nhân dân tệ không phải “cú sốc lớn tiếp theo”. Theo ông, đó là quan điểm có phần sai lầm, vì đồng yên là một đồng tiền tệ toàn cầu và có tính thanh khoản cao. Ngược lại, Bắc Kinh vẫn có động thái định hướng đối với diễn biến của đồng Nhân dân tệ.
Ngoài ra, dù đồng yên yếu là do lãi suất ở Nhật Bản thấp, nhưng đồng Nhân dân tệ giảm giá là do “những trở ngại về kinh tế mang tính cấu trúc và rủi ro địa chính trị” ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo Varathan.
Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi động lực tăng trưởng kinh tế, từ một cường quốc sản xuất hàng hoá giá rẻ sang thúc đẩy 3 ngành công nghiệp mới, đó là xe điện, pin lithium và pin mặt trời. Dẫu vậy, nước này đang phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị leo thang, như Mỹ và EU tăng thuế nhập khẩu với các ngành trên.
Varathan nói thêm, điều này có nghĩa là những rủi ro đó phải giảm bớt thì đồng Nhân dân tệ mới mạnh lên và từ đó tác động của giao dịch carry trade mới lan rộng như với đồng yên.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng có quan điểm tương tự. Họ viết trong một lưu ý, các yếu tố cơ bản khiến tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại sẽ hạn chế đà tăng giá của đồng Nhân dân tệ. Nhóm này chỉ ra các yếu tố đó là lợi nhuận từ chiến lược carry trade vẫn cao, nhu cầu nội địa yếu và khả năng PBOC tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
JPMorgan ước tính, khoảng 3/4 vị thế carry trade trên toàn cầu đã được đóng.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc chưa ghi nhận đà tăng trưởng bứt phá kể từ sau thời kỳ đại dịch. Vì vậy, nhiều khả năng PBOC vẫn cần phải hạ lãi suất.
Do đó, theo Varathan, không như đồng yên, đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá thay vì tăng giá và diễn biến này có thể tạo ra tâm lý né tránh rủi ro trên thị trường.